Monday, December 23, 2024
Trang chủNhìn ra thế giới2 tỷ USD vốn vay ODA đem lại lợi ích gì cho...

2 tỷ USD vốn vay ODA đem lại lợi ích gì cho giáo dục Việt Nam?

Có những dự án giáo dục trong 5 năm đã ngốn hết 150 triệu USD vốn vay ODA, nhưng đáng tiếc là không có luận giải, công khai chi tiết kết quả đã đạt được.

LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin trân trọng giới thiệu với độc giả bài viết của TS. Đặng Văn Định – Trưởng ban Nghiên cứu và Phát triển chính sách – Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, về sự cần thiết phải giám sát nguồn vốn vay ODA đối với lĩnh vực giáo dục đào tạo và dạy nghề.

Về mặt lý thuyết, vốn vay xuất phát từ nhu cầu thiết yếu của một địa phương, một ngành nào đó đối với mỗi quốc gia là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, những khoản vay ấy thực chất đã chi vào những hoạt động nào, hiệu quả của từng dự án ra sao mới là vấn đề cần phải quan tâm, giám sát; nhất là khi đầu tư cho lĩnh vực giáo dục đào tạo và dạy nghề – có ảnh hưởng trực tiếp tới hàng triệu thanh niên và cũng là tương lai của đất nước.

Giai đoạn 2004 – 2014, vốn ODA dành cho lĩnh vực giáo dục đào tạo và dạy nghề đã lên tới là hơn 2 tỷ USD, chiếm khoảng 3,5% tổng số vốn ODA ký kết của cả nước.

Không giống như những dự án công trình xây dựng cơ bản rất dễ phát hiện lỗi (nếu có), các chương trình dự án trong giáo dục tích tụ hàng chục năm trời được các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội báo cáo bởi danh mục dự án, chương trình và những nhận xét định tính; rất hiếm khi thấy những con số biết nói.

Như thế rất khó nhận định chắc chắn về chất lượng, hiệu quả ODA trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và dạy nghề.

Cho nên, chương trình “giám sát chất lượng, hiệu quả các dự án ODA trong giáo dục giai đoạn 2004 – 2014” do Ủy Ban Văn hóa giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chủ trì là việc làm cần thiết nhưng rất khó khăn.

Số liệu tổng hợp của Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho thấy, trong giai đoạn 2004 – 2014 lĩnh vực giáo dục đào tạo và dạy nghề đã thu hút khoảng 80 chương trình dự án ODA với tổng số vốn ký kết đạt hơn 2.157 triệu USD, trong đó vốn vay chiếm khoảng 71,9%, vốn không hoàn lại chiếm khoảng 14,5% và 13,6% vốn đối ứng.

Trong giai đoạn này, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo thực hiện 26 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục – đào tạo, gồm 10 dự án viện trợ không hoàn lại và 16 dự án vốn vay ưu đãi, với tổng kinh phí được phê duyệt là 1.925,39 triệu USD, trong đó có 1.390,18 triệu USD vốn vay (chiếm 72%); 300,66 triệu USD vốn viện trợ (chiếm 16%) và 234,55 triệu USD vốn đối ứng (chiếm 12%).

Trong số 26 dự án đã được phê duyệt triển khai, có 14 dự án đã kết thúc và 12 dự án đang triển khai, trong đó dự án có thời gian triển khai dài nhất là đến năm 2019.

Ở lĩnh vực dạy nghề, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang quản lý 12 dự án có vốn ODA, trong đó 6 dự án sử dụng vốn không hoàn lại khoảng 13,66 triệu USD và 6 dự án sử dụng vốn vay với tổng mức đầu tư ước tính đạt 232,27 triệu USD.

Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, có thể thấy rằng, sự nghiệp Giáo dục của Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu lớn, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có kết quả thu hút vốn ODA thể hiện ở một số giá trị lớn:

Thứ nhất là Tăng cường tiếp cận giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, và cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Hầu hết các chương trình, dự án vốn vay ODA  được thiết kế nhằm hỗ trợ phát triển giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ thông qua các hoạt động xây mới, nâng cấp cơ sở vật chất trường học, nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó, đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý, tăng tỷ lệ hoàn thành cấp học.

Thứ hai là góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục và đào tạo. Các chương trình, dự án ODA hỗ trợ, tư vấn đã truyền tải, tiếp cận các giá trị và xu hướng phát triển tiên tiến, các mô hình, các kinh nghiệm quản lý của thế giới góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục và đào tạo.

Thứ ba là góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Một số nhà tài trợ còn cung cấp các học bổng chính phủ hàng năm để đào tạo một đội ngũ đáng kể sinh viên Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ tư là hỗ trợ đầu tư trang thiết bị đào tạo dạy nghề và nâng cao năng lực quản lý dạy nghề. Các dự án ODA đã hỗ trợ đầu tư trang thiết bị dạy nghề đồng bộ, hiện đại cho một số nghề trọng điểm đã được lựa chọn để tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng theo cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động; hỗ trợ xây dựng chương trình, giáo trình, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề.

Mục tiêu sử dụng vốn ODA phải phù hợp với chính sách và phương hướng ưu tiên xem xét trong mối quan hệ giữa bên cấp và bên nhận ODA. Thông thường, các nước cung cấp ODA đều có những chính sách và ưu tiên riêng của mình, tập trung vào một số lĩnh vực mà họ quan tâm hay có khả năng xuất khẩu về kỹ thuật và tư vấn công nghệ, kinh nghiệm quản lý.

Tuy nhiên, với mục tiêu sử dụng ODA như thế khiến Việt Nam phải “thích nghi”, lựa chọn một số loại việc tương ứng để đưa vào các chương trình, dự án thụ hưởng ODA. Trong giai đoạn 2004-2014 lĩnh vực giáo dục đào tạo và dạy nghề thu hút đến 80 chương trình dự án có vốn ODA, nhưng rất khó để có đánh giá chi tiết về tính hiệu quả của từng dự án.

Xin nêu một thí dụ điển hình, đó là tại báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư viết “Chương trình phát triển chính sách giáo dục đại học do WB tài trợ với số vốn vay là 150 triệu USD, thời gian thực hiện: 2009-2013. Dự án nhằm hỗ trợ thực hiện các chính sách tăng cường quản trị, tài chính và chất lượng giáo dục đại học”.

Nếu tính ra Việt Nam đồng thì số vốn này lên tới 3000 tỷ đồng – một con số rất lớn đối với nền kinh tế nước ta nói chung và lĩnh vực giáo dục nói riêng. Thế nhưng rất đáng tiếc là tác động của dự án đến những vấn đề lớn của hệ thống giáo dục đã không được luận giải.

Trong khi đó nếu triển khai đúng hệ thống khoa học và bài bản thì phải tập trung trí tuệ, kinh nghiệm trong và ngoài nước để xử lý một loạt các vấn đề như: Hệ thống giáo dục quốc dân; Mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học; Mô hình quản trị nhà trường ngoài công lập gắn sở hữu tài sản với mục tiêu lợi nhuận hay phi lợi nhuận; Kiểm định chất lượng xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học; Tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học.

Không làm rõ tác động của dự án với những việc trên thì không thể kết luận vay 150 triệu USD nêu trên đã “đi vào đâu” và hiệu quả đạt được là gì?

RELATED ARTICLES

Tin mới