Mỹ sắp điều tàu chiến và máy bay vào phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở quần đảo Trường Sa.
Tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ tham gia tập trận tại Biển Đông vào tháng 5.2015 – Ảnh: AFP
Tờ Foreign Policy hôm 3.10 dẫn nguồn tin độc quyền tiết lộ quyết định trên, được Nhà Trắng đưa ra sau khi không thể thuyết phục được Bắc Kinh ngưng các hành động phi pháp ở Biển Đông trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Quyền tự do hàng hải
Các quan chức Nhà Trắng và Lầu Năm Góc cho hay thời điểm và kế hoạch tuần tra chi tiết theo các nguyên tắc tự do hàng hải vẫn đang được tính toán. “Vấn đề không còn là có hay không mà là bao giờ”, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nói về việc điều tàu áp sát các tiền đồn quân sự mà Trung Quốc đang xây dựng.
Động thái trên chắc chắn sẽ làm leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, giới chức Mỹ đã kết luận rằng nếu không điều tàu chiến và máy bay áp sát các đảo nhân tạo, Washington sẽ bị xem là ngầm chấp nhận những yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh.
Chính quyền Mỹ lâu nay nhấn mạnh nước này không đứng về phía nào trong các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông. Tuy nhiên, Washington luôn bày tỏ lo ngại trước những thủ đoạn đe dọa láng giềng của Bắc Kinh cũng như nỗ lực quân sự hóa các bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa của VN. Theo giới chức Mỹ, Trung Quốc đã xây dựng 3 đường băng trên các tiền đồn quân sự ở Biển Đông, lắp đặt các hệ thống radar và thiết bị liên lạc, nạo vét các cảng nước sâu có thể tiếp nhận tàu chiến lớn.
Theo Foreign Policy, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã yêu cầu các chỉ huy quân sự vạch phương án đối phó các hoạt động của Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh tăng tốc bồi đắp ở quy mô chưa từng thấy vào đầu năm nay. Dẫu vậy, Washington đã chần chừ triển khai tàu hải quân vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo này vì muốn để cho các nhà ngoại giao có thêm thời gian thương thuyết về một thỏa thuận “đóng băng” hoạt động bồi đắp và quân sự hóa ở khu vực.
Những lời kêu gọi về một giải pháp ngoại giao của Mỹ thời gian qua không mang lại kết quả cụ thể. Do đó, chính quyền Mỹ cùng các đồng minh trong khu vực cho rằng đã đến lúc cần phải hành động để làm rõ quan điểm của Washington.
Trong bài phát biểu tại khóa họp thường niên của Đại hội đồng LHQ mới đây, Tổng thống Obama tuyên bố: “Tại Biển Đông, Mỹ không có yêu sách lãnh thổ. Chúng tôi không phán xét các yêu sách. Nhưng như mọi quốc gia tề tựu ở đây, chúng tôi có lợi ích trong việc duy trì các nguyên tắc căn bản của quyền tự do hàng hải và tự do giao thương, và trong việc giải quyết các tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế, chứ không phải luật lệ của vũ lực.
Theo ông Scott Harold, Phó giám đốc Trung tâm chính sách châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức nghiên cứu Rand Corp., việc đưa tàu và máy bay vào gần các tiền đồn nhân tạo sẽ nhấn mạnh lập trường của Washington là không công nhận các yêu sách phi lý của Trung Quốc cũng như những phương pháp hung hăng nhằm áp đặt chúng. “Hiện có lo ngại là nếu bạn không giữ vững lập trường của mình, người Trung Quốc sẽ xem điều đó như là bằng chứng rằng bạn không sẵn lòng bảo vệ những điều mà bạn tuyên bố là nguyên tắc của mình”, ông Harold nói.
Nguy cơ đối đầu
Theo nhận xét của một số chuyên gia về tình hình khu vực, kế hoạch nói trên của Bộ Quốc phòng Mỹ là dấu hiệu cho thấy cuộc hội đàm giữa ông Tập và ông Obama không diễn ra suôn sẻ như những gì báo giới Trung Quốc tường thuật. Vào tháng trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố nước này “cực kỳ lo ngại” trước phát biểu của Đô đốc Harry Harris, chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, rằng Washington nên điều tàu chiến và máy bay vào bên trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo.
