Saturday, November 16, 2024
Trang chủBiển nóngQuan TQ: về hưu vẫn ham quyền

Quan TQ: về hưu vẫn ham quyền

Quyền lực vô biên và ít bị giám sát đã khiến cho  các quan chức Trung Quốc gây ảnh hưởng chính trị lâu dài, ngay cả khi đã về hưu.

“Hội chứng 59 tuổi” và “buông rèm nhiếp chính”

Một số cán bộ đã làm việc tận tâm suốt đời và không tham nhũng. Họ nghỉ hưu ở tuổi 60,  nhưng sau đó mới “ngã ngửa ra rằng” họ khó sống bằng đồng lương hưu ít ỏi. Sau khi nghỉ hưu, họ không thể đi du lịch nước ngoài, không đủ tiền đến phòng khám tư nhân hoặc thậm chí khá tằn tiện trong việc chi tiêu hàng ngày.
 Chính vì vậy mà trong mấy năm qua đã nổi lên cái gọi là “hội chứng  59 tuổi”: một số cán bộ lãnh đạo sắp nghỉ hưu đua nhau tham nhũng để tạo cho mình một “quỹ hưu trí” riêng.
Một số cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo hàng đầu ở địa phương, sử dụng hệ thống bổ nhiệm cán bộ để đề bạt người thân trước khi nghỉ hưu. Sau đó, mặc dù đã chính thức nghỉ hưu, họ vẫn “giật dây” và tiếp tục can thiệp vào chính trường. Tình trạng này  khiến cho người ta nghĩ rằng truyền thống “buông rèm nhiếp chính” 2.000 năm của các triều đại Trung Quốc đang quay trở lại.
Những vị “nguyên lão” không sẵn sàng để rời khỏi chức vụ thường ít nhiều dính vào tham nhũng.  Những “con hổ” này không  muốn có những thay đổi hệ thống bất lợi cho họ. Nếu những “cán bộ nghỉ hưu” tiếp tục đấu tranh vì công lý và công bằng, họ có thể được chấp nhận. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp của những “con hổ” tham nhũng để cho con cháu và tay chân thân tín tiếp tục nắm quyền, thông qua việc “sắp xếp cán bộ” trước khi về hưu.
Vấn đề cán bộ về hưu “giật dây hậu trường” là vấn đề mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc hàng đầu ở mọi cấp cần phải suy ngẫm nghiêm túc.
Đây không phải là vấn đề cá nhân và cũng không phải là một vấn đề liên quan đến nhân cách. Nếu chính sách cai trị bằng pháp quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình và sách lược của “ông trùm chống tham nhũng” Vương Kỳ Sơn làm cho tất cả các quan chức chính phủ “không dám, không thể và không muốn tham nhũng” bị thất bại, vòng xoáy tranh giành quyền lực sẽ vẫn tiếp diễn ở Trung Quốc.
Nói cách khác, những người chưa có quyền lực sẽ tìm mọi cách phấn đấu để có quyền (vì quyền thường đi đôi với tiền), trong khi các cán bộ lãnh đạo hàng đầu về hưu vẫn gắng  sức can thiệp vào chính trường để bảo vệ lợi ích cá nhân. Và các quan chức đương quyền thì luôn lo mất ghế (và mất luôn bổng lộc trời cho).  Cái vòng xoáy quyền lực này xem ra là vô tận.
Cốt lõi của việc quan chức nghỉ hưu bám lấy quyền lực một phần là do quyền lực ở Trung Quốc là vô biên, việc lạm dụng quyền lực cho lợi ích cá nhân là quá dễ dàng, quá phổ biến và quá “bình thường”.

Về hưu vẫn có thể “can thiệp” vào chính trường hợp pháp

Việc chuyển giao quyền lực một cách có trật tự  là điều rất bình thường ở một số quốc gia pháp quyền. Các quan chức, viên chức nghỉ hưu cảm thấy nhẹ nhõm vì trút bỏ được gánh nặng. Họ có thể tiếp tục “can thiệp” vào chính trường và thảo luận về các vấn đề “quốc gia đại sự”…vì lợi ích của đất nước, chứ không phải để bảo vệ lợi ích của các thành viên gia đình và người thân.
Đáng tiếc là ở Trung Quốc, có một số quan chức không thanh liêm, trong sạch. Họ đã làm một số  điều ác trong khi nắm quyền và sau đó cố gắng tiếp tục duy trì “cuộc sống tốt đẹp” của họ sau khi về hưu bằng cách kiểm soát những người có quyền lực.  Những người này không đại diện cho đất nước, mà chỉ nhằm duy trì lợi ích kỷ của họ.
Nếu biết kiềm chế quyền lực và kiểm soát bản thân khi tại vị, các quan chức về hưu sẽ không có gì phải  lo lắng và sợ hãi sau khi không còn nắm quyền.

Các quan chức đương quyền (và những người đang phấn đấu để có quyền) cần nhận ra một điều là  lịch sử thường di chuyển trong vòng tròn kép kín ở Trung Quốc  và có rất ít “người chiến thắng” thực sự.

RELATED ARTICLES

Tin mới