Saturday, April 20, 2024
Trang chủQuân sựHậu quả nghiêm trọng từ sai lầm của Obama với Nga 6...

Hậu quả nghiêm trọng từ sai lầm của Obama với Nga 6 năm trước

Tạp chí National Review (Mỹ) nhìn lại 6 năm kể từ ngày Tổng thống Mỹ Barack Obama khởi xướng tiến trình “tái khởi động” (reset) quan hệ Nga – Mỹ và những hậu quả của bước đi này.

Sai lầm của Obama

Ngày 5/9/2014, đặc vụ Nga “lấn sân” sang biên giới Estonia và bắt giữ Eston Kohver, một quan chức Cục An ninh Nội bộ Estonia mà Moscow cáo buộc đã từng hoạt động gián điệp tại Nga. Tuần trước, sau một phiên tòa kín, Nga tuyên án 15 năm tù cho Kohver.

Vậy Mỹ và các đồng minh đã làm gì để “đáp lễ”? Washington đưa ra một tuyên bố chung chung; NATO phản đối qua… Twitter; còn EU thì cho rằng “còn quá sớm” để bàn tới hành động đáp trả.

Nói cách khác, không ai “dám” làm gì Nga.

Đáng nói hơn, việc Nga vi phạm trắng trợn quyền lãnh thổ của một quốc gia NATO, chí ít là như những gì phía Estonia cáo buộc, lại xảy ra chỉ 2 ngày sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Tallinn trong một chuyến thăm thể hiện cam kết bảo vệ an ninh Estonia của Mỹ.

Theo National Review, điều này cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin rõ ràng không hề “nể mặt” gì người đồng cấp bên phía Mỹ. Ông Putin biết Obama sẽ không phản ứng gì, nếu căn cứ vào những gì đã xảy ra trong suốt 6 năm vừa qua, kể từ khi Mỹ-Nga “reset”.

Vài tháng trước, Nga phá vỡ lệnh cấm vận vũ khí với Iran và bán một loạt tên lửa S-300 cho nước này. Obama phản ứng bằng việc… bênh Putin, và thậm chí còn khen ông chủ điện Kremlin “biết kiên nhẫn”.

Vẫn là vấn đề Iran, khi đàm phán hạt nhân đã gần đạt đến thỏa thuận, Nga lại nhảy vào ủng hộ Tehran đòi gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí thông dụng và tên lửa đạn đạo. Kết quả? Mỹ lại phải đáp ứng.

Rồi xa hơn là cuộc khủng hoảng miền Đông Ukraine. Dù cáo buộc Nga đứng sau phe ly khai, nhưng tất cả những gì Mỹ đã làm chỉ là những lệnh trừng phạt mà National Review nói rằng chẳng có mấy tác dụng cùng những lời đe dọa rỗng tuếch.

Điều quan trọng nhất, theo National Review, là vũ khí sát thương, thì đến nay Ukraine vẫn chưa nhận được. Vì sao? Vì Obama sợ “gây hấn” với Putin.

Đồng minh chịu khổ

National Review nhận định, các nước Đông Âu đã nhận ra sự nhún nhường của Mỹ dưới thời ông Obama.

Tháng 2 đầu năm, Lithuania đã tái áp dụng chính sách nhập ngũ bắt buộc. Về mặt chiến lược, điều này không thật sự có nhiều tác dụng vì quân đội nước này có lẽ chẳng trụ nổi một ngày trước Nga, nhưng lại mang ý nghĩa to lớn về mặt biểu tượng.

Đây có thể coi là một thông điệp Vilnius muốn gửi tới Mỹ và NATO, trong bối cảnh tổ chức này vẫn từ chối không xây dựng căn cứ cố định tại các quốc gia Đông Âu để đề phòng Nga động binh.

Cũng phải nói rằng mong muốn đưa Nga trở về thời huy hoàng của Liên Xô đã nằm trong tâm trí ông Putin từ trước khi ông Obama lên nắm quyền. Nhưng theo National Review, để cái mong muốn đó trở thành những bước đi cụ thể như hiện nay, ông Putin cần có thời cơ nhất định.

Và nhiệm kì của ông Obama, hay cụ thể hơn là chính sách “reset” với Nga mà Mỹ đã áp dụng trong hơn 6 năm qua, đã “tặng” cho Tổng thống Nga thời cơ ấy.

Kể từ sau Thế chiến thứ II, Nga đã hiểu rằng Mỹ, chứ không phải EU, sẽ luôn là thế lực đầu tiên sẵn sàng đứng ra bảo vệ an ninh phương Tây, nhưng những gì đã xảy ra trong nhiệm kì ông Obama lại không cho thấy điều đó.

Còn nhớ, trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2012, ông Obama đã từng cười vào phát biểu của ứng viên đảng Cộng hòa Mitt Romney, người khi đó cho rằng “Nga là mối đe dọa từ bên ngoài lớn nhất của Mỹ vào thời điểm hiện tại”.

Nhưng nay, tất cả những quan chức quân đội hàng đầu trong quân đội Mỹ đều đồng tình với Romney, trong đó điển hình là ông Joseph Dunford, người được chính Obama “chấm” làm tân Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Quân đội Mỹ.

National Review nhận định, do những đánh giá sai lầm tai hại của ông Obama về Nga, cán cân quyền lực đang nghiêng xa khỏi hướng Mỹ mong muốn, và những đồng minh của Washington đang cảm nhận được điều này.

Không chỉ ở Đông Âu, tầm ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Đông cũng đang bị ảnh hưởng trầm trọng từ sai lầm này. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi, người đứng đầu quốc gia đồng minh Arab thân cận của Mỹ tại Trung Đông, đã thăm Moscow 2 lần trong 4 tháng gần đây.

Rồi cũng phải kể tới Saudi Arabia, sau khi phải chịu “cú sốc” từ thỏa thuận hạt nhân của Mỹ với Iran, đang tìm đến những giải pháp thay thế. Và ngay lập tức, Nga đã chớp lấy thời cơ. Putin sẽ tới thăm Riyadh, và Vua Salman cũng đã được mời tới Moscow.

Thậm chí ngay cả Pakistan, một quốc gia vốn không ưa gì Nga, đã và đang mua hàng loạt trực thăng Mi-35 từ Moscow, đồng thời xây dựng đường ống dẫn dầu từ Karachi đến Lahore.

Nói tóm lại, theo National Review, Putin đang nghĩ cách làm sao để tận dụng tối đa “món quà trời ban” có tên Barack Obama trong 17 tháng tới, trước khi Tổng thống Mỹ hết nhiệm kì.

RELATED ARTICLES

Tin mới