Friday, November 15, 2024
Trang chủBiển nóngMỹ sẽ không nỡ làm ông Tập Cận Bình bẽ mặt vì...

Mỹ sẽ không nỡ làm ông Tập Cận Bình bẽ mặt vì vấn đề Biển Đông?

Chỉ còn dăm ngày nữa là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ hội đàm tại Nhà Trắng, nhưng mọi dự đoán về các vấn đề sẽ làm “nóng” chương trình nghị sự đôi bên, cho dù là Biển Đông hay tin tặc, đến nay vẫn chưa có gì chắc chắn cả. Tuy nhiên, có khả năng, dịp này vẫn chưa phải là lúc Washington có thể làm bẽ mặt Bắc Kinh, vì lý do ngoại giao.

Khẩu chiến về Biển Đông trước giờ G

Trước thềm chuyến thăm chính thức Mỹ của ông Tập Cận Bình, từng có chuyên gia phân tích dự đoán căng thẳng Biển Đông sẽ lắng dịu hơn, đồng thời phía Trung Quốc cũng sẽ không có động thái nào quá quắt để tránh làm căng thẳng các cuộc hội đàm song phương.

Hầu hết các ý kiến của giới quan sát đều nghiêng về quan điểm cho rằng, Bắc Kinh sẽ “lật mặt” ngay sau khi ông Tập từ Mỹ trở về.

Cụ thể, Giám đốc điều hành Viện chính sách chiến lược Australia (ASPI) Peter Jennings nhận định, Bắc Kinh sớm muộn cũng sẽ tuyên bố lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, nhưng việc này sẽ không xảy ra trước chuyến thăm Mỹ cấp nhà nước của ông Tập Cận Bình trong tháng 9 này.

Chủ tịch Ủy ban quân sự Thượng viện Mỹ John McCain cũng dự đoán động thái quân sự hóa tiếp theo của Bắc Kinh ở Biển Đông chính là lập ADIZ và việc này chẳng khác nào hành động “ăn cướp” chủ quyền.

Có lẽ Trung Quốc cũng không cố ý “khuấy động” Biển Đông thêm nữa trước khi ông Tập tới Mỹ. Bắc Kinh đã có dấu hiệu muốn hòa hoãn khi cam kết tạm ngừng các hoạt động cải tạo trước công luận quốc tế hồi tháng 8. Nhưng vấn đề là việc Bắc Kinh tiếp tục bồi đắp, xây đảo nhân tạo trái phép, cũng như âm thầm xây dựng các đường băng đủ sức phục vụ cho cả máy bay quân sự lẫn dân sự ở các bãi Đá Chữ Thập, Su Bi và Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa, một lần nữa lại bị Mỹ phát giác và rung chuông báo động, châm ngòi cho một cuộc khẩu chiến giữa đôi bên.

Sau khi Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington công bố các hình ảnh vệ tinh ngày 8/9 cho thấy Trung Quốc đang xây dựng một đường băng thứ ba trên bãi Đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tốc độ và phạm vi cải tạo đất ở Biển Đông – triển vọng quân sự hóa xa hơn, cũng như các hoạt động tiềm năng tại đây, đồng thời chỉ trích Trung Quốc bội ước, khi phá vỡ cam kết ngừng quân sự hóa ở khu vực quần đảo Trường Sa, vượt quá giới hạn luật pháp và thông lệ quốc tế. Ông Carter kêu gọi Bắc Kinh ngừng cải tạo đất “ngay lập tức và lâu dài” ở khu vực này.

Tiếp đến, ngày 17/9, nhân một buổi điều trần tại Thượng viện Mỹ, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương đã thẳng thừng gọi sự kiện Trung Quốc cho xây 3 sân bay trên các đảo nhân tạo vừa hoàn thành bồi đắp trái phép ở Biển Đông và đẩy mạnh việc quân sự hóa khu vực là một “mối lo ngại lớn về quân sự” và trở thành đe dọa cho tất cả các nước trong khu vực.

Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương muốn triển khai máy bay và chiến hạm Mỹ tiến hành tuần tra sát “những hòn đảo vốn không phải là đảo” mà Bắc Kinh đã bồi đắp tại khu vực quần đảo Trường Sa. Theo Đô đốc Mỹ Harry Harris, đó là những hành động cần thiết để khẳng định lập trường phản đối các hành vi sai trái của Trung Quốc.

