Wednesday, January 15, 2025
Trang chủBiển nóngMỹ nói cứng trên đất Trung Quốc về tuần tra Biển Đông

Mỹ nói cứng trên đất Trung Quốc về tuần tra Biển Đông

Mỹ tiếp tục nêu quan điểm của mình ở Biển Đông ngay giữa lòng Bắc Kinh, chọc giận rồi lại xoa dịu Trung Quốc.

Hôm 3/11, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ tuyên bố tại Trung tâm Standford, Đại học Bắc Kinh rằng quân đội nước này sẽ tiếp tục hoạt động giống như tuần tra Biển Đông ở bất cứ nơi đâu nếu luật lệ quốc tế cho phép.

“Các vùng biển và không phận quốc tế thuộc về mọi người chứ không phải là chủ quyền riêng của bất cứ một nước nào. Quân đội chúng tôi sẽ tiếp tục bay, đi tàu bè và hoạt động vào bất cứ lúc nào ở bất cứ đâu mà luật quốc tế cho phép. Biển Đông không và sẽ không là ngoại lệ”, Đô đốc tuyên bố.

Lời tuyên bố của ông Harris ngay giữa lòng Bắc Kinh cho thấy một động thái cứng rắn và quyết tâm của Mỹ đối với tuyến hàng hải có tầm quan trọng sống còn, nơi Bắc Kinh đang tiến hành cải tạo phi pháp các bãi đá và rạn san hộ thành các đảo nhân tạo, với các công trình phục vụ mục đích quân sự.

Ông Harris mô tả tuyên bố chủ quyền trên của Bắc Kinh là “mơ hồ” và dựa trên “cái gọi là đường 9 đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông.

Washington tuyên bố việc điều tàu chiến vào đây là để bảo vệ tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế, mà theo họ đang bị các hoạt động của Trung Quốc đe dọa.

Đô đốc Harris tuyên bố động thái này của hải quân Mỹ là nhằm “ngăn ngừa việc phá vỡ luật pháp và thông lệ quốc tế”.

“Chúng tôi đã thực hiện quyền tự do hàng hải trên toàn địa cầu trong nhiều thập kỷ, nên chẳng có gì phải ngạc nhiên về điều đó cả” – ông nói.

Song, sau đó, để tránh căng thẳng, ông Harris đưa ra thêm một số nhận xét mang tính hòa dịu, ca ngợi quan hệ Mỹ-Trung và chỉ ra rằng tàu Trung Quốc và Mỹ đang viếng thăm cảng của nhau.

Theo một bài phát biểu của Harris, ông nói: “Một số kẻ dự đoán hai quốc gia của chúng ta sẽ xung đột với nhau. Tôi không có quan điểm bi quan như vậy. Mặc dù chúng ta có những bất đồng nhất định về một số vấn đề, nhất là Biển Đông,…, vẫn có những lĩnh vực mà chúng ta có điểm chung”.

Trong khi đó, cùng ngày, đáp lại lời tướng quốc phòng Mỹ cho rằng hải quân nước này có kế hoạch tuần tra trên Biển Đông khoảng 2 lần 1 quý. Phát ngôn Bộ ngoại giao Hoa Xuân Oánh nói hôm 3/11: “Chúng tôi hối thúc Mỹ không tiến hành bất kỳ hành động nào đe dọa chủ quyền và an ninh của Trung Quốc. Chúng tôi sẽ kiên quyết đáp trả các hành vi khiêu khích có chủ ý từ bất kỳ quốc gia nào”.

Tuyên bố của Đô đốc Harris đưa ra sau 1 tuần Mỹ đưa tàu khu trục USS Lassen tuần tra ở Biển Đông, chọc giận Trung Quốc bằng việc cho tàu chiến đi sát vào các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp trái phép.

Trong cuộc đàm phán qua video giữa  Đô đốc John Richardson (của Mỹ) và Đô đốc Wu Shengli (chỉ huy lực lượng hải quân Trung Quốc) 2 ngày sau tàu khu trục của Mỹ đi sát các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông, quan chức Mỹ nhận định là cuộc đàm phán đã “chuyên nghiệp và mang tính xây dựng”.

Trong khi đó, hãng thông tấn Tân Hoa xã lại diễn giải lời ông Wu như lời cảnh báo Mỹ cho rằng: “Nếu Mỹ tiếp tục loại hành vi khiêu khích nguy hiểm như thế này, có thể sẽ xuất hiện tình trạng nghiêm trọng giữa các bên trên biển và trên không, thậm chí có thể cả va chạm nhỏ khiến xung đột bùng nổ”.

Hành động điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen vào khu vực đảo nhân tạo Bắc Kinh xây dựng trái phép được xem là hành động thách thức lớn nhất, công khai nhất và cũng là phép thử lớn nhất từ trước đến nay của Washington đối với những đòi hỏi chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Lời cảnh báo của Tư lệnh Hải quân Wu Shengli cũng là lời cảnh báo cứng rắn nhất, mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của Trung Quốc nhằm vào Mỹ trong vấn đề Biển Đông.

Trong một diễn biến liên quan, theo nguồn tin từ Defense News cho biết, tàu khu trục của Mỹ đã thực hiện các bước để chỉ ra nó đang đi qua vô hại và không hề có ý định gây chiến.

“Các tàu hải quân Trung Quốc hành xử một cách chuyên nghiệp. Họ bám theo tàu Lassen, nhưng ở khoảng cách an toàn”, nguồn tin cho biết.

“Lúc đó có những tàu buôn Trung Quốc không hành xử từ tốn như tàu hải quân Trung Quốc. Một tàu đi ra khỏi nơi neo đậu và băng qua mũi của tàu khu trục, nhưng ở khoảng cách an toàn. Tàu Lassen không thay đổi đường đi khi tàu buôn di chuyển vòng quanh”, nguồn tin nói thêm.

Hôm 29/10, hai Tư lệnh hải quân Mỹ- Trung họp bàn sau cuộc tuần tra nói trên và nhất trí tiếp tục áp dụng các quy ước được thiết lập theo Quy tắc ứng xử tránh đụng độ bất ngờ trên biển (CUES).

RELATED ARTICLES

Tin mới