Sunday, November 24, 2024
Trang chủThâm cung bí sửSự thật về mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc (kỳ...

Sự thật về mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc (kỳ 5)

Trung Quốc đã đi đêm” với Phápđể thoả thuận về những điểm cơ bản của một giải pháp về vấn đề Đông Dương, không những không phù hợp với tình hình hiện thực mà còn có hại cho nhân dân 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

Phái đoàn Trung Quốc và Liên Xô (USSR) tại Hội nghị Giơnevơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương năm 1954. Người ngồi thứ nhất, hàng hai từ dưới trở lên, tính từ bên trái sang là Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai

 

Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương và sự phản bội của những người lãnh đạo Trung Quốc

Tháng 4 năm 1954, trong một cuộc họp giữa các đoàn đại biểu Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc chuẩn bị cho Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương, đại biểu Trung Quốc đã nói: “Nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa không thể công khai giúp Việt Nam được trong trường hợp cuộc xung đột ở đây mở rộng”.

Lợi dụng vị trí là một nước viện trợ quân sự chủ yếu và nắm con đường vận chuyển duy nhất chi viện cho Việt Nam, đồng thời lợi dụng việc Pháp không muốn nói chuyện trên thế yếu với Việt Nam, những người lãnh đạo Trung Quốc đã tự cho phép mình đàm phán trực tiếp với Pháp để thoả thuận về những điểm cơ bản của một giải pháp về vấn đề Đông Dương.

Quá trình đàm phán về thực chất tại Hội nghị Giơnevơ đã diễn ra qua hai thời kỳ:

Thời kỳ thứ nhất từ ngày 8 tháng 5 đến ngày 23 tháng 6  năm 1954, trưởng đoàn đại biểu Pháp, trong khi tránh tiếp xúc với Việt Nam, đã đàm phán trực tiếp với trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc bốn lần, đi tới thoả thuận về những nét cơ bản của một Hiệp định ngừng bắn ở Đông Dương.

Đáng chú ý là cuộc tiếp xúc lần thứ ba ngày 17 tháng 6 năm 1954, thủ tướng Chu Ân Lai gặp trưởng đoàn đại biểu Pháp G.Biđô, đưa ra những nhân nhượng chính trị có tính chất cơ bản, có hại cho nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia: Trung Quốc có thể chấp nhận Việt Nam có hai chính quyền (Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà và Chính phủ bù nhìn Bảo Đại), công nhận Chính phủ Vương quốc Lào và Chính phủ Vương quốc Campuchía, từ bỏ yêu cầu có đại biểu của Cính phủ kháng chiến Lào và Chính phủ kháng chiến Campuchia tham gia Hội nghị Giơnevơ, và đưa ra vấn đề quân đội nước ngoài, kể cả quân tình nguyện Việt Nam phải rút khỏi Lào và Campuchia.

Lần thứ tư, ngày 23 tháng 6 năm 1954, thủ tướng Chu Ân Lai gặp Măngđét Phranxơ, thủ tướng mới của Pháp, đưa ra những nhượng bộ mới: chia cắt Việt Nam, hai miền Việt Nam cùng tồn tại hoà bình, giải quyết vấn đề quân sự trước, tách rời việc giải quyết ba vấn đề Việt Nam, Lào, Campuchia; Trung Quốc sẵn sàng nhìn nhận ba nước này trong khối Liên hiệp Pháp và muốn Lào, Campuchia sẽ có bộ mặt mới ở Đông nam châu Á như Ấn Độ, Inđônêxia, ngược lại chỉ yêu cầu không có căn cứ quân sự của Mỹ ở Đông Dương. Do đó, Trung Quốc và Pháp đạt được một giải pháp khung cho vấn đề Đông Dương.

Những điểm mà những người lãnh đạo Trung Quốc đã thoả thuận với Pháp rất phù hợp với giải pháp 7 điểm của Anh-Mỹ đưa ra ngày 29 tháng 6 năm 1954, tức là 6 ngày sau cuộc tiếp xúc giữa Chu Ân Lai và Măngđét Phranxơ.

Thời kỳ thứ hai từ ngày 23 tháng 6 đến ngày 20 tháng 7 năm 1954, Đoàn đại biểu Pháp tiến hành đàm phán trực tiếp với Đoàn đại biểu Việt Nam để giải quyết các vấn đề cụ thể. Trung Quốc giữ vai trò thúc đẩy phía Việt Nam nhân nhượng. Đến ngày 10 tháng 7 năm 1954, phía Việt Nam vẫn kiên trì lập trường của mình về vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia, vẫn chủ trương đòi có đại biểu của Chính phủ kháng chiến Lào và Chính phủ kháng chiến Campuchia tham gia như các bên đàm phán, định giới tuyến quân sự tạm thời ở Việt Nam là vĩ tuyến 13, tổ chức tổng tuyển cử tự do trong thời hạn 6 tháng để thống nhất nước nhà. Đối với việc giải quyết vấn đề Lào và vấn đề Campuchia, Việt Nam vẫn giữ quan điểm là ở Lào có hai vùng tập kết của lực lượng kháng chiến: một vùng ở phía bắc giáp Trung Quốc và Việt Nam và một vùng ở Trung và Hạ Lào; ở Campuchia có hai vùng tập kết của lực lượng kháng chiến Campuchia ở phía đông và đông bắc sông Mêcông và phía tây nam sông Mêcông; tổ chức tổng tuyển cử tự do trong thời hạn 6 tháng ở Lào và Campuchia.