Tờ Foreign Policy nhận định việc Mỹ đẩy mạnh thách thức Trung Quốc có thể sẽ làm gia tăng nguy cơ đối đầu hoặc va chạm giữa tàu bè và máy bay hai nước. Chỉ ít ngày trước khi ông Tập Cận Bình đến Washington, một chiến đấu cơ Trung Quốc đã bay cắt mặt máy bay trinh sát RC-135 của Mỹ ở Hoàng Hải. Vào tháng 8.2014, một chiếc tiêm kích J-11 của Trung Quốc cũng bay cách máy bay tuần tra P-8 Poseidon chưa đầy 6 m trong một vụ khiêu khích bị Lầu Năm Góc lên án là liều lĩnh.
Ngoài phản ứng tiềm tàng từ hải quân Trung Quốc, tàu chiến Mỹ thực hiện hoạt động tự do hàng hải còn phải đương đầu với lực lượng tàu cá dày đặc mà Trung Quốc triển khai như là lực lượng dân quân trên biển để thúc đẩy các yêu sách chủ quyền. Tàu cá Trung Quốc từng đóng vai trò quan trọng trong nhiều vụ khiêu khích tại Biển Đông vài năm qua. Năm 2012, hàng chục tàu cá Trung Quốc đã tham gia vào cuộc đối đầu với Philippines ở bãi cạn Scarborough tranh chấp giữa hai nước. Năm 2009, một nhóm tàu cá Trung Quốc cũng áp sát và quấy rối tàu thăm dò đại dương USNS Impeccable của Mỹ trong nhiều ngày tại khu vực.
Washington sẽ đáp trả quyết liệt
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên vào ngày 3.10, chuyên gia Swee Lean Collin Koh, Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (Singapore), đã đưa ra một số nhận định về các động thái của Mỹ liên quan đến Biển Đông.
Ông nhận xét thế nào về cuộc gặp của các ngoại trưởng Mỹ, Nhật, Ấn Độ vào ngày 29.9 bàn về Biển Đông, và việc Lầu Năm Góc có thể đẩy mạnh hoạt động hải quân ở sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang không ngừng xây dựng trên Biển Đông?
Tôi nghĩ rằng thời điểm diễn ra cuộc gặp 3 bên Mỹ, Nhật, Ấn Độ mang ý nghĩa nhiều hơn. Hải quân Mỹ sẽ đáp trả quyết liệt hơn. Tuy nhiên, vai trò của Nhật và Ấn Độ sẽ bị hạn chế bởi hai nước này khó đủ khả năng điều động hải quân hiện diện thường xuyên ở Biển Đông, dù họ đã thực hiện một số cuộc viếng thăm các cảng trong khu vực. Không những vậy, ngay cả khi Nhật Bản và Ấn Độ đủ sức hiện diện thường xuyên, thì sự hiện diện lâu dài của Mỹ ở khu vực vẫn là quan trọng nhất.
Các cuộc đối thoại 3 bên nhằm gửi đi một thông điệp chính trị cho Bắc Kinh rằng có thể trong tương lai, Washington, Tokyo cùng New Delhi sẽ hình thành một nền tảng mạnh mẽ hơn để hiện diện quân sự tại Biển Đông.
Theo ông, Mỹ sẽ phản ứng mạnh hơn trong thời gian tới?
Quan chức nước này khẳng định sẽ làm nhưng vẫn phải chờ xem. Washington vẫn phải cân nhắc nguy cơ đụng độ quân sự với Bắc Kinh khi hải quân Mỹ xuất hiện thường xuyên hơn ở Biển Đông. Washington không muốn trở thành phía nổ súng trước. Tất nhiên, ngược lại thì Bắc Kinh cũng chả muốn “khai hỏa” trước.