Tàu ngầm Kilo 636 mang tên Rostov-on-Don của Hải quân Nga mới đây đã thực hiện phóng thử tên lửa hành trình Kalibr.
Tàu ngầm Kilo 636 Hải quân Nga.
Sức mạnh tên lửa hành trình Kalibr
Kênh truyền hình Sao Đỏ (Nga) mới đây đăng tải đoạn clip ghi lại hình ảnh tàu ngầm Kilo 636 mang tên Rostov-on-Don của Hạm đội Baltic, Hải quân Nga bắn thử nghiệm tên lửa hành trình Kalibr khi đang trong trạng thái ngập nước.
Tổ hợp tên lửa hành trình Kalibr trang bị trên tàu ngầm Kilo gồm hai loại đạn tên lửa: 3M-54 đạt tầm bắn 440-660km, tốc độ siêu âm và 3M-14 đạt tầm bắn 1.500-2.500km với tốc độ cận âm.
Trước đó, ngày 7/10, bốn chiến hạm Nga thuộc các lớp tàu hộ vệ hạng trung và tàu hộ vệ cỡ nhỏ thuộc Hạm đội Caspian đã phóng tổng cộng 26 quả tên lửa hành trình Kalibr-NK, vượt quãng đường 1500km tấn công chính xác những mục tiêu đã định của lượng khủng bố IS ở Syria.
Chỉ 4 chiến hạm từ hạng trung trở xuống của Nga đã đã tổ chức đội hình biên đội phía tây nam biển Caspian và thể hiện uy lực tấn công cực kỳ mạnh mẽ khi phóng quả tên lửa hành trình Kalibr-K từ vùng biển này, qua lãnh thổ Iran và Iraq để tiêu diệt lực lượng khủng bố IS ở Syria.
Việc Nga sử dụng tên lửa hành trình Kalibr-NK tấn công các lực lượng phiến quân IS đã làm thất kinh cả thế giới. Bởi lẽ trước đó, theo các chuyên gia hàng đầu về quân sự trên thế giới, chỉ có Mỹ có thể tấn công kẻ thù từ khoảng cách an toàn đến hàng nghìn km.
Không ai có thể nghĩ, những tên lửa Nga, đặc biệt vào ban đêm, có thể được phóng từ các chiến hạm trên vùng biển nằm trong quyền kiểm soát của Nga và tấn công mục tiêu cách trên ngàn km.
Kalibr có đầy đủ các các biến thể dành cho Lục quân (Kalibr-M) và Không quân Nga (Kalibr-A), nhưng các tên lửa này được trang bị phổ biến nhất trong Hải quân Nga. Chúng đang được sản xuất để trang bị cho tàu ngầm (Kalibr-PL) và tàu nổi (Kalibr-NK).
Trong hệ thống tên lửa Kalibr, ngoài các loại ngư lôi và tên lửa chống ngầm, phiên bản đối hạm cơ sở được định danh là 3M-54, còn phiên bản tấn công mặt đất cơ sở là 3M-14.
Thông điệp rõ ràng
Giới chuyên gia quân sự nhận định việc Nga tiếp tục phóng thử tên lửa hành trình Kalibr là một động thái phô trương vũ khí, cho thấy tiềm lực của tên lửa Nga, đồng thời trực tiếp răn đe Mỹ và các nước phương Tây.
Thông qua các hoạt động này, Nga cho thấy họ không chỉ thể hiện khả năng tấn công tầm xa, mà còn có thể triển khai thành công một loại vũ khí công nghệ cao vốn được coi là biểu tượng cho các chiến dịch tấn công phủ đầu của Mỹ.
Đây là một phần trong nỗ lực Nga tự khẳng định mình có vị thế ngang hàng về lĩnh vực quân sự với Mỹ và phương Tây trên vũ đài địa chính trị quốc tế. Những tên lửa được họ sử dụng để tấn công ở Syria cũng đủ sức vươn tới hầu hết các mục tiêu ở Trung Đông, trong đó có các căn cứ quân sự do Mỹ và liên quân sử dụng để không kích IS.
Ông Mark Schneider, cựu chuyên gia chiến lược hạt nhân Lầu Năm Góc cho rằng điều khiến Mỹ và phương Tây lo ngại hiện nay là họ không có trong tay loại vũ khí nào tương xứng về sức mạnh so với tên lửa Kalibr trang bị đầu đạn hạt nhân của Nga.
“Trong bản báo cáo hạt nhân năm 2010, Nhà Trắng cho biết đã loại bỏ phiên bản mang theo đầu đạn hạt nhân của tên lửa hành trình Tomahawk phóng từ tàu ngầm”, ông này cho biết.
“Kalibr sẽ là loại vũ khí chính nhằm răn đe NATO. Các quyết định loại bỏ tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tương đương của Mỹ trong suốt 25 năm qua đã khiến Nga gần như độc quyền về các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật”, Schneider nhấn mạnh.
Thực tế, trên thị trường xuất khẩu vũ khí thế giới, Kalibr vẫn còn là cái tên khá mới mẻ mặc dù biến thể xuất khẩu Klub của nó thì không xa lạ. Thông qua các hoạt động này, Nga đã khéo léo quảng bá tiếp thị cho dòng tàu tên lửa nhỏ mà uy lực Buyan-M cùng các vũ khí khác.
Với nền kinh tế đang giảm sút do ảnh hưởng giá dầu giảm và các khoản chi phí cho tình hình ở Ukraine và Trung Đông, Nga đang cần tiền mặt. Không có gì ngạc nhiên khi xuất khẩu vũ khí của Nga tăng 37% từ năm 2005 đến 2014.
Trong số này có hệ thống tên lửa hành trình Klub-K, một phiên bản xuất khẩu của tên lửa Kalibr bố trí trong container và có giá bán 20 triệu USD.
Các tàu tên lửa lớp Buyan-M, đóng tại tại Nhà máy đóng tàu Gorky ở Zelenodolsk, cộng hòa Tatarstan của Nga, cũng sẵn sàng phục vụ xuất khẩu.
Nga dự kiến có thêm 2 chiếc nữa vào cuối năm nay để có được lực lượng 12 tàu tên lửa Buyan-M trang bị tên lửa Klub.