Wednesday, May 8, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTổng quan chính sách của Mỹ ở Biển Đông (kỳ 4)

Tổng quan chính sách của Mỹ ở Biển Đông (kỳ 4)

Nguyên nhân chính khiến Biển Đông nhận được rất nhiều bình luận cũng như lo ngại đó là việc Trung Quốc đã bắt đầu đòi chủ quyền đối với các địa vật và vùng biển ở Biển Đông một cách chủ động, chậm rãi nhưng chắc chắn. Trung Quốc đã có nhiều hành động cưỡng ép ở Biển Đông. Trung Quốc giành quyền kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng hòa (RVN) trong một hoạt động quân sự năm 1974 và kể từ năm 1988, khi Trung Quốc chiếm Đảo Johnson sau một trận chiến đẫm máu với Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa (DRV), Trung Quốc đã bắt đầu đòi quyền lực của mình ở các khu vực xung quanh quần đảo Trường Sa. Trung Quốc đã chiếm đóng Bãi cạn Scarborough từ tay Philippines mà không cần sử dụng đến bạo lực năm 2012.

Cách tiếp cận của Trung Quốc đối với các yêu sách về biển ở Biển Đông

Trong công trình nghiên cứu khám phá mặt trận biển của Trung Quốc của mình, học giả người Australia, Tiến sĩ Greg Austin kết luận rằng các yêu sách củ Trung Quốc ở Biển Đông được thúc đẩy bởi một niềm tin vững chắc rằng các địa vật ở Biển Đông thuộc về Trung Quốc theo các tiêu chuẩn luật quốc tế được chấp nhận rộng rãi. Tiến sĩ này lạp luận các nguồn tài nguyên cũng quan trọng nhưng không không phải là động lực chính. Đây có thể là một đánh giá chính xác khi nói về một “niềm tin vững chắc” rằng tất cả các địa vật đều thuộc về Trung Quốc. Nhưng nó hàm ý rằng Trung Quốc đã tỉ mỉ tuân theo các quy định liên quan tới vùng biển và địa vật trong Công ước Luật Biển 1982 của LHQ. Trung Quốc đã không làm vậy và cả những quốc gia đưa ra yêu sách khác cũng vậy.

Hơn nữa, Trung Quốc cũng đang cố gắng viết lại luật pháp quốc tế “được chấp nhận rộng rãi” – nhất là để đưa ra đòi hỏi của Trung Quốc đối với các tài nguyên nằm xa những gì liên quan tới địa vật. Trên thực tế, đó chính là những già mà “đường chín đoạn” của Trung Quốc thể hiện. Trung Quốc lập luận rằng mình có “quyền lịch sử” và được giới hạn bởi đường chín đoạn, để lý giải tiếp cận tài nguyên trên thềm lục địa và cùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Indonesia.

Malaysia, Brunei và Philippines. Vụ kiện như đã được nêu ở trên, mà Philippines đưa ra trước hội đồng trọng tài là nhằm tìm hiểu giá trị pháp lý của “đường chín đoạn”. Và Philippines hi vọng hội đồng trọng tài sẽ quyết định tiến hành quá trình trọng tài và sẽ làm rõ tình trạng không rõ ràng về mặt kinh tế xuất phát từ việc Bắc Kinh đưa ra đường ranh giới này nhằm cản trở các quốc gia ven biển ở Biển Đông trong việc khai thác các tài sản kinh tế hợp pháp của họ là tài sản và tài nguyên dưới đáy biển.

Lợi ích an ninh của Trung Quốc

Với Bắc Kinh, kiểm soát Biển Đông là việc quan trọng vì khu vực này vừa là vùng đệm an ninh đối với Miền Nam Trung Quốc vừa là tuyến đường mậu dịch quan trọng với Trung Quốc, chiếm khoảng 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc. Liệu rằng Biển Đông có phải là “lợi ích cốt lõi” như Đài Loan hay Tây Tạng hay không là một chủ đề nóng năm 2010 sau khi một phóng sự trên Thời báo New York Times chỉ ra rằng Trung Quốc đã nói điều đó trong một cuộc họp với quan chức cấp cao của Mỹ. Mặc dù bài báo đã nhận được sự quan tâm lớn từ các chuyên gia Trung Quốc và Mỹ nhưng không có bằng chứng nào được hé lộ rằng việc mở rộng các lợi ích quan trọng của Trung Quốc bắt nguồn từ Biển Đông.

