Nhân dân ồn ào, mạng xã hội dậy sóng, một số người suy luận đầy tính “thời đại”… Và mặc cho chính quyền, báo chí, hệ thống lề phải lề trái lề giữa tha hồ giải thích, biện minh thì hình như cũng không còn tác dụng.
Hãy nhìn chuyện Tập Cận Bình sang Việt Nam, “hào phóng” chi ra 1 tỷ NDT và mấy trăm triệu đô để tài trợ này nọ, rồi mấy hôm sau bỗng dưng đến sự việc 2 luật sư bị đánh gãy mũi ở một huyện sát nách Thủ đô. Nhân dân ồn ào, mạng xã hội dậy sóng, một số người suy luận đầy tính “thời đại”… Và mặc cho chính quyền, báo chí, hệ thống lề phải lề trái lề giữa tha hồ giải thích, biện minh thì hình như cũng không còn tác dụng.
Có một yếu tố chúng ta cần phải chỉ rõ ở đây.
Đó là lòng tin.
Khi lòng tin bị xói mòn hay thậm chí là biến mất, thì giữa người với người chẳng thể nói với nhau chuyện gì, đừng nói đến chuyện giải thích, khuyên nhủ, hay ra lệnh người khác làm thế này thế khác.
Câu chuyện 2 chàng luật sư bị đánh, một báo điện tử cho rằng: việc hướng “mũi súng” về phía công an, cho rằng công an đứng sau những hành động trên là “buồn cười”, là “nâng quan điểm”. Tác giả dẫn chứng chuyện anh lính lười tập thể dục và bị quy chụp là “cố tình hủy hoại sức khỏe để không phục vụ quân đội”. Câu chuyện đơn giản là không lười tập thể dục. Nhưng tất cả đều bị suy luận về mấy ý chẳng ra đầu với đâu. Nó chứng tỏ điều gì? Chứng tỏ là chỉ huy không tin lính, là cấp trên không tin cấp dưới hay tệ hơn là tin nhưng không dám bảo vệ cấp dưới; bởi lẽ cái thời sục sôi đó, ai “đi ngược” chả là phản động !
Chung quy lại cũng chỉ vì không tin nhau.
Chuyện ông Tập thì có rõ ràng hơn. Mấy chuyện ứng xử của ông Tập nói riêng hay bộ máy chính trị Trung Quốc khiến những yếu tố “made in China” trở thành cái gì đấy rất đáng nghi ngờ. Hậu quả là những gì Tập nói, những gì Tập làm trong cái chuyến thăm hiếm hoi đến nước Việt đều bị suy luận sang những thứ đầy tính “thời đại”. Tiền viện trợ, cho vay ưu đãi bị coi là tiền “mua đất”, hay để cơ cấu bộ máy chính trị Việt Nam đang chuẩn bị bước vào giai đoạn đổi thay…
Dĩ nhiên, có những luận điệu xuyên tạc, chụp mũ, đầy tính hiếu chiến, cái đó chúng ta không nói làm gì.
Chung quy lại cũng chỉ vì không ai tin ai.
Người Đông Á nói chung có một sự tế nhị đến cực đoan. Họ thậm chí chẳng dám tranh luận, thà nhận phần thiệt còn hơn là to tiếng, cãi vã. Và có những thứ luôn bị coi là “nhạy cảm” bỗng dưng xuất hiện ở một thời điểm “nhạy cảm”. Thế là mọi bi kịch cứ chậm rãi bắt đầu.
Bấy lâu nay ở Việt Nam, cách giải quyết sự vụ của giới cầm quyền luôn bị đặt nhiều câu hỏi. Những thắc mắc, khiếu nại chính đáng của nhân dân thường xuyên bị giải quyết với cái chăn “nhạy cảm” trùm kín mít. Thế là người dân chả hiểu mô tê gì, và cho dù không thỏa mãn với cách giải quyết đó thì họ cũng chẳng biết bấu vào đâu để mà thắc mắc tiếp. Và lòng tin bị bào mòn.
Người viết tin rằng có những sự vụ Chính phủ, Đảng Cộng sản biết thừa và cũng thừa sức giải quyết cho ra ngọn ngành, công khai toàn dân biết. Ấy nhưng toàn “đóng cửa bảo nhau”.
Niềm tin cứ thế mà lụi dần.
Hóa ra, cái khái niệm “lòng tin chiến lược” mà ông Nguyễn Tấn Dũng nhắc đến với bạn bè quốc tế lại là yếu tố cần thiết lắm ở nước Việt ngày nay. Đã tin nhau rồi thì làm gì cũng dễ, nói gì cũng “lọt tai” hơn.
Câu chuyện 2 chàng luật sư đen đủi chắc chắn là một tín hiệu cảnh báo đầy sức nặng cho những nhà lãnh đạo: Giờ nói thì ai tin ?