Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc vừa giảm 93,9 tỉ USD – kỷ lục trong vòng một tháng – sau nỗ lực của Bắc Kinh nhằm chặn đà rơi của đồng nhân dân tệ và thị trường chứng khoán.
Reuters và Bloomberg dẫn số liệu từ Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) cho hay, dự trữ ngoại hối của nước này giảm 93,9 tỉ USD trong tháng 8, xuống còn 3.557 tỉ USD.
93,9 tỉ USD là mức hao hụt hằng tháng lớn kỷ lục của Trung Quốc. Dự trữ ngoại hối của nước này suy giảm nhanh hơn sau khi Bắc Kinh phá giá nhân dân tệ gần 2% vào ngày 11.8, khiến đồng nội tệ chạm đáy trong vòng 21 năm trở lại đây.
Báo cáo về độ hao hụt của dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới đặt ra nghi vấn về sức bền vững của những nỗ lực của Trung Quốc trong việc giữ vững tỷ giá nhân dân tệ, trong tình hình vốn thoái hiện tại vì các lo ngại nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tăng trưởng chậm lại và khả năng Mỹ tăng lãi suất.
Zhou Hao, chuyên gia tại ngân hàng Commerzbank ở Singapore nhận định: “Thường xuyên can thiệp sẽ khiến dự trữ ngoại hối hao hụt nhanh chóng và thắt chặt thanh khoản thị trường nội địa”.
Li Jie, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu ngoại hối của Đại học Tài chính và Kinh tế Bắc Kinh cho hay: “PBOC sẽ không để dự trữ ngoại hối hao hụt đến 100 tỉ USD mỗi tháng. Nếu thị trường muốn nhân dân tệ tiếp tục hạ giá, PBOC có thể sẽ để điều này xảy ra và giảm cường độ can thiệp”.
Trước đó, các chuyên gia được Bloomberg khảo sát cho rằng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc sẽ còn lại khoảng 3.580 tỉ USD.
Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã tăng hơn gấp 3 lần sau khi PBOC mua vào USD, kìm đà tăng giá của nhân dân tệ trong lúc thặng dư thương mại ngày càng tăng. PBOC khi đó liên tiếp nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại, nhằm đảm bảo dự trữ tăng lên sẽ không gây ra áp lực lạm phát.
Hiện tại, động thái trên có xu hướng đảo ngược khi PBOC hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Các chuyên gia tài chính cho rằng tỷ lệ này sẽ còn tiếp tục giảm trong thời gian tới trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế tiếp tục giảm tốc.