Tuy nhiên, dù Trung Quốc có chính thức đưa Biển Đông vào nhóm “lợi ích cốt lõi” của họ hay không thì dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, các hành động của Trung Quốc thể hiện rằng “việc kiểm soát” Biển Đông chiếm vị trí cao trong danh sách các mối quan tâm của Trung Quốc. Vì điều này bao hàm chủ quyền của Trung Quốc, dưới thời của Tập Cận Bình, thực ra nó có được xem là một “lợi ích cốt lõi”. Khi phát biểu tại một cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc về quan điểm ngoại giao của Trung Quốc với các quốc gia láng giềng, Chủ tịch Tập Cận Bình được cho là đã nói rằng Trung Quốc “phải… tăng cường khả năng bảo vệ các quyền và lợi ích biển và sau cùng là bảo vệ các quyền trên biển của chúng ta…”. Tiếp đó, vị Chủ tịch này nói về bảo vệ các “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc.

Từ góc nhìn an ninh chiến lược, Trung Quốc có bốn mối quan tâm ở Biển Đông:

Thứ nhất, Trung Quốc muốn bảo vệ lãnh thổ và trung tâm kinh tế của mình khỏi các tấn công từ biển.

Thứ hai, Trung Quốc muốn đảm bảo rằng khi các nguyên vật liệu của Trung Quốc cập cảng quốc gia này từ phía Nam hoặc từ vùng biển Ấn Độ Dương, các nguyên vật liệu này không thể bị cản trở.

Thứ ba, Trung Quốc muốn đảm bảo rằng hàng xuất khẩu đường biển của Trung Quốc đến khu vực Nam Á, Châu Phi và Châu Âu không bị tấn công khi qua Biển Đông.

Cuối cùng, Trung Quốc bị cuốn hút bởi viễn cảnh kinh tế chiến lược rằng Trung Quốc có thể giảm phụ thuộc vào dầu mỏ và khí thiên nhiên vốn được vận chuyển qua hai điểm nút phức tạp (Eo biển Hormuz và Eo biển Malacca) thông qua việc đưa ra đòi hỏi về và khai thác tài nguyên hidrocacbon (thực tế và trong tưởng tượng) của Biển Đông. Một trong những mục tiêu chiến lược chính của Trung Quốc là giảm sự phụ thuộc của quốc gia này vào dầu mỏ từ Vịnh Ba Tư và Châu Phi vốn phải vượt qua được quãng đường biển dài và tiềm ẩn rủi ro mới đến được Trung Quốc (điều này thường được coi là “thế tiến thoái lưỡng nan ở Malacca” của Trung Quốc vì một lượng lớn tài nguyên được vận chuyển qua Eo biển Malacca Strait).

Nếu trữ lượng dầu ở Biển Đông khớp với những dự đoán lạc quan nhất thì mục tiêu chiến lược này có thể trở thành sự thật. Điều này sẽ giải quyết triệt để Thế tiến thoái lưỡng nan ở Malacca thông qua việc để Trung Quốc tiếp cận với trữ lượng lớn dầu mỏ và khí này từ một trong những vị trí “biển gần” của Trung Quốc – một vị trí an toàn và ít bị ngăn chặn hơn. Khi tiếp cận từ góc nhìn này, không khó để hiểu được việc Trung Quốc sẵn sàng khiến các quốc gia láng giềng lo ngại và hy sinh cả tình thiện chí đã tạo lập với ASEAN qua nhiều năm thực hiện chính sách ngoại giao “phát triển hòa bình”, thông qua việc này ngày càng khẳng định chủ quyền và các vấn đề tài nguyên ở Biển Đông.