Từ tháng 5 năm 1954, đoàn đại biểu Trung Quốc đưa ra phương án lấy vĩ tuyến 16 làm giới tuyến giữa hai miền Việt Nam, và còn muốn Việt nam nhân nhượng nhiều hơn nữa, thậm chí muốn Việt Nam bỏ cả thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và đường số 5 (đường nối liền Hà Nội với Hải Phòng):

“Đánh giá (phương án vĩ tuyến 16) khó có thể thoả thuận, nếu không được thì sẽ lấy Hải Phòng làm cửa bể tự do, ở gần đấy cho Pháp đóng một số quân nhất định, nếu không được nữa thì đem đường số 5 và Hà Nội, Hải Phòng làm khu công quản và phi quân sự…”.(1)

Nhưng về sau, đặc biệt từ ngày 10 tháng 7 năm 1954, 10 ngày trước khi Hội nghị Giơnevơ kết thúc, Trung Quốc ngày càng thúc ép Việt Nam nhân nhượng, “có những điều kiện công bằng và hợp lý để Chính phủ Pháp có thể nhận được để đi đến Hiệp định trong vòng 10 ngày, điều kiện đưa ra nên giản đơn, rõ ràng để dễ đi đến hiệp thương, không nên làm phức tạp lôi thôi để tránh thảo luận mất thì giờ, rườm rà, kéo dài đàm phán để cho Mỹ phá hoại”.(2)

Khi đó Trung Quốc còn lo sợ Mỹ có thể can thiệp bằng vũ trang vào Đông Dương, uy hiếp an ninh của Trung Quốc, nhưng cần nói rằng Trung Quốc cũng dùng những lời của Mỹ đe doạ chiến tranh để ép Việt Nam.

Sự thật là sau cuộc chiến tranh Triều Tiên, Mỹ không có khả năng can thiệp quân sự trực tiếp vào Đông Dương. Thái độ cứng rắn của Mỹ ở Hội nghị Giơnevơ chẳng qua là do Mỹ sợ  Pháp vì bị thua ở chiến trường, có nhiều khó khăn về chính trị, kinh tế, tài chính, có thể chấp nhận một giải pháp không có lợi cho việc Mỹ nhảy vào Đông Dương sau này. Khi Pháp đã cùng với Trung Quốc thoả thuận được một giải pháp khung về Đông Dương và Mỹ đã đưa được tên tay sai Ngô Đình Diệm về làm thủ tướng chính phủ bù nhìn Sài Gòn ( ngày 13 tháng 6 năm 1954), thì Mỹ thấy có thể chấp nhận một hiệp định theo hướng Trung Quốc và Pháp đã thoả thuận giải quyết cả ba vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia. Tuy vậy, Mỹ không tham gia vào bản Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị là vì Mỹ muốn được rảnh tay sau này để vi phạm Hiệp định Giơnevơ thông qua chính quyền Ngô Đình Diệm, buộc Pháp phải rút lui để thay thế Pháp ở Đông Dương.

Sau Điện Biên Phủ, rõ ràng là với sự giúp đỡ của hệ thống xã hội chủ nghĩa, nhất là của Trung Quốc, quân và dân Việt Nam có khả năng giải phóng cả nước, nhưng giải pháp mà Đoàn đại biểu Trung Quốc đã thoả thuận với Đoàn đại biểu Pháp ở Giơnevơ không phản ảnh so sánh lực lượng trên chiến trường, cũng không đáp ứng đầy đủ những yêu cầu chính trị của giải pháp do Đoàn đại biểu Việt Nam đề ra.

Xuất phát từ truyền thống yêu chuộng hoà bình, theo xu thế chung giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng thương lượng và trong tình thế bị Trung Quốc ép buộc, Việt Nam đã chấp nhận giải pháp: các nước tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, nhân dân Lào, nhân dân Campuchia, ngừng bắn đồng thời ở Việt Nam và trên toàn chiến trường Đông Dương, Pháp rút quân, vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm hai miền, tiến tới có tổng tuyển cử tự do trong cả nước sau hai năm để thống nhất nước nhà.

Ở Lào có một khu tập kết cho các lực lượng kháng chiến lào gồm hai tỉnh Sầm Nưa và Phongsalỳ. Ở Campuchia lực lượng kháng chiến không có khu tập kết nào và phục viên tại chỗ.

Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơnevơ năm 1954 đánh dấu một bước thắng lợi của các lực lượng cách mạng ở Đông Dương, đồng thời là một đóng góp quan trọng mở đầu sự tan rã hoàn toàn của hệ thống thuộc địa của đế quốc Pháp và báo hiệu quá trình sụp đổ không thể đảo ngược được của chủ nghĩa thực dân cũ, của chủ nghĩa đế quốc thế giới. Nhưng giải pháp Giơnevơ đã ngăn cản nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia đạt được thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Pháp, một khả năng rõ ràng là hiện thực như so sánh lực lượng trên chiến trường lúc bấy giờ đã chỉ rõ.

Đó là điều mà những người lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ hơn ai hết.

Đây là sự phản bội thứ nhất  của những người lãnh đạo Trung Quốc đối với cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân Lào và  nhân dân Campuchia.

Chú giải:

(1) Điện văn của Chu Ân Lai, ngày 30 tháng 5 năm 1954 gửi Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, sao gửi Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.

(2) Điện văn của Chu Ân Lai, ngày 10 tháng 7 năm 1954 gửi Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.

Phái đoàn Trung Quốc và Liên Xô (USSR) tại Hội nghị Giơnevơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương năm 1954. Người ngồi thứ nhất, hàng hai từ dưới trở lên, tính từ bên trái sang là Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai

(Còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới