Sự lựa chọn rõ rệt đối với Việt Nam là làm sao để hạn chế ngoại giao pháo hạm, muốn làm điều này thì lực lượng thực thi luật pháp dân sự trên biển…
Koh Swee Lean Collin, chuyên viên Viện Nghiên cứu Chiến lược và quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam, Singapore ngày 7/10 bình luận trên The Diplomat về hợp tác an ninh hàng hải giữa Việt Nam và Nhật Bản với những tác động trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông. Theo Koh Swee Lean Collin, chuyến thăm Nhật Bản của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng trước đã đánh dấu mộc bước tiến quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược ngày càng chặt chẽ giữa hai nước.
Trong dịp này Nhật Bản và Việt Nam đã ra tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ Việt Nam – Nhật Bản cũng như một bản ghi nhớ về hợp tác giữa Cảnh sát biển hai nước. Nhật đã ký một thỏa thuận cung cấp gói viện trợ không hoàn lại 200 tỉ yên cho Việt Nam để tăng cường an ninh hàng hải trong năm tài khóa 2015, đồng thời cam kết sẽ cung cấp thêm các tàu tuần tra đã qua sử dụng để nâng cao năng lực thực thi pháp luật dân sự trên biển cho Việt Nam.
Học giả Singapore lưu ý, chuyến thăm của Tổng bí thư diễn ra chưa đầy 3 tháng sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Shinzo Abe tại Tokyo. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc lại mong muốn của Việt Nam về việc tăng cường hợp tác an ninh hàngh ải song phương, bao gồm cả việc mua các tàu tuần tra mới từ Nhật Bản, tìm kiếm sự hỗ trợ tiếp tục trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.
Tầm nhìn hàng hải không lay chuyển của Việt Nam
Bối cảnh địa chính trị khu vực từ hàng loạt sự vụ đã tăng cường sự gắn kết quan hệ Việt – Nhật trên Biển Đông, đặc biệt kể từ khi căng thẳng leo thang giữa các bên yêu sách bắt đầu từ năm 2010. Những năm gần đây, Việt Nam ngày càng phải đối mặt với những va chạm với Bắc Kinh trên các vùng biển (Trung Quốc nhảy vào) tranh chấp. Bế tắc Việt – Trung trong cuộc khủng hoảng giàn khoan 981 tháng Năm 2014 đã khiến người Việt đặc biệt chú ý đến các vùng biển gần bờ của mình.
Cuộc khủng hoảng giàn khoan 981 kéo dài hơn 2 tháng chủ yếu liên quan đến lực lượng tàu thực thi pháp luật dân sự trên biển của chính phủ và tàu cá hai nước. Một cách ngẫu nhiên, cuộc khủng hoảng này không dẫn đến sự lặp lại các cuộc đụng độ đẫm máu năm 1974, 1988 (Trung Quốc cất quân xâm lược nốt nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa và 6 bãi đá, rặng san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Tuy nhiên cuộc khủng hoảng giàn khoan 981 khiến cả hai phía kiệt sức do duy trì, mệt mỏi vì đối đầu nên dần hạ nhiệt, cuối cùng Trung Quốc cũng phải rút giàn khoan 981 khỏi hiện trường (hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam). Bài học rút ra từ khủng hoảng giàn khoan 981 là lực lượng thực thi pháp luật dân sự trên biển, bao gồm Cảnh sát biển và Kiểm ngư hai nước có thể quá căng thẳng, nặng nề bởi một bế tắc kéo dài.
Trong khi đó người Trung Quốc thực tế còn triển khai cả tàu hải quân đến hiện trường vụ giàn khoan 981, mặc dù họ vẫn ra sức chối. Việt Nam đã phản ứng quyết liệt bằng lực lượng tàu Cảnh sát biển và Kiểm ngư, tuy nhiên ưu thế về nhân lực và tàu thuyền rõ ràng thuộc về Trung Quốc với quy mô cũng như nguồn lực lớn hơn Việt Nam nhiều lần.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter thăm một tàu Cảnh sát biển Việt Nam bị tàu Trung Quốc liều lĩnh đâm hỏng trong khủng hoảng giàn khoan 981. |
Khủng hoảng giàn khoan 981 là một báo hiệu đối với người Việt về tương lai đáng lo ngại ở Biển Đông, điều này càng được khẳng định khi ngư dân Việt Nam đã bị các lực lượng Trung Quốc quấy rối, tấn công (bất hợp pháp, trong vùng biển chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam). Tháng Giêng năm nay, Trung Quốc một lần nữa lại kéo giàn khoan 981 qua vùng biển ngoài khơi bờ biển Việt Nam sang Ấn Độ Dương.
5 tháng sau đó, 981 lại tiếp tục xuất hiện ở vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và Trung Quốc ngoài cửa vịnh Bắc Bộ mở rộng chưa được phân định. Nghiêm trọng hơn nữa là vụ tàu khảo sát 517 Tân Hải, Trung Quốc đã đi qua vùng nội thủy của Việt Nam giữa đảo Phú Quý và bờ biển tỉnh Bình Thuận, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.
Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam luôn cảnh giác cao độ trước các hoạt động leo thang của Trung Quốc. Nhưng tình hình càng trở nên đáng lo ngại khi Trung Quốc bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Trường Sa. Lực lượng chức năng của Việt Nam dường như phải căng mình đối phó với các vấn đề phát sinh ở các vùng biển xung quanh Hoàng Sa và Trường Sa.
Tương quan lực lượng an ninh hàng hải Việt – Trung trên Biển Đông
Cần lưu ý rằng, những bế tắc, chạm trán, đối đầu Việt – Trung trên Biển Đông như cuộc khủng hoảng giàn khoan 981 sẽ vẫn có thể xảy ra trong tương lai và phần lớn liên quan đến lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư. Đối với Việt Nam thực lực yếu hơn Trung Quốc, bắt buộc người Việt phải tìm cách duy trì nền tảng tinh thần trong các sự cố tương tự. Điều này không chỉ bao gồm việc chống sử dụng vũ lực mà còn cố gắng không huy động các lực lượng hải quân tham gia.
Sự lựa chọn rõ rệt đối với Việt Nam là làm sao để hạn chế ngoại giao pháo hạm, muốn làm điều này thì lực lượng thực thi luật pháp dân sự trên biển của chính phủ phải đóng vai trò then chốt trong các kịch bản bế tắc hàng hải với Trung Quốc trong tương lai. Tuy nhiên, điều này cũng không đơn giản bởi Việt Nam đang phải đối mặt với Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ (hung hăng), với tốc độ phát triển Cảnh sát biển cao hơn hẳn.
Trung Quốc có một ngành công nghiệp đóng tàu khổng lồ, phát triển hơn Việt Nam rất nhiều. Họ đã đóng được các tàu tuần tra cho Cảnh sát biển dưới cấu trúc của tàu quân sự. Việc cho ra mắt tàu tuần tra 12 ngàn tấn gần đây của Cảnh sát biển Trung Quốc với vỏ sơn trắng nhưng kết cấu bên trong như tàu quân sự để thay thế cho các tàu tuần tra loại 6000 tấn trước đó là một minh chứng về năng lực và khoảng cách trong công nghiệp đóng tàu của Trung Quốc so với Việt Nam.
Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và Nhật Bản ký văn bản hợp tác trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng bí thư. Ảnh: Fox News. |
Lực lượng tàu Cảnh sát biển Trung Quốc vẫn còn bao gồm các chiến hạm hải quân cải trang, sơn lại, nhưng số tàu đóng mới ngày càng gia tăng một cách ổn định. Ngược lại, Việt Nam phần lớn dựa vào nguồn vốn nước ngoài để đầu tư cho lực lượng thực thi luật pháp dân sự trên biển của mình, đồng thời cố gắng xây dựng năng lực đóng tàu trong nước. Việt Nam đang hợp tác chặt chẽ với công ty đóng tàu Damen của Hà Lan để đóng các tàu tuần tra ngoài khơi.
Các nhà máy đóng tàu trong nước như Sông Thu đã và đang chế tạo các tàu theo thiết kế và cấp phép của Hà Lan, nhưng tốc độ chậm hơn nhiều so với Trung Quốc. Hơn nữa chi phí cho việc này không hề rẻ với Việt Nam. Người Trung Quốc có lợi thế khai thác các nguồn lực trong nước rẻ hơn, kể cả về lao động cũng như nguyên vật liệu, trong khi Việt Nam phải dựa nhiều hơn vào các thành phần, linh kiện nước ngoài.
Nhật Bản là một lựa chọn thay thế
Đa dạng hóa nguồn cung cấp, hỗ trợ là lựa chọn rõ ràng trong các kế hoạch dài hạn đối với Việt Nam trong việc xây dựng năng lực thực thi pháp luật hàng hải dân sự trên biển. Để bắt đầu, người Việt đã tìm kiếm các liên kết mới với Hoa Kỳ. Nhưng những gì Washington cung cấp cho đến nay chỉ đáp ứng được các yêu cầu ngắn hạn của người Việt.
Các tàu tuần tra thủ công được Mỹ xây dựng theo một khoản viện trợ 18 triệu USD cho Việt Nam ký trong tháng Sáu được tối ưu hóa cho tuần tra ven biển chứ không phải kiểm soát vùng đặc quyền kinh tế hay các vùng biển ở Trường Sa, Hoàng Sa.
