Nga có thể giành được thị phần lớn trong thị trường vũ khí châu Á nhờ đưa ra được các khoản ưu đãi hấp dẫn hơn so với các đối thủ khác.
Tờ Defence News ngày 1/11 đưa tin cho biết, Nga đang tích cực củng cố vị thế tại thị trường vũ khí châu Á để bù đắp lại những tổn thất do lệnh cấm vận của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đưa ra.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Nga có nền tảng khá vững chắc trong thị trường xuất khẩu vũ khí tại châu Á với hơn 60% tổng sản lượng vũ khí xuất khẩu có đích đến là thị trường này và châu Đại Dương.
Hai khách hàng lớn nhất của Nga tại khu vực này là Ấn Độ và Trung Quốc. Trong giai đoạn từ năm 2010-2014, lượng vũ khí Nga xuất khẩu sang Ấn Độ và Trung Quốc lần lượt là 39% và 11% tổng xuất khẩu vũ khí của Nga.
Trong bối cảnh quan hệ với phương Tây căng thẳng làm gián đoạn các kênh phân phối quan trọng của ngành công nghiệp quốc phòng, Moscow đã thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc về cả quan hệ ngoại giao, chính trị lẫn quân sự.
Trung Quốc và Nga gần đây đã ký kết một loạt hợp đồng từ thiết kế đến sản xuất máy bay vận tải quân sự và trực thăng hạng nặng đến bán động cơ tên lửa hỗ trợ tham vọng chinh phục không gian của Bắc Kinh.
Nga có thể giành được thị phần lớn trong thị trường vũ khí châu Á nhờ đưa ra được các khoản ưu đãi hấp dẫn hơn so với các đối thủ khác, Pyotr Topychkanov – một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Carnegie Moscow nhận xét.
Topychkanov cho rằng Nga có một cơ hội để mở rộng hợp tác trong lĩnh vực này với Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Bangladesh và Pakistan.
Tuy nhiên ông cũng “không quá lạc quan” về cơ hội của Nga ở châu Á trong bối cảnh các đối thủ của Moscow cũng đang tích cực mở rộng ảnh hưởng của mình.
Tính cơ động của Nga trong thị trường vũ khí châu Á cũng bị hạn chế. Việc Nga chia sẻ công nghệ quân sự của mình cho Trung Quốc và Ấn Độ đã giúp hai quốc gia này đang ngày càng tiến tới khả năng tự cung tự cấp lớn hơn và thậm chí còn trở thành một đối thủ cạnh tranh lớn của Nga trên thị trường xuất khẩu vũ khí.
Ngoài ra, các vũ khí của Mỹ vẫn có một sức hút mạnh mẽ đối với các quốc gia châu Á.
Trung Quốc hiện đang phát triển nhanh chóng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và có thể sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào vũ khí của Nga. Nhưng Trung Quốc vẫn còn tụt hậu về lĩnh vực sản xuất hệ thống phòng không và đang xếp hàng để mua được hệ thống S-400 tiên tiến nhất của Nga.
Tại Ấn Độ, Nga đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trong bối cảnh chính phủ New Delhi vẫn tiếp tục thúc đẩy chương trình tự sản xuất các phần cứng quân sự và yêu cầu Nga thiết lập dây chuyền sản xuất phần cứng tại đất nước của mình.
Đồng thời, Ấn Độ vẫn tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác quốc phòng với Mỹ thông qua các hợp đồng mua sắm mới, Ben Moores – một nhà phân tích cao cấp tại IHS Jane’s cho biết.
Theo ông Moores, trong quan hệ với nhiều khách hàng tiềm năng khác trong khu vực, Nga cũng đang phải đối mặt với một sự cạnh tranh lớn.
Việt Nam là một khách hàng quan trọng của Moscow, nhưng cũng rất hấp dẫn đối với nhiều công ty phương Tây khác. Indonesia là một thị trường đang phát triển nhanh, nhưng người Hàn Quốc hiện đang làm việc rất tốt ở đó.
Mặc dù gần đây Nga đã giành được hợp đồng cung cấp máy bay phản lực cho Malaysia, nhưng quốc gia này vẫn chưa tìm ra được giải pháp để cân bằng với vũ khí của Ấn Độ và Trung Quốc./.