Friday, April 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNgôn từ mập mờ của TQ trong vấn đề Biển Đông

Ngôn từ mập mờ của TQ trong vấn đề Biển Đông

Đưa ra những tuyên bố không rõ ràng khi phản đối hành động tuần tra của Mỹ trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo, Trung Quốc tìm cách né những cơ sở tố cáo Bắc Kinh vi phạm luật pháp quốc tế.

Phản ứng chính thức của Trung Quốc với việc hải quân Mỹ thực hiện hoạt động “tự do hàng hải” (FON) khi tiến vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam là một câu đố đa ngữ. Khi xem xét kỹ các tuyên bố bằng tiếng Trung của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Graham Webster, nhà nghiên cứu quan hệ Mỹ – Trung viết trên The Diplomat rằng Bắc Kinh đã toan tính trong từng câu chữ, trong nỗ lực dường như để duy trì sự mơ hồ mang tính chiến lược.

Liệu các quan chức Trung Quốc có tin rằng hải quân Mỹ đã vi phạm chủ quyền Trung Quốc không? Theo Wester, đây là điều không rõ ràng. Họ có tuyên bố Bắc Kinh có chủ quyền với vùng bao quanh các đảo nhân tạo – điều không đúng với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) – hay không? Đây cũng là điều không rõ ràng. Bắc Kinh có nêu chính xác lý do vì sao hành động của Mỹ được mô tả là bất hợp pháp hay không? Không hẳn, nhưng cánh cửa cho câu hỏi này vừa được hé mở.

Tuyên bố chính thức của Trung Quốc có vẻ được tính toán có chủ đích để không đưa ra câu trả lời rõ ràng cho các câu hỏi này. Hồi tháng 5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo hoạt động FON của Mỹ là “sự xâm phạm chủ quyền và gây nguy hại đối với an ninh quốc gia Trung Quốc”. Hồi đầu tháng này, bà Hoa cũng tuyên bố phản đối “hành vi xâm phạm lãnh hải và không phận Trung Quốc”.

Việc sử dụng từ “lãnh hải” và “vi phạm” đặt chính quyền Trung Quốc vào một thử thách. Nhìn chung, chỉ có các thực thể vẫn nổi lên mặt nước khi thủy triều lên, đáp ứng quy chế về đảo, mới có thể được hưởng lãnh hải 12 hải lý, theo UNCLOS. Khi hải quân Mỹ đi vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo, thực chất là bãi cạn nửa chìm nửa nổi, thì Trung Quốc đã “há miệng mắc quai” khi nói về “lãnh hải” hoặc phàn nàn về việc “xâm phạm” chủ quyền. Nguyên nhân là do Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố chủ quyền không được UNCLOS chấp nhận.

Theo Webster, hoạt động tuần tra của Mỹ được thiết kế rõ ràng để đánh vào điểm đó. Bằng cách vào trong phạm vi 12 hải lý quanh bãi đá ngầm Subi và Vành Khăn, thực thể ngập hoàn toàn khi thủy triều lên, liệu Mỹ có khiến các quan chức Trung Quốc cắn câu?

Xem thêm: Vì sao Mỹ chọn tuần tra gần đá Vành Khăn và Subi

Né tránh luật 

ngon-tu-map-mo-cua-trung-quoc-trong-van-de-bien-dong-1

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng. Ảnh: Xinhua

Phản ứng chi tiết đầu tiên của Trung Quốc về vấn đề này đến từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lục Khảng. Ông Lục khẳng định rằng tàu Mỹ đã “vào vùng biển gần” các thực thể ở Biển Đông một cách “phi pháp”. Ông không sử dụng từ “lãnh hải”, mà thay vào đó là cụm từ “vùng biển lân cận” (línjìn hǎiyù).

Ông Lục nói rằng hoạt động của Mỹ “uy hiếp” chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc”, nhưng ông không nói những lợi ích đó bị vi phạm hay xâm phạm như bà Hoa hồi tháng 5. Sau đó, ông Lục tiếp tục ngang nhiên khẳng định Trung Quốc có chủ quyền trên “quần đảo Nam Sa và vùng biển phụ cận (fùjìn hǎiyù)”.

Khác với phát ngôn trước đó của bà Hoa, ông Lục không nói rằng FON là cái cớ để “vi phạm” chủ quyền, mà nói rằng đây là cái cớ để “gây tổn hại đến chủ quyền và lợi ích an ninh Trung Quốc”. Cuối cùng, ông kêu gọi Mỹ kiềm chế các hành động “uy hiếp chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc” – một lần nữa sử dụng từ “uy hiếp” – động từ ông đã dùng để mô tả hoạt động tuần tra của Mỹ.