Thỏa thuận này cũng mang tính chính trị nhiều hơn ý nghĩa hoạt động thực tiễn, vì nó báo hiệu sự khởi đầu của quan hệ gần gũi hơn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, bao gồm cả việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương.
Sáng kiến An ninh hàng hải Đông Nam Á của Hoa Kỳ có thể giữ lời hứa cung cấp tối đa các thiết bị mà lực lượng thực thi pháp luật hàng hải dân sự Việt Nam mong muốn, nhưng đó là chuyện của tương lai, và hơn nữa người Việt có thể phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa về chi phí.
Nếu Việt Nam mong muốn đẩy nhanh quá trình xây dựng năng lực hàng hải của mình và không để khoảng cách bất đối xứng với Trung Quốc mở rộng hơn nữa, Việt Nam cần phải tìm kiếm các giải pháp thay thế hiệu quả hơn. Nhật Bản là một lựa chọn đầy hứa hẹn, đặc biệt là hai nước đang chia sẻ những lợi ích chiến lược chung, mong muốn đóng vai trò chủ động hơn trong bảo vệ hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở châu Á, tôn trọng tự do, an toàn hàng không hàng hải và pháp luật trên biển.
Cảnh sát biển Nhật Bản cũng đang phải vật lộn với Trung Quốc ở Hoa Đông. |
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe rõ ràng đang tìm cách phục hồi ảnh hưởng, năng lực của mình ở Đông Nam Á, chống lại sự hung hãn bành trướng ngày càng leo thang của Trung Quốc ở Hoa Đông. Những năm gần đây, cam kết an ninh hàng hải của Nhật Bản đối với khu vực chủ yếu xoay quanh quan hệ với Philippines và Việt Nam, những nước cùng chung lo ngại và thất vọng trước các động thái bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Sự tham dự lớn hơn của quân đội và Cảnh sát biển Nhật Bản ở Biển Đông sẽ còn phải chờ xem việc thực thi đạo luật An ninh mới được thông qua trong tháng Chín ra sao. Tuy nhiên quân đội Nhật Bản đã cho thấy họ thiếu năng lực, phương tiện để duy trì sự hiện diện thường xuyên ở Biển Đông. “Máy bay của chúng tôi có thể đi lại giữa Naha và Biển Đông, nhưng sẽ khó khăn cho việc duy trì hoạt động giám sát lâu dài”, một quan chức cấp cao quân đội Nhật bình luận hồi tháng Bảy.
Trong thực tế Việt Nam đã tìm kiếm những hỗ trợ của Nhật Bản về an ninh hàng hải kể từ tháng 7/2012 và Tokyo đã có những phản ứng tích cực. Tuy nhiên cuối tháng Năm năm 2014 Thủ tướng Shinzo Abe thừa nhận trước Quốc hội Nhật Bản rằng, Tokyo không thể ngay lập tức cung cấp các tàu tuần tra đã qua sử dụng cho Việt Nam vì gánh nặng giám sát Hoa Đông của Cảnh sát biển Nhật Bản đẵ tăng lên.
Đến thăm Việt Nam cuối tháng 7 năm ngoái, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã đồng ý cung cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần tra cũ loại 600 đến 800 tấn, bao gồm 2 tàu Kiểm ngư và 4 tàu cá sửa lại cùng với các thiết bị liên quan đến xuồng cứu sinh với tổng trị giá 500 triệu yên. Các tàu này dự kiến được giao vào cuối năm 2014, nhưng đến tháng Chín 2015, 2 tàu tuần tra đầu tiên mới được bàn giao cho Việt Nam.
Điều này cho thấy chính Nhật Bản cũng đang phải vật lộn để đối phó với các hoạt động của Trung Quốc ở Hoa Đông.
Gần đây Nhật Bản công bố kế hoạch tăng cường năng lực tuần tra cho Cảnh sát biển, không chỉ giám sát Senkaku mà còn chống các hoạt động xâm nhập của tàu cá Trung Quốc vào các vùng biển Nhật Bản nên việc tăng cường cho Cảnh sát biển nước này phải được ưu tiên. Hệ quả là Việt Nam sẽ phải mất thêm thời gian để chờ đợi cho đến khi Nhật Bản tự thu xếp được.
Koh Swee Lean Collin kết luận, như vậy trong khi quan hệ hợp tác an ninh hàng hải Việt – Nhật chắc chắn là rất quan trọng để thúc đẩy, Việt Nam vẫn nên thận trọng đa dạng hóa các quan hệ, đối tác an ninh hàng hải với các nước khác để mở nhiều con đường hiện đại hóa năng lực thực thi luật pháp hàng hải dân sự, đồng thời duy trì các nỗ lực phát triển ngành đóng tàu trong nước.