Wednesday, November 20, 2024
Trang chủBiển nóngẤn Độ không lùi bước ở Biển Đông

Ấn Độ không lùi bước ở Biển Đông

Ngày 01/9/2015, tờ Want China Times ở Đài Loan đưa tin Tập đoàn dầu khí quốc gia của Ấn Độ (ONGC) sẵn sàng đưa giàn khoan đến Biển Đông để hợp tác thăm dò dầu khí ở vùng biển của Việt Nam. Tờ báo này cho biết truyền thông Trung Quốc ngay lập tức bù lu bù loa chỉ trích dự án thăm dò dầu khí của Ấn Độ với Việt Nam ở Biển Đông, cho rằng dự án này là hành động bất hợp pháp, thiếu khôn ngoan, ảnh hưởng tới quan hệ Trung – Ấn.[1]

Sự vô lý của Trung Quốc

Những lời lẽ chỉ trích vẻ răn đe của Trung Quốc là sự tiếp nối của các phản ứng của nước này trước đó khi công ty con của Công ty dầu khí quốc gia Ấn Độ là ONGC Videsh Limited (OVL) đạt thỏa thuận thăm dò khai thác ở Lô 127 và 128 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào năm 2006. Trung Quốc lên tiếng phản đối ở hai cấp độ. Về chính thức, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 15/9/2011 trả lời báo chí ám chỉ Ấn Độ với lời lẽ “các công ty nước ngoài sẽ không được can dự vào tranh chấp” và Biển Đông thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Trên báo chí, các tờ báo như Hoàn Cầu (Global Times) và Tân Hoa Xã (Xinhua) thổi bùng vấn đề và cho rằng đó là hành động kích động chính trị, rằng việc OVL tham gia vào Biển Đông là tham vọng và bước đi để ngăn chặn Trung Quốc.

Những lời lẽ chỉ trích kể trên rất vô lý vì hai lý do. Thứ nhất, công ty dầu khí của Ấn Độ không phải bây giờ mới hiện diện ở Biển Đông mà là từ lâu. Năm 1988, công ty dầu khí Ấn Độ đạt thỏa thuận khai thác Lô 06 ở bồn trũng Nam Côn Sơn, phát hiện mỏ khí Lan Tây – Lan Đỏ vào năm 1998 và khai thác cho tới ngày nay. Trong suốt quá trình gần 30 năm Trung Quốc không có phản ứng gì với hoạt động của công ty dầu khí Ấn Độ. Tự dưng giờ lại phản đối là điều vô lý. Thứ hai và quan trọng hơn, Trung Quốc không có bất cứ quyền hay quyền chủ quyền gì với khu vực các lô dầu khí đó. Các lô dầu khí này nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và cách xa hàng vạn dặm từ bờ biển của Trung Quốc. Theo Điều 56 của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), Việt Nam có đầy đủ các quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Trung Quốc không có mối liên hệ nào về quyền chủ quyền đối với khu vực này. Do đó, việc Việt Nam hợp tác với bất kỳ công ty dầu khí quốc tế nào trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình đều phù hợp với luật quốc tế.

Mục tiêu đẩy Ấn Độ ra khỏi Biển Đông

Mục tiêu của Trung Quốc là trở thành bá chủ khu vực nên Trung Quốc nỗ lực đẩy các nước lớn ra khỏi Biển Đông. Trung Quốc ép Nhật Bản ở Hoa Đông để Nhật Bản không rảnh tay can dự vào Biển Đông. Trung Quốc muốn đẩy Mỹ rút quân ra khỏi Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như triệt tiêu sự hiện diện hải quân của Mỹ tại Đông Nam Á. Mục tiêu hạm đội biển xanh Trung Quốc vươn ra chuỗi đảo thứ nhất, đẩy hải quân Mỹ lùi xa khỏi Biển Đông, ít nhất là đến tận Hawaii. Trung Quốc muốn chia Thái Bình Dương làm 2 phần: phía Đông Thái Bình Dương là Trung Quốc và phía Tây là của Mỹ. Về phía Nam, Trung Quốc đảm bảo không có sự hiện diện hải quân và kinh tế của Ấn Độ ở khu vực, đẩy Ấn Độ ra xa Biển Đông, ra khỏi Eo biển Malacca và ép Ấn Độ rút về Ấn Độ Dương, giới hạn ở chuỗi đảo Andaman và Nicobar.

Để đẩy Ấn Độ ra khỏi Biển Đông, Trung Quốc cho rằng cần phải tăng cường quan hệ với các nước láng giềng trên biển của Ấn Độ ở Nam Á, đầu tư tất cả các nguồn lực về ngoại giao, chính trị, kinh tế và quân sự cho các nước này để thiết lập một mạng lưới bao vây Ấn Độ gọi là “chuỗi ngọc trai”. Thông qua “chuỗi ngọc trai”, Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng của mình từ Biển Đông, xuyên qua tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới qua Ấn Độ Dương và hướng tới vịnh Ba Tư. Theo đó, Trung Quốc tăng cường đầu tư vào cảng biển các nước xung quanh Ấn Độ, ví dụ như triển khai xây dựng những cơ sở giám sát hải quân tại đảo Coco của Myanmar, từ năm 2005 – 2012 viện trợ 4,67 tỷ USD cho Sri Lanka cho các dự án biển, xây dựng đảo nhân tạo gần Cảng Nam Colombo. Tàu ngầm hạt nhân và tàu ngầm tấn công động cơ diesel của Trung Quốc cập cảng Colombo vào tháng 9/2014 và tháng 11/2014. Trong khi đó, tháng 4/2015, Trung Quốc giành quyền vận hành cảng Gwada của Pakistan trong vòng 40 năm, v.v.