Wester nhận định rằng, với tuyên bố này, ông Lục lảng tránh đưa ra một lập trường rõ ràng hay ẩn ý về việc liệu bãi đá ngầm Subi có được hưởng lãnh hải 12 hải lý hay không, hải quân Mỹ có vi phạm chủ quyền Trung Quốc hay không, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên khu vực hàng hải cụ thể nào, và liệu có ngưỡng leo thang nào trong bất kỳ cuộc chạm trán tương lai hay không. Webster cho rằng cách dùng ngôn từ của ông Lục được tính toán rất kỹ và nó lại một lần nữa được lặp lại bởi Thứ trưởng Ngoại giao Trương Nghiệp Toại, khi gặp Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, Max Baucus.

Cũng trong thời gian đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cũng đưa ra tuyên bố riêng. Ông Dương cũng tránh sử dụng từ “lãnh hải” trong suốt phát biểu của mình. Thay vào đó, ông dùng từ “vùng biển cận bờ” và “vùng biển phụ cận”. Ông Dương cũng tránh gọi các hành động của Mỹ là phi pháp, mà thay vào đó, ông nói đây là sự “lạm dụng” các quyền tự do hàng hải trong luật pháp quốc tế. Ông Dương tuyên bố các hành động của Mỹ là “uy hiếp” đến an ninh quốc gia Trung Quốc, và ông kêu gọi Mỹ tôn trọng mối lo ngại của Trung Quốc về chủ quyền và an ninh quốc gia.

Bằng cách tránh dùng từ “lãnh hải” và không đưa ra bất kỳ tuyên bố rõ ràng nào về cơ sở để quy chiếu hành động của Mỹ là “phi pháp”, các quan chức Trung Quốc hầu hết đã duy trì sự mơ hồ “được tính toán kỹ lưỡng” của Trung Quốc về bản chất yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông. Khi tiến hành FON, Mỹ có thể đã đặt ra mục tiêu là khiến quan chức Trung Quốc phải miễn cưỡng đưa ra những tuyên bố ít khả năng được luật pháp quốc tế chấp nhận. Tuy nhiên, Wester nhận định rằng, bằng cách “uốn nắn” ngôn từ, Trung Quốc muốn lảng tránh điều đó.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đã có chỗ hở sườn. Ông Lục hôm qua tuyên bố: “Hoạt động của Mỹ vi phạm UNCLOS, cũng như điều luật trong nước của Trung Quốc”. Nếu Bắc Kinh trong tương lai tiếp tục đưa ra tuyên bố rằng hành động của Mỹ vi phạm UNCLOS, thì chính phủ Mỹ sẽ có cơ hội đặt ra những câu hỏi rất chính đáng: Trung Quốc có thẩm quyền gì, ở vùng biển nào? Liệu Trung Quốc có tuyên bố có lãnh hải xung quanh đá Subi? Nếu vậy thì tàu Mỹ đã vi phạm quy tắc đi qua vô hại được nêu trong UNCLOS như thế nào? Ngoài ra còn có câu hỏi liệu Trung Quốc có đòi hưởng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) ở Biển Đông hay không? Nếu có thì ranh giới của nước này là ở đâu, và Trung Quốc cho rằng tàu Mỹ đã làm gì mà Bắc Kinh có thể nói là vi phạm UNCLOS, vốn cho phép thực hiện hoạt động quân sự trong vùng EEZ?

Theo Điều 58 trong UNCLOS, các quốc gia hàng hải được phép tham gia vào hoạt động hợp pháp liên quan những quyền tự do, chẳng hạn như đưa tàu, máy bay, cáp và đường ống ngầm vào EEZ, nếu phù hợp với các quy định khác của công ước này.

Luật pháp quốc tế phát triển thông qua tiền lệ và thực tế. Có những bất đồng về mặt học thuật và ngoại giao về cách áp dụng UNCLOS. Cho đến nay, các quan chức Trung Quốc vẫn đang sử dụng sự không rõ ràng để tránh né các cơ sở cụ thể của tranh luận.

Xem thêm: Vì sao Trung Quốc dùng tàu hải quân bám tàu Mỹ ở Trường Sa

RELATED ARTICLES

Tin mới