Tờ báo của quân đội Trung Quốc mới đây đã kêu gọi “hết sức cảnh giác” và “sẵn sàng hành động” bởi Bắc Kinh e ngại Nhật Bản sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp lãnh thổ.
Cảnh sát biển Nhật Bản tuần tra xung quanh đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung-Nhật cùng tuyên bố chủ quyền. Ảnh: AP
Báo Giải phóng quân (Trung Quốc) mới đây bình luận, việc Quốc hội Nhật Bản thông qua Luật an ninh mới hôm 19/9 là “bước ngoặt trọng đại” trong chính sách an ninh của nước này kể từ sau Thế chiến II.
Theo đó, Bắc Kinh tỏ ra e ngại rằng từ nay, Tokyo sẽ từ bỏ hoàn toàn Hiến pháp hòa bình và quốc sách “chỉ phòng thủ”, đồng thời gọi Luật an ninh mở đường cho quân đội Nhật tham chiến tại nước ngoài là “đạo luật chiến tranh”.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Đỗ Văn Long trả lời phỏng vấn đài CCTV khẳng định: “Yếu tố quân sự của Nhật Bản đã được nhấn mạnh, chắc chắn sẽ tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đối với tình hình an ninh Đông Á. Chúng ta cần cảnh giác cao độ.”
Sau khi đạo luật trên được thông qua, Bắc Kinh đã nhanh chóng đưa ra phản ứng.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi gọi Luật an ninh mới của Nhật là “động thái chưa từng thấy trong lĩnh vực an ninh quân sự”.
“Gần đây, Nhật Bản gấp rút tăng cường sức mạnh quân sự, điều chỉnh lớn về chính sách an ninh, hoàn toàn ‘lệch hướng’ với trào lưu hòa bình, phát triển, hợp tác của thời đại, khiến quốc tế hoài nghi về khả năng nước này từ bỏ chính sách phòng thủ.” – ông Hồng tuyên bố.
Trung Quốc cho rằng Nhật Bản sẽ mạnh mẽ hơn về quân sự và sẵn sàng giải quyết tranh chấp bằng vũ lực. (Ảnh minh họa: AFP)
Theo Báo Giải phóng quân, Luật an ninh mới là tên gọi chung của một nhóm đạo luật về phòng thủ mà nội dung cốt lõi là thực hiện quyền phòng vệ tập thể, cho phép Nhật Bản “khoe” sức mạnh và can thiệp vào các sự vụ quốc tế.
Tờ này cũng cho rằng bước chuyển biến trong chính sách an ninh của Tokyo sẽ tạo ra thách thức đối với quyền lực của Trung Quốc ở biển Hoa Đông, biển Đông và các khu vực “nhạy cảm” khác.
Ông Đỗ Văn Long bình luận: “Nếu Tokyo xây dựng sức mạnh quân đội dựa trên hình thái quân sự như hiện nay thì tại bất kỳ khu vực tranh chấp nào, nước này cũng có khả năng tiến hành can thiệp.
Với việc Luật an ninh mới được thực thi, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ chuyển đổi mô hình, mở rộng phạm vi hoạt động trinh sát ở khu vực tranh chấp, đồng thời có sự thay đổi về mức độ ưu tiên giữa động tác phòng ngự và tấn công chủ động.”
Đỗ Văn Long cho rằng, Nhật Bản không chỉ tồn tại tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc mà còn với Hàn Quốc và Nga. Tình hình này thúc đẩy Tokyo chuẩn bị vũ trang tại các khu vực tranh chấp, nâng cao năng lực và phạm vi tấn công.
Theo ông Đỗ, điều này cũng làm gia tăng khả năng các bên lựa chọn giải pháp quân sự để giải quyết tranh chấp khu vực.
Báo Giải phóng quân “vẽ” ra viễn cảnh nếu phát sinh xung đột, lực lượng vũ trang của Nhật sẽ khống chế đối phương thông qua hành động tấn công trên phạm vi rộng.
“Đối với cục diện an ninh khu vực, đây hoàn toàn không phải là chuyện tốt đẹp. Chúng ta cần quan sát cao độ, chú ý diễn biến về tình trạng quân sự của Nhật Bản.
Ngoài ra, Trung Quốc cần chuẩn bị sẵn tiền đề cho các loại hành động phản ứng khi cần.” – Đỗ Văn Long đánh giá.