Chủ tịch Ủy ban quân sự Thượng viện Mỹ John McCain cũng đòi hỏi Hải quân Mỹ phải mạnh tay với Trung Quốc, chứ không có đe dọa suông. Ông McCain cho rằng, Mỹ cần phải thâm nhập vào bên trong khu vực 12 hải lý chung quanh các hòn đảo mà Trung Quốc đang ráo riết xây dựng. Mục tiêu là để nêu bật quan điểm của Washington, không công nhận các tuyên bố của Bắc Kinh cho rằng các đảo là lãnh thổ của Trung Quốc.

Việc 2 nhân vật then chốt trong guồng máy quân sự Mỹ tỏ thái độ rõ ràng và yêu cầu hành động cứng rắn như vậy khiến Bắc Kinh “cực kỳ quan ngại”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm 18/9 cho hay, Bắc Kinh phản đối “bất cứ nước nào thách thức chủ quyền và an ninh của Trung Quốc nhân danh việc bảo vệ quyền tự do hàng hải”. Ông Hồng Lỗi còn lớn tiếng “yêu cầu quốc gia có liên quan (tức là Mỹ) nói và hành động thận trọng, nghiêm túc tôn trọng chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc và không nên có bất kỳ hành vi nguy hiểm hoặc khiêu khích nào”.

Hiện chưa thấy xuất hiện thêm sự truy vấn, đe dọa nào từ phía Mỹ sau màn hồi đáp trên của Bắc Kinh, nhưng những diễn biến trên cho thấy, dù Bắc Kinh có muốn né tránh, có muốn gạt vấn đề Biển Đông ra khỏi các chương trình nghị sự của ông Tập Cận Bình tại Mỹ cũng không dễ, chỉ có điều nó sẽ được Washington khơi lên ở mức độ nào.

Chưa phải dịp làm Trung Quốc “bẽ mặt”?

Nói vấn đề Biển Đông sẽ được khơi lên nhưng khó có thể làm căng thẳng hội đàm Tập Cận Bình – Obama, bởi ngay như các cuộc tấn công mạng nghi là do các tin tặc được chính phủ Trung Quốc dung dưỡng nhằm vào các doanh nghiệp, cơ quan chính phủ Mỹ, vốn là đề tài nóng bỏng thường xuyên trong các câu chuyện đối thoại Mỹ – Trung, dịp này cũng đang có dấu hiệu bị “chìm xuống”.

Tin đồn Mỹ sẽ tung đòn trừng phạt Bắc Kinh trước khi ông Tập đến Washington, đến nay gần như chắc chắn sẽ không xảy ra.

Tờ Washington Post hôm 15/9 đã dẫn lời một quan chức Nhà Trắng khẳng định, Mỹ không có kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Trung Quốc trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình. Theo giải thích của vị quan chức giấu tên này, việc áp đặt trừng phạt vào thời điểm này sẽ phủ bóng đen lên chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Mỹ và tạo ra một ác mộng ngoại giao. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt Trung Quốc vẫn được đặt lên bàn và hành vi của Trung Quốc trong an ninh mạng vẫn là một vấn đề.

Trước đó, các quan chức Mỹ – Trung đã có cuộc họp thâu đêm cuối tuần trước và đạt được “sự nhất trí tương đối cao” về nhiều vấn đề liên quan đến an ninh mạng. Bản thân Bắc Kinh cũng đã phát đi tín hiệu về việc họ có thể huỷ bỏ chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình, nếu Mỹ định làm bẽ mặt họ. 

Bên cạnh đó, ngoài an ninh mạng, Biển Đông thì hai nền kinh tế lớn còn nhiều vấn đề khác để thảo luận với nhau, như Đài Loan, thỏa ước thương mại cho phép các doanh nghiệp Mỹ – Trung thâm nhập sâu hơn vào thị trường của nhau, nhân quyền, biến đổi khí hậu, dẫn độ tội phạm tham nhũng.

RELATED ARTICLES

Tin mới