Sự cương quyết của Ấn Độ

Ấn Độ là nước lớn, thừa hiểu những lời lẽ, sự hăm dọa của Trung Quốc là phi lý nên tỏ bình tĩnh. Trung Quốc đã nhầm khi cho rằng tăng cường hiện diện ở Ấn Độ Dương có thể đẩy Ấn Độ ra khỏi Biển Đông. Ngược lại, sự tích cực của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương càng làm cho Ấn Độ mở rộng can dự vào Biển Đông vì theo quan điểm của Ấn Độ, nếu Bắc Kinh kiểm soát được Biển Đông, các lực lượng biển của nước này sẽ vượt qua Eo biển Malacca và xâm nhập vào Ấn Độ Dương. Do đó, để đối trọng lại, Ấn Độ phải tăng cường hiện diện ở Biển Đông. Ấn Độ theo sát tình hình Biển Đông để đảm bảo rằng các hành động quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ không diễn ra ở Ấn Độ Dương, đặc biệt là khi Trung Quốc coi việc bảo vệ đường giao thông biển thành lợi ích cốt lõi.

Theo đó, Ấn Độ khẳng định rõ lợi ích ở Biển Đông và quyết tâm duy trì sự hiện diện ở đây. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ từng tuyên bố rõ lập trường chính thức của Ấn Độ rằng hợp tác với Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với luật pháp, các quy chuẩn và công ước quốc tế. Tuyên bố chung Ấn Độ – Việt Nam nhân chuyến thăm Ấn Độ của ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước Việt Nam ngày 12/10/2011 nhấn mạnh tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, theo các nguyên tắc luật pháp quốc tế đã được công nhận phổ cập, bao gồm UNCLOS và DOC. Bất chấp thách thức từ phía Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác về thăm dò, khai thác các lô dầu khí có tiềm năng của Việt Nam. Trong khuôn khổ chuyến thăm, OVL và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam ký Bản ghi nhớ (MOU) tăng cường hợp tác trong các hoạt động thăm dò, khai thác cũng như chế biến dầu khí ở Việt Nam, Ấn Độ và nước thứ ba. Thậm chí, Tư lệnh hải quân Ấn Độ, Đô đốc D.K. Joshi từng tuyên bố tháng 12/2012 rằng Ấn Độ sẵn sàng điều tàu chiến đến Biển Đông nếu chương trình hợp tác dầu khí của OVL ở Việt Nam bị đe dọa. Ông nói trước báo chí: “Chúng tôi không định hiện diện thường xuyên tại các vùng biển đó nhưng khi lợi ích quốc gia chúng tôi, ví dụ như hoạt động của OVL bị xâm hại thì chúng tôi sẽ buộc phải có mặt ở vùng biển này và chúng tôi đã chuẩn bị cho tình huống đó”[2]. Trong khi đó, trả lời báo chí sau hội đàm với Ngoại trưởng Phạm Bình Minh tại New Delhi ngày 11/07/2013, Ngoại trưởng Ấn Độ Salman Khurshid khẳng định tiếp tục hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam.[3]

Ngoài ra, Ấn Độ còn triển khai sâu rộng các hoạt động ngoại giao hải quân với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, hợp tác an ninh hàng hải với các nước lớn có lợi ích ở Biển Đông như Mỹ, Nhật Bản, phát biểu nêu rõ lập trường tại các diễn đàn đa phương do ASEAN dẫn dắt. Quan điểm và lập trường chung là ủng hộ tự do hàng hải, thương mại đường biển không bị cản trở, kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và theo luật pháp quốc tế (UNCLOS), thực hiện DOC, tiến tới đàm phán ký kết COC và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN.

Như vậy, việc Ấn Độ đưa giàn khoan vào Biển Đông hoặc tăng cường hợp tác an ninh biển với Việt Nam không phụ thuộc vào ý chí hay sự cho phép của Trung Quốc vì Trung Quốc không có quyền ngăn cản Ấn Độ, Trung Quốc không có chủ quyền ở khu vực này. Nếu Trung Quốc theo đuổi con đường bá quyền ở khu vực thì sẽ gặp phải sự kháng cự từ các bên liên quan khi lợi ích của họ bị đe dọa. Trung Quốc phải hiểu một điều đơn giản rằng, Ấn Độ là cường quốc ở Nam Á, không dính líu đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông nhưng không thể bàng quan trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc, để Trung Quốc tự tung tự tác. Phát biểu của các lãnh đạo Ấn Độ cũng như cách xử lý tình hình của Ấn Độ ở Biển Đông không những thể hiện vị thế và vai trò của một nước lớn, hành xử một cách quang minh chính đại mà còn thể hiện sự cương quyết trước sức ép vô lý và ngang ngược của Trung Quốc./.

BDN

 


[1]http://www.wantchinatimes.com/news-subclass-cnt.aspx?cid=1101&MainCatID=11&id=20150901000163

[2]http://journal-neo.org/2013/07/11/india-in-the-south-china-sea-interests-targets-and-prospects-part-1/

[3]http://www.thehindu.com/news/national/india-within-its-rights-to-explore-for-oil-in-south-china-sea-vietnam/article4905830.ece

RELATED ARTICLES

Tin mới