Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) tuyên bố Trung-Nhật nên cải thiện và duy trì quan hệ hữu nghị, đồng thời khẳng định đối đầu Nhật Bản “không có giá trị chiến lược gì với Bắc Kinh”.
Cục trưởng an ninh quốc gia Nhật Bản Shotaro Yachi (phải), một quan chức thân cận với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, trong cuộc đối thoại Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì hôm 13/10. Ảnh: Reuters
Trong 2 ngày 13-14/10, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đã có chuyến công du Nhật Bản và đối thoại cùng Cục trưởng an ninh quốc gia Nhật Shotaro Yachi.
Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) cho hay, đây là cuộc đối thoại cấp cao nhằm cải thiện quan hệ Trung-Nhật sau nhiều diễn biến căng thẳng và là chuyến công du đầu tiên của ông Dương tới Nhật Bản.
Hãng Kyodo News (Nhật Bản) cho hay, Trung-Nhật kỳ vọng thông qua một loạt hội đàm để mở ra nhiều cơ hội đối thoại mới.
Hãng tin Jiji Press (Nhật Bản) cho biết, song phương sẽ thương lượng để tháo gỡ các vấn đề chính trị mà đôi bên phải đối diện, qua đó tạo dựng quan hệ tin cậy lẫn nhau.
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 12/10 thông báo, cuộc đối thoại giữa 2 ông Dương Khiết Trì-Shotaro Yachi là động thái quan trọng trong việc tăng cường giao lưu chiến lược ở cấp cao giữa Trung-Nhật nhằm kiểm soát những mâu thuẫn.
Trung-Nhật đối đầu “không có ý nghĩa gì”
Theo Hoàn Cầu, sự trỗi dậy của Trung Quốc làm thay đổi môi trường địa chính trị của Nhật Bản khi Tokyo một lần nữa đứng trong tâm lý đối đầu với “đối thủ truyền kiếp”.
Tờ này cho rằng, Trung Quốc và Nhật Bản “không còn thời gian để giằng co qua lại” và khẳng định thế đối đầu Trung-Nhật sẽ khiến song phương cùng tổn thất nặng nề, đòng thời “các thế lực bên ngoài” vui mừng.
“Nếu phía trước Trung Quốc chỉ có Nhật Bản thì Bắc Kinh có thể ‘ăn miếng trả miếng’ với Tokyo. Tuy nhiên, Trung Quốc phải đối diện với cả thế giới và không thể rơi vào tình trạng đối đầu trực diện với Nhật.
Dù cuộc cạnh tranh này chiến thắng hay thất bại, Trung Quốc cũng không đạt được bất kỳ khác biệt nào về chiến lược,” Hoàn Cầu viết.
Theo đó, Bắc Kinh cần phải nỗ lực duy trì quan hệ hữu nghị với Nhật Bản, hoặc chí ít không biến Nhật thành đối thủ nguy hiểm của mình, qua đó hạn chế cục diện phân tán sự chú ý và kiềm chế về chiến lược đối với Trung Quốc.
Tại Trung Quốc, một bộ phận không nhỏ người dân kỳ vọng chính phủ thực hiện chính sách cứng rắn hơn với Nhật Bản. Theo Hoàn Cầu, điều này vô hình trung đang tạo ra “bức tường” ngăn cản chính những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc.
Hoàn Cầu kêu gọi người dân Trung Quốc tin vào chính phủ nước này và tạo không gian để các nhà ngoại giao hoạt động, nhằm thực hiện chính sách đối với Nhật Bản một cách chuyên nghiệp.
Hình ảnh trong cuộc đối thoại cao cấp Trung-Nhật hôm 13. Ảnh: Hoàn Cầu.
Thời báo Hoàn Cầu cũng lên tiếng “dụ dỗ” Nhật Bản “tỉnh táo trong quan hệ với Mỹ” khi nói rằng, mối quan hệ Mỹ-Nhật tồn tại rất nhiều vấn đề, nhấn mạnh việc quân đội Mỹ đồn trú và đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Nhật Bản.
“Dù khả năng mâu thuẫn Mỹ-Nhật bùng nổ trong giai đoạn ngắn là khó xảy ra, nhận thức mâu thuẫn đó giúp Trung-Nhật nhìn nhận khó khăn mang tính tạm thời trong quan hệ song phương.
Bắc Kinh và Tokyo cần phải nghiêm túc tìm kiếm chìa khóa để thay đổi chính sách đối với lẫn nhau”, Hoàn Cầu kết luận.
Nhật Bản bắt đầu khiến Trung Quốc e ngại kể từ chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Shinzo Abe hồi tháng 4, với kết quả là sự thắt chặt quan hệ liên minh Mỹ-Nhật, đặc biệt là trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng.
Từ tháng 5 đến nay, Tokyo nhiều lần tỏ thái độ ủng hộ Mỹ trong việc phản đối những hành vi bành trướng trái phép của Trung Quốc ở biển Đông, tham gia tập trận cùng các đồng minh khác của Mỹ như Australia, Philippines…
Hôm 19/9, Luật an ninh mới của Nhật Bản đã được Quốc hội nước này thông qua, mở đường cho quân đội Nhật tham chiến ở nước ngoài ngay cả trong trường hợp không bị đe dọa trực tiếp. Chính phủ Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại trước động thái này.
Mới đây, Trung Quốc tiếp tục nhận tin “không vui” khi Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga khẳng định hôm 11/10 rằng: “Chúng tôi nhận thức rõ về tình hình căng thẳng leo thang ở Syria.
Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến lịch trình thăm Nhật của Tổng thống Nga Vladimir Putin.”
Việc Tokyo nỗ lực cải thiện quan hệ với Moscow vẫn được báo giới Trung Quốc lý giải là một phần trong hành động nhằm hạn chế tầm ảnh hưởng và sự bành trướng của Bắc Kinh ở khu vực Đông Bắc Á.