Cách hành xử của Trung Quốc

Như đã đã đề cập ở trên, cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông trở nên tồi tệ trong năm 2012 khi quốc gia này cưỡng ép Philippines khỏi Bãi cạn Scarborough. Học giả nghiên cứu Trung Quốc Bonnie Glaser đã thể hiện điều này trong một lần phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, “Bắc Kinh – một thế lực mới nổi ở Biển Đông”:

Cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông là có mục đích và mang tính hệ thống: các hành động của Trung Quốc không phải là kết quả không định trước của nền chính trị quan liêu và phối hợp kém. Thực ra, các hành động của Trung Quốc trong các tháng gần đây cho thấy việc phối hợp giữa các cơ quan, kiểm soát quân sự – dân sự, sự hài hòa giữa các mục tiêu quân sự, kinh tế và chính trị. Hành động hăm dọa và ức hiếp các bên tranh chấp khác là bằng chứng cho thấy chính sách ngoại giao cưỡng ép của Trung Quốc là quyết định của tầng lớp lãnh đạo cấp cao. Điều này không chỉ có ý nghĩa với Philippines và Việt Nam, mục tiêu chính của các nỗ lực cưỡng ép của Trung Quốc, mà còn có ý nghĩa rộng lớn hơn ở khu vực và thế giới.

Trong phần phát biểu của mình, học giả này cũng chỉ ra rằng các đòi hỏi, chính sách, tham vọng và khả năng của trung quốc khác nhiều so với các bên tranh chấp còn lại:

Bắc Kinh từ chối tham gia các đối thoại đa phương về tranh chấp trên biển và tranh chấp lãnh thổ trong khu vực và thích dùng cơ chế đơn phương hơn trong đó Trung Quốc có thể gây sức ép lên các quốc gia nhỏ hơn, yếu hơn. Trung Quốc không chấp nhận để Tòa án Công lý Quốc tế (TCJ) hoặc Tòa án Quốc tế Luật Biển (ITLOS) giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp trên biển ở Biển Đông. Tuy cuối cùng Bắc Kinh đã đồng ý đàm phán nhằm lập một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, các quan chức Trung Quốc gần đây cho biết rằng các phiên thảo luận chỉ có thể diễn ra khi “điều kiện chín muồi”.

Trong hai năm qua, cách tiếp cận của Trung Quốc ở Biển Đông được thể hiện qua chiến lược “cắt lát để trị”. Trung Quốc tiếp tục đi những bước nhỏ và tăng dần nhưng không để đến nỗi các bên tranh chấp phải dùng đến quân sự để đáp trả. Và theo thời gian quốc gia này dần dần thay đổi tình hình tranh chấp theo hướng có lợi cho họ. Một số người Trung Quốc đã gọi đây là chiến lược “cải bắp” – hàm chỉ việc bao vây từng lớp từng lớp một địa vật đã bị chiếm đóng. Dù người ta có gọi nó dưới tên nào thì chiến lược này cũng đã thể hiện sự hiệu quả.

Một đặc điểm quan trọng trong cách tiếp cận của Trung Quốc là cẩn trọng tránh trực tiếp sử dụng Hải quân Trung Quốc một cách tối đa. Cảnh sát biển và tàu cá lớn của Trung Quốc là lực lượng đi đầu trong việc tuần tra ở Biển Đông và hung hăng khẳng định đòi chủ quyền lãnh thổ và các ngư trường liên quan. Các hành động được dư luận biết đến nhiều nhất là việc Trung Quốc đuổi các tàu cá của các quốc gia khác ra khỏi các ngư trường mà Trung Quốc khẳng định chủ quyền, việc Trung Quốc cố ngăn chặn tàu Philippines tiếp tế cho đội quân đồn trú trên một chiếc tàu cũ mắc cạn ở bãi Second Thomas, và việc Trung Quốc không cho ngư dân Philippines tiếp cận với các ngư trường truyền thống của họ ở quanh Bãi cạn Scarborough. Tháng 5 năm 2014, Trung Quốc đặt giàn khoan dầu đầu tiên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trung Quốc nói rằng giàn khoan này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế/thềm lục địa của Trung Quốc kéo dài từ phần phía Tây của quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm từ năm 1974. Vì Việt Nam không công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa nên họ lập luận rằng đây là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và việc Trung Quốc đặt giàn khoan dầu ở đó là đã xâm phạm rõ ràng chủ quyền Việt Nam.

