Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChuyển giao quyền lực ở Myanmar: Thái độ Mỹ-Trung

Chuyển giao quyền lực ở Myanmar: Thái độ Mỹ-Trung

Tổng thống Mỹ đã chúc mừng thắng lợi của đảng đối lập NLD trong cuộc bầu cử hôm 8/11 ở Myanmar, đồng thời gọi điện ca ngợi Tổng thống Thein Sein.

Trong một thông báo ngày 12/11, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama tối 11/11 đã điện đàm để chúc mừng thủ lĩnh đối lập Myanmar Aung San Suu Kyi và Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử ở quốc gia Đông Nam Á này.

Theo thông báo trên, ông Obama đã ca ngợi “những nỗ lực và sự hy sinh không mệt mỏi của bà Suu Kyi trong nhiều năm qua nhằm thúc đẩy một đất nước Myanmar đa dạng, hòa bình và dân chủ”.

Ông nhấn mạnh rằng “việc bầu chọn và thành lập một chính phủ mới có khả năng sẽ là một bước tiến quan trọng hướng tới sự chuyển tiếp dân chủ của Myanmar”.

Trước đó, trong một thông báo riêng rẽ, Nhà Trắng cho hay ông Obama cũng gọi điện chúc mừng Tổng thống Myanmar Thein Sein đã tổ chức một cuộc bầu cử “tự do và công bằng”.

Tổng thống Obama từng thăm Myanmar 2 lần trong vòng 3 năm qua và ông hy vọng cuộc chuyển tiếp sang nền dân chủ của Myanmar trở thành một di sản trong chính sách đối ngoại của ông.

Washington theo sát cuộc bầu cử của Myanmar, tuyên bố hôm 10/11 rằng còn quá sớm để nói cuộc bầu cử dân chủ ở Myanmar là kết quả của chính sách nới lỏng cấm vận kinh tế cũng như chính sách thắt chặt quan hệ quân sự giữa Nay Pyi Taw và Washington.

Cùng ngày, Trung Quốc cũng hoan nghênh Myanmar tổ chức thành công cuộc tổng tuyển cử. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói: “Là một quốc gia láng giềng hữu nghị của Myanmar, Trung Quốc vui mừng và hoan nghênh cuộc tổng tuyển cử kết thúc tốt đẹp”.

Trung Quốc được cho là đặc biệt theo dõi cuộc bầu cử tại Myanmar. Hiện quốc  gia này là nhà đầu tư hàng đầu, đối tác thương mại chặt chẽ của Myanmar. Bắc Kinh đã tài trợ cho một số dự án chiến lược ở Myanmar, bao gồm đường ống dẫn dầu và khí đốt, các cảng và đập thủy điện.

Theo Ủy ban bầu cử liên bang (UEC) của Myanmar, tính đến tối 11/11, ủy ban này đã công bố 627 ghế nghị sỹ ở cả 3 cấp gồm 216 ghế Hạ viện, 83 ghế Thượng viện và 328 ghế nghị viện vùng hoặc bang.

Trong số này, đảng NLD của bà San Suu Kyi đã giành 536 ghế gồm 179 ghế Hạ viện, 77 ghế Thượng viện, 280 ghế nghị viện vùng hoặc bang. Trong khi đó, đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) cầm quyền giành được tổng cộng 51 ghế, trong đó có 17 ghế Hạ viện, 4 ghế Thượng viện, 30 ghế nghị viện vùng hoặc bang.

Giới quan sát cho rằng thành công của cuộc bầu cử phải ghi công của chính phủ và cả quân đội Myanmar đã chấp nhận để cuộc bầu cử dân chủ diễn ra trên một đất nước hơn 50 năm dưới quyền kiểm soát của quân đội.

Cả Tổng thống Thein Sein và Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing cũng đã chúc mừng đảng của bà Suu Kyi và hứa sẽ hợp tác và chuyển giao quyền lực cho chính phủ mới.

Cũng theo giới phân tích, NLD nói riêng và Myanmar nói chung sẽ đối mặt với 5 thách thức lớn bao gồm làm thế nào để thực hiện sự chuyển tiếp bình ổn; làm thế nào để thành lập chính phủ mới; làm thế nào để xử lý tốt mối quan hệ với quân đội; thực hiện tiến trình hòa bình ra sao khi mà chính phủ và một số nhóm vũ trang sắc tộc đã ký kết thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc; và cuối cùng là thực hiện những thay đổi gì, trong bối cảnh người dân Myanmar đang hết sức mong chờ sự thay đổi, không chỉ là thay đổi chính phủ, sửa đổi hiến pháp mà còn là kinh tế phát triển nhanh hơn, an sinh xã hội được cải thiện lớn hơn, các dân tộc càng bình đẳng hơn, cơ hội cũng đồng đều hơn.

Xét từ góc độ vĩ mô hơn, 5 thách thức lớn đặt ra cho Myanmar sau cuộc tổng tuyển cử không chỉ là thách thức của NLD mà càng là thách thức chung của các bên ở Myanmar. Chính vì vậy, hướng đi của chính trường Myanmar trong thời gian tới đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của mọi người.

RELATED ARTICLES

Tin mới