Kinh tế Trung Quốc giảm tốc và giá than rớt mạnh đang khiến nguồn thu ngoại tệ chủ yếu của Triều Tiên sa sút.
Tờ Wall Street Journal dẫn số liệu của hải quan Trung Quốc cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên sang nước này trong 8 tháng đầu năm nay giảm 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức giảm chỉ 2,4% trong năm 2014.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc đạt 2,9 tỷ USD.
Áp lực đối với Bình Nhưỡng càng gia tăng khi Trung Quốc tìm cách thu hẹp ngành sản xuất thép vốn là khách hàng lớn nhất mua than của Triều Tiên, trong khi than lại là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Triều Tiên.
Tình hình hiện nay, do vậy, đang đặt Triều Tiên vào thế bí.
Trung Quốc là thị trường hiện mua tới 90% hàng xuất khẩu của Triều Tiên so với mức 50% vào thập niên 2000. Tuy nhiên mối quan hệ đồng minh lâu năm giữa hai bên đã trở nên kém nồng ấm khi Bình Nhưỡng duy trì phát triển hạt nhân và thường xuyên đưa ra những lời đe dọa hạt nhân.
Nguồn thu ngoại tệ của Triều Tiên suy giảm giữa lúc Bình Nhưỡng tiếp tục dồn nguồn lực hạn chế của mình để phát triển lực lượng vũ trang. Thứ Bảy tuần này, Triều Tiên sẽ tổ chức duyệt binh kỷ niệm 70 năm thành lập đảng Lao động cầm quyền. Gần đây, Triều Tiên còn công bố kế hoạch phóng vệ tinh, trong khi Mỹ cho rằng Triều Tiên đang chuẩn bị thử tên lửa đạn đạo.
Wall Street Journal cho rằng, khan hiếm ngoại tệ ở Triều Tiên sẽ có ảnh hưởng lớn đến tầng lớp tinh hoa chính trị ở nước này, vốn là lực lượng ủng hộ số một của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un.
“Việc nâng cao mức sống cho tầng lớp quan chức Triều Tiên phụ thuộc rất lớn vào thương mại với Trung Quốc. Sự suy giảm nguồn thu sẽ gây ra bất mãn”, ông Marcus Noland, Phó chủ tịch điều hành Viện nghiên cứu Kinh tế quốc tế Peterson ở Washington, nhận xét.
Bên cạnh đó, nguồn thu giảm sút cũng gia tăng thách thức đối với uy tín của ông Kim Jong Un trong mắt người dân.
Ông Kim Jong Un từng tuyên bố phát triển kinh tế là một ưu tiên chính sách hàng đầu của ông. Năm 2012, nhà lãnh đạo này tuyên bố người dân Triều Tiên sẽ “không phải thắt lưng buộc bụng nữa. Truyền thông nhà nước Triều Tiên cũng thường xuyên đưa tin bài về các dự án xây dựng nhà chung cư và các công trình nghỉ dưỡng-giải trí, coi đây như những minh chứng cho sự phát triển kinh tế.
Mặc dù vậy, đến nay, ông Kim Jong Un vẫn tỏ ra chần chừ trong việc cải cách kinh tế, chẳng hạn tư nhân hóa các doanh nghiệp quốc doanh.
Theo ông Andrei Lankov, giáo sư Đại học Kookmin ở Seoul, Hàn Quốc, Triều Tiên đã và đang nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc.
Trong vòng một năm qua, các nhà ngoại giao Triều Tiên đã tới nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm một chuyến thăm cấp bộ trưởng hiếm hoi tới Ấn Độ hồi tháng 4. Tuy nhiên, nhiều nước vẫn dè chừng với việc tăng cường quan hệ thương mại với Triều Tiên bởi cuộc đối đầu giữa Bình Nhưỡng với Mỹ và đồng minh.
Năm ngoái, Triều Tiên và Nga đã ký một thỏa thuận phát triển kinh tế tham vọng. Nhưng dù quan hệ chính trị giữa Bình Nhưỡng và Moscow ấm lên – phản ánh việc cả hai cùng có đối thủ chung là Washington – thì giới chuyên gia kinh tế cũng không cho rằng tiềm năng phát triển thương mại song phương Triều Tiên-Nga là lớn. Năm 2014, xuất khẩu của Triều Tiên sang Nga chỉ đạt khoảng 10 triệu USD.
Nhiều chuyên gia kinh tế nói rằng Hàn Quốc là lựa chọn duy nhất để Triều Tiên có thể nhanh chóng bù đắp nguồn thu xuất khẩu giảm sút từ Trung Quốc. Chính điều này có thể là động cơ để Bình Nhưỡng đạt thỏa thuận chấm dứt xung đột với Seoul vào tháng 8 vừa qua sau khi xảy ra vụ đấu pháo giữa hai miền.
“Hàn Quốc là đối tác tiềm năng duy nhất có thể tạo ra một cú hích quan trọng cho nền kinh tế Triều Tiên”, ông Troy Stangarone, chuyên gia thuộc Viện Kinh tế Hàn Quốc ở Washington, nhận định.