Hãng thông tấn AP ngày 16/8/2015 đưa tin tổng hợp một số kết quả xung quanh Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 48 và các hội nghị liên quan từ ngày 01 – 06/8/2015,[1] trong đó Trung Quốc đã gây chia rẽ ASEAN và đối đầu trực diện với Mỹ trong vấn đề Biển Đông.
Trung Quốc phá nhưng ASEAN giữ đoàn kết
Thương thuyết trong nội bộ ASEAN diễn ra rất căng thẳng giữa một bên ủng hộ tiếng nói mạnh mẽ và một bên chủ trương “hạ giọng” khi đề cập đến vấn đề Biển Đông. Việt Nam và Philippines yêu cầu một tuyên bố mạnh mẽ, lên án các hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở các đảo đá mà nước này đang chiếm đóng ở Trường Sa nhưng Campuchia lại chủ trương ngược lại.
Để tránh xảy ra “thảm họa” (không thông qua được tuyên bố chung như khi Campuchia làm chủ tịch năm 2012), ASEAN ra tuyên bố chung trong đó vấn đề Biển Đông được đề cập khá nhẹ. Tuyên bố không chỉ đích danh Trung Quốc mà chỉ “lưu ý về những quan ngại sâu sắc của một số Bộ trưởng nêu ra” về các hoạt động tôn tạo đảo đá ở Biển Đông. Các hoạt động tôn tạo, bồi đắp, xây dựng đã “làm sói mòn lòng tin và sự tin cậy, làm gia tăng căng thẳng và có thể gây phương hại đến hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông”. Tuyên bố cũng cho biết các Bộ trưởng cũng kêu gọi tất cả các bên “thực hiện kiềm chế đối với các hoạt động làm phức tạp và gia tăng các tranh chấp” (cái này không phải là mới vì đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các tuyên bố trước đó).
Trung Quốc chơi bài “cùn” trước đề xuất dừng cải tạo đảo của Mỹ
Trong khi đó, đáp lại đề xuất “dừng” các hoạt động cải tạo xây dựng ở Trường Sa của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, ông Vương Nghị nói rằng đề nghị của Mỹ yêu cầu Trung Quốc dừng các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo là không khả thi. Ông Vương Nghị nói cần có ví dụ cụ thể cái gì cần được dừng? Đâu là tiêu chuẩn cho việc dừng? Ai sẽ đặt ra tiêu chuẩn cụ thể, v.v.
Thậm chí, khi trả lời báo chí về việc Trung Quốc có dừng việc cải tạo ở Biển Đông hay không, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị còn nói: “Trung Quốc đã dừng rồi. Cứ đưa máy bay đến mà xem”. Ông Vương Nghị còn cho rằng Trung Quốc là nạn nhân trong vấn đề Biển Đông.
Sự giảo hoạt của ông Vương Nghị
Ngay sau trả lời của ông Vương Nghị, các báo quốc tế đưa các hàng tít là Trung Quốc dừng các hoạt động xây dựng ở Biển Đông. Nếu độc giả chưa theo sát tình hình sẽ hiểu là Trung Quốc đã dừng các hoạt động xây dựng ở các đảo đá mà nước này đang chiếm đóng ở Trường Sa. Nhìn rộng ra, việc Mỹ điều máy bay đến giám sát khu vực này là không cần thiết và vô lý.
Nhưng, nếu độc giả nào thường xuyên theo dõi tình hình Biển Đông sẽ thấy rằng ông Vương Nghị đang đánh lừa dư luận với hy vọng sẽ kéo vấn đề xuống và hạn chế chỉ trích quốc tế đối với các hành động cải tạo, xây dựng mà nước này đang thực hiện ở Biển Đông.
Cái “dừng” mà ông Vương Nghị nói đến là dừng nạo vét và bơm cát để biến các bãi đá mà nước này đang chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa thành các đảo nhân tạo. Cái “dừng” của ông Vương Nghị là dừng của giai đoạn đầu còn giai đoạn tiếp theo vẫn tiếp diễn. Ngoại trưởng Trung Quốc chỉ nói lại cái đã được tuyên bố từ trước đó của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (ngày 16/6/2015) rằng hoạt động bồi đắp cải tạo sẽ hoàn tất trong vài ngày tới và chuyển sang giai đoạn xây dựng các cơ sở trên đảo.
Vẫn câu chuyện về khoảng cách giữa lời nói và hành động
Trước những phát biểu “cùn” của Ngoại trưởng Trung Quốc, nhiều độc giả đưa ra một số đánh giá, tựu chung lại trong vấn đề về “khoảng cách giữa lời nói và hành động” của Trung Quốc. Trước hết, Trung Quốc phải thể hiện sự chân thành trong lời nói và phải đối chiếu kỹ với hành động. Nạn nhân thực sự là các nước nhỏ hơn. Chính họ mới là đối tượng bị bắt nạt.
Thứ hai, trong khi Mỹ lên tiếng bảo vệ tự do hàng hải, Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền không dựa theo nguyên tắc nào của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Luật biển 1982. Chủ quyền đối với các thực thể được xác định theo nguyên tắc đất thống trị biển, trong khi Trung Quốc viện dẫn quyền lịch sử một cách mơ hồ. Hay nói cách khác, cơ sở pháp lý của Trung Quốc về chủ quyền đối với các đảo đá ở Trường Sa là rất yếu.
Thứ ba, nếu Mỹ đưa máy bay đến khu vực thì sẽ thấy gì? Máy bay Mỹ có thể không thấy các hoạt động hút cát bồi đắp đảo nhưng các hoạt động xây dựng các cơ sở, đặc biệt là tiền đồn quân sự vẫn được tiến hành. Chính Trung Quốc cũng đã khẳng định điều này. Trung Quốc giờ đang tập trung vào việc xây dựng các cơ sở trên đảo như đường băng ở Đá Chữ Thập đủ điều kiện cho việc quân sự hóa. Trung Quốc còn xây dựng các công trình ở Đá Vành Khăn, xây dựng sân bay thứ hai ở Đá Subi, v.v.
Giai đoạn hai này mới thực sự đáng ngại đối với Mỹ, Nhật Bản và Đông Nam Á bởi vì nó quyết định khả năng phát huy sức mạnh của Trung Quốc thông qua các cơ sở được xây dựng trên đó. Bộ Ngoại giao Philipines lo ngại và coi các hoạt động này là “hoạt động làm bất ổn”. Nhật báo Phố Uôn (Wall Street Journal) của Mỹ thì cho rằng Trung Quốc đang xây dựng “hàng không mẫu hạm không thể đánh chìm”. Xa hơn, khi giai đoạn hai kết thúc, các đảo nhân tạo này sẽ tăng cường khả năng đòi hỏi yêu sách biển rộng lớn ở Biển Đông của Trung Quốc.
Như vậy, một điều rõ ràng là Ngoại trưởng Trung Quốc đang cố tình đánh lừa dư luận để kéo vấn đề cải tạo đảo xuống, hạ thấp vai trò của Mỹ và đẩy Mỹ ra khỏi khu vực nhằm bá quyền ở Biển Đông.
BDN
[1] http://bigstory.ap.org/article/1b4993ae48f245e4a77b84937e6d5791/south-china-sea-watch-china-rejects-free-island-building