Các vụ nổ bom liên tiếp gây chết người ở Trung Quốc trong tuần này cho thấy rằng thật dễ dàng để sở hữu chất gây nổ ở đất nước có nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới.
Các vụ nổ để lộ ra một khoảng trống lớn trong bộ máy an ninh khổng lồ của Trung Quốc. Nguyên nhân các vụ nổ được cho là do vấn đề kinh tế chậm phát triển, bất bình trong xã hội về tham nhũng và các dịch vụ công nghèo nàn.
Có thể nói, trong một đất nước mà xưa nay vũ khí bị cấm tuyệt đối đối với hầu hết mọi người, các vụ đánh bom liên tiếp ở phía tây nam thành phố Liễu Châu vừa rồi và các vụ nổ khác trong những năm gần đây trên khắp Trung Quốc cho thấy thực trạng thực thi lỏng lẻo các luật lệ của chính phủ nhằm kiểm soát việc tiếp cận với các chất gây nổ. Quyền tư hữu súng dường như không tồn tại ở Trung Quốc. Tuy nhiên, chất gây nổ lại rất phổ biến trong các ngành công nghiệp khai thác mỏ và nền công nghiệp pháo sáng ở nước này, người dân cũng có thể tiếp cận chúng một cách dễ dàng.
17 vụ nổ liên tiếp ở Liễu Châu đã đặt ra một dấu hỏi lớn tại cường quốc châu Á này. Chúng đã phá hủy phần lớn khu nhà dân cư tầng thấp, bãi xe công cộng và gạch đá vương vãi khắp đường phố. Đã có ít nhất 7 người thiệt mạng và hơn 50 người khác bị thương. Cuộc tấn công được cho là do một cái nhân trong thành phố gây ra với lý do “bất mãn xã hội”. Điều này làm dấy lên sự lo lắng trong chính phủ và người dân Trung Quốc về tình trạng ổn định của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Hiện nay, khoảng cách giàu nghèo ở đất nước này vẫn tương đối lớn, sự bất bình của người dân trước vấn đề tham nhũng và môi trường cũng tăng cao.
Ông Pang Zhiping, một chuyên gia an ninh nội địa tại Viện Khoa học Xã hội Tân Cương, cho biết xã hội Trung Quốc hiện đại có rất nhiều mâu thuẫn và nếu mọi người muốn bày tỏ sự bất bình hoặc đưa ra quan điểm một cách tiêu cực, họ có thể có được chất gây nổ từ bất kỳ kho dự trữ nào. Cảnh sát không thể để mắt tới tất cả mọi người.
Sự dễ dàng có được chất nổ tại Trung Quốc đã được nhấn mạnh trong một phiên tòa công khai trên mạng vào đầu năm nay. Tháng 9 năm ngoái, một toàn án ở tỉnh Vân Nam đã bắt giam một người đàn ông sau khi họ tìm thấy hơn 20 kg thuốc nổ, gần 100 kíp nổ tại nhà của ông ta. Người đàn ông này đã nói với tòa rằng ông ấy có thể dễ dàng mua vật liệu cháy nổ này với lý do nhu cầu công việc. Ông ta cho biết đã mua các vật liệu cháy nổ và lưu trữ nó tại nhà trong nhiều năm mà không có vấn đề gì, dù ông ta không có bất cứ một ý định bạo lực nào.
Chính phủ Trung Quốc loại trừ động cơ khủng bố trước các cuộc nổ bom ở Liễu Châu, phía tây nam tỉnh Quảng Tây. Chính phủ cho biết nghi phạm là một người đàn ông 33 tuổi, họ Wei. Trước vụ việc này, ông Jian Zhang, một giảng viên nghiên cứu chính trị và quốc tế của Úc, cho rằng vấn đề an ninh công cộng của Trung Quốc đang rất nghiêm trọng. Nó phản ánh sự thiếu kiểm soát hiệu quả của chính phủ trước việc hạn chế tiếp cận với những hàng hóa nguy hiểm.
Một ngày sau đó, một vụ nổ khác lại xảy ra tại Liễu Châu nhưng chưa rõ vụ việc có liên quan tới các vụ nổ trước đó hay không. Quảng Tây là nơi có nhiều mỏ khai thác, và các nhà sản xuất pháo hoa, vì vậy khu vực này cần sử dụng nhiều chất gây nổ.
Năm ngoái, cảnh sát ở Liễu Châu bắt giữ một cặp cha con, được cho là đã bất bình với xã hội Trung Quốc và đã có những hành động tiêu cực khi sử dụng pháo tự chế để phá các thùng rác tại khu công cộng, làm bị thương một người. Tuy nhiên, từ trước tới nay, chất nổ không thường xuyên được tìm thấy trong các cuộc bạo lực ở vùng Tân Cương, nơi Chính phủ Trung Quốc đang đấu tranh với một cuộc nổi dậy của lực lượng Hồi giáo. Trong các vụ bạo lực ở Tân Cương, vũ khí thường được sử dụng là dao.
Hiện tại, các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã bắt đầu đưa ra những suy đoán về động cơ của các cuộc tấn công gần đây ở Liễu Châu, và đưa ra một số giải định rằng nó là kết quả của các cuộc tranh cãi về điều trị y tế, một nguyên nhân gây ra nhiều vụ bạo lực trong những năm gần đây. Trong khi chính phủ Trung Quốc đã tăng cường chi tiêu y tế, bệnh viện tại nước này vẫn thường xuyên quá tải. Các bác sĩ cũng được trả công thấp nên dẫn đến vấn đề tham nhũng gia tăng.
Ngoài ra, việc tranh chấp tài sản trong một đất nước mà chính phủ sở hữu tất cả đất đai đã đến đến những cuộc tranh cãi giữa người dân với cảnh sát. Năm 2011, một người đàn ông, do bất mãn với việc phá dỡ nhà ông, đã tiến hành các vụ nổ tại vài ba địa điểm gần các tòa nhà chính phủ ở miền đông Trung Quốc, làm 2 người thiệt mạng.
Cùng thời điểm đó, một cựu nhân viên bất mãn tại một ngân hàng vùng nông thôn đã đặt bom tại một khu vực nhiều người Tây Tạng, phía Bắc tỉnh Cam Túc, Trung Quốc, làm bị thương 49 người. Một vụ việc tồi tệ nhất đã xảy ra vào năm 2001, khi chuỗi các vụ nổ diễn ra tại khu nhà ở công cộng cho công nhân tại thành phố phía bắc của Thạch Gia Trang, làm 108 người chết. Vụ việc được cho là do một người đàn ông tìm cách báo thù vì lý do cá nhân.