Ấn Độ và Úc tăng cường hợp tác hải quân nhằm đối phó với Trung Quốc.
Úc, Mỹ, Nhật tham gia cuộc tập trận “Kiếm bùa” ở Úc hồi đầu tháng 7. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG MỸ
Ngày 11-9, lần đầu tiên hải quân Ấn Độ và Úc tham gia cuộc tập trận chung Ausindex trên vịnh Bengal (Ấn Độ).
Cuộc tập trận tập trung vào chiến lược và hành động chống tàu ngầm, trong đó bao gồm các quy trình chiến thuật và tác chiến như bảo vệ tàu chở dầu trước khả năng tàu ngầm tấn công.
Trang web ValueWalk (Mỹ) dẫn nguồn từ các chuyên gia ghi nhận cuộc tập trận chung Ấn-Úc này có thể sẽ chọc giận Trung Quốc.
Các tuyến đường biển trên Ấn Độ Dương chiếm gần 50% thương mại đường biển của tàu chở container. 80% dầu nhập khẩu Trung Quốc phải đi qua Ấn Độ Dương.
Hai yếu tố cho thấy Bắc Kinh sẽ không mặn mà gì nếu Ấn Độ và Úc củng cố quan hệ hải quân.
Trong khi đó, Ấn Độ và Úc tăng cường hợp tác hải quân nhằm hạn chế sức mạnh hải quân đang gia tăng của Trung Quốc. Ngoài ra, hợp tác hải quân Ấn-Úc cũng nhằm cân bằng quyền lực ở Ấn Độ Dương.
Đại úy Sheldon Williams, trợ lý quốc phòng cho cao ủy Úc tại New Delhi (Ấn Độ), nhận định Ấn Độ và Úc đều nằm giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương nên cần thiết phải xây dựng trách nhiệm tập thể về an ninh.
Nhiều chuyên gia ghi nhận ý tưởng này là gợi ý cho thấy Ấn Độ và Úc đang tìm cách ngăn chặn tham vọng hàng hải của Trung Quốc.
Trong thời gian qua Bắc Kinh đã làm nhiều việc đáng kể ở Ấn Độ Dương như xây dựng đường ống dẫn dầu đến bờ biển Myanmar hay xây cảng ở Pakistan và Sri Lanka.
Trong khi đó, Ấn Độ xem Ấn Độ Dương là khu vực ảnh hưởng của mình nên không đánh giá cao trò chơi quyền lực của Trung Quốc.
Ấn Độ lo ngại không chỉ vì Trung Quốc hào phóng với các nước trong khu vực mà còn vì nguy cơ từ tàu ngầm Trung Quốc.
Năm 2014, một tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc đã được triển khai trên vịnh Aden để diễn tập chống hải tặc.
Một tàu ngầm Trung Quốc cũng đã được phát hiện gần Colombo (Sri Lanka). Hồi tháng 5 và 6 vừa qua, một tàu ngầm Trung Quốc đã neo tại Pakistan.
Báo China Daily (Trung Quốc) mới đây đã đăng bài bình luận khẳng định lợi ích của Trung Quốc trên Ấn Độ Dương.
Báo cho rằng một mình Ấn Độ không thể bảo vệ an ninh trên Ấn Độ Dương. Do đó báo khẳng định: “Nếu Thái Bình Dương đủ lớn cho Trung Quốc và Mỹ, vậy Ấn Độ Dương cũng đủ lớn cho Ấn Độ và Trung Quốc”.
Sau cuộc tập trận Ausindex với Úc, Ấn Độ sẽ tham gia cuộc tập trận hải quân thường niên Malabar vào tháng 10 với Mỹ.
Malabar là cuộc tập trận hải quân Mỹ-Ấn bắt đầu từ năm 1992. Sau đó, cuộc tập trận đã mở rộng cho Nhật, Úc và Singapore tham gia.
Song song theo đó, trong chuyến công du đến Ấn Độ vào đầu tháng 9, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrews đã tuyên bố Úc mong muốn cùng Ấn Độ, Mỹ và Nhật tham gia tập trận hải quân chung bốn bên ở Ấn Độ Dương.
Đề nghị tham gia tập trận bốn bên của Úc đã được thảo luận tại cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Kevin Andrews và người đồng cấp Ấn Độ Manohar Parrikar.
Tạp chí The Diplomat (Nhật) ghi nhận Úc đưa ra đề nghị trên vào thời điểm Trung Quốc tăng cường quân sự trên biển Đông.
Úc và Philippines đã chuẩn bị hai cuộc tập trận chung trong năm nay. Theo thông báo chi tiết của quân đội Philippines hôm 6-9, cuộc tập trận thứ nhất bắt đầu từ ngày 15 đến 26-9 tại Perth (Úc) nhằm phối hợp lực lượng đặc nhiệm hai nước trong công tác chống khủng bố. Cuộc tập trận thứ hai kéo dài từ ngày 19 đến 30-10 tại căn cứ Magsaysay (Philippines). Úc và Mỹ là hai nước đã ký kết với Philippines thỏa thuận thăm viếng quân sự. Philippines đang nghiên cứu ký với Nhật thỏa thuận tương tự. _________________________________ Nếu Thái Bình Dương đủ lớn cho Trung Quốc và Mỹ, vậy Ấn Độ Dương cũng đủ lớn cho Ấn Độ và Trung Quốc. Báo Trung Quốc CHINA DAILY |