Rõ ràng là đã dự tính trước sẽ gặp phải khó khăn, ban đầu Trung Quốc đã cử khoảng 80 tàu đi hộ tống giàn khoan này – gồm các tàu cá, tàu cảnh sát biển, và theo ghi nhận là 7 tàu hải quân Trung Quốc. Việt Nam đáp trả bằng việc cử khoảng 20 tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư. Tình hình căng thẳng kéo dài hơn một tháng khi các tàu của hai bên va chạm và phun vòi rồng vào tàu của nhau. Một tàu cá của Việt Nam đã bị bắt giữ sau khi bị đâm; thật may là các thuyền viên đã được giải cứu. Sau hai tháng, giàn khoan được đưa ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, có thể để một cơn bão nhiệt đới đang tới gần. Kể từ lúc đó, Hà Nội và Bắc Kinh đã đưa quan hệ giữa hai bên bình ổn trở lại. Tuy nhiên, nhiều quốc gia ở Đông Nam Á rõ rằng đã rất lo lắng trước hành động đơn phương và khiêu khích của Trung Quốc.

Và Nhà Trắng cũng thấy như vậy. Trong buổi họp báo ngày 01/07/2014, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Ben Rhodes đã nói như sau khi đề cập đến cách tiếp cận của Trung Quốc đối với các tranh chấp ở Biển Đông: “Điều chúng tôi muốn nói đơn giản là chúng tôi không muốn xảy ra việc nước lớn ức hiếp nước nhỏ nhằm giành lợi thế trong tranh chấp lãnh thổ”.

Như một chuyên gia nhận định: “Trung Quốc đã sẵn sàng ra tay ở Đông Nam Á”. Vị chuyên gia này đang nói tới cách tiếp cận cứng rắn mà Trung Quốc đã và đang theo đuổi ở Biển Đông vì Trung Quốc đã chiếm quyền kiểm soát ở Bãi cạn Scarborough từ tay Philippines năm 2012. Trên thực tế, các hành động của Trung Quốc “đang khiến Đông Nam Á vô cùng sợ hãi”.

Đồng thời, Bắc Kinh tăng cường thuyết phục mọi người tin vào tầm quan trọng của các mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước ASEAN láng giềng. Tháng 10 năm 2013, trong chuyến thăm tới Indonesia, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố một sáng kiến mới của Trung Quốc, có tên gọi “con đường tơ lụa mới trên biển”. Về cơ bản, đây là sáng kiến về “năm mối liên kết” dọc theo tuyến đường hàng hải kéo dài từ Trung Quốc qua Biển Đông đến Indonesia, Singapore, Malaysia, Sri Lanka và India; đến duyên hải phía Đông của Châu Philippines và qua Biển Đỏ và Suez; qua phía Đông Địa Trung Hải tới các cảng do Trung Quốc kiểm soát ở Hi Lạp; và sau đó bằng đường bộ đến các cảng biển ở Biển Bắc. “Năm mối liên kết” này là:

  • Nâng cấp và mở rộng hạ tầng hàng hải
  • Tăng cường kết nối giữa các cảng
  • Tăng cường hợp tác hàng hải trong các lĩnh vực như đánh bắt cá, tìm kiếm cứu nạn và an toàn hàng hải.
  • Thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực và tiểu khu vực, bao gồm việc mở rộng các vùng hợp tác kinh tế và cải thiện chuỗi sản xuất xuyên quốc gia.
  • Tăng cường trao đổi văn hóa và mối quan hệ giữa con người với con người.

Có vẻ sáng kiến “Con đường tơ lụa mới trên biển” được đưa ra vì Trung Quốc cần trưng ra một bộ mặt ôn hòa hơn đối với các quốc gia láng giềng để làm đối trọng với những lo ngại của các quốc gia Đông Nam Á trước cách tiếp cận cứng rắn của Bắc Kinh đối với các vấn đề chủ quyền ở Biển Đông. Thông điệp được đưa ra dường như là Trung Quốc đang cho các quốc gia được lựa chọn. Quốc gia nào trực tiếp đối đầu với các đòi hỏi của Trung Quốc sẽ đối mặt với sự phô trương sức mạnh của Trung Quốc dưới rất nhiều chiêu bài. Tuy nhiên, quốc gia nào theo đuổi các chính sách ôn hòa hoặc ngầm ủng hộ đòi hỏi của Trung Quốc sẽ nhận được những phần thưởng chính trị và kinh tế có lợi cho cả hai bên.

(còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới