Tờ Sunday Times của Anh đã tiết lộ danh tính kẻ bị nghi đã đặt bom chiếc máy bay chở khách của Nga hôm 31/10, khiến nó rơi xuống bán đảo Sinai và cướp đi sinh mạng của 224 người. Đây là diễn biến mới nhất, đáng chú ý trong cuộc điều tra thảm họa hàng không này.
Theo nguồn tin trên, kẻ được cho là thực hiện vụ gài bom trên máy bay Nga là Abu Osama al-Masri, một giáo sĩ Ai Cập và thủ lĩnh của Wilayat Sinai (Sinai Province), một nhóm phiến quân liên minh với nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
“Kẻ được biết đến với tên gọi Masri đã nhận trách nhiệm về vụ tai nạn máy bay Nga trong một tuyên bố hôm 4/11. Cùng ngày, Thủ tướng Anh David Cameron công bố ngừng các chuyến bay của Anh tới khu nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh”, tờ báo viết.
Tuyên bố có tựa đề “Bọn ta đã bắn rơi nó, vì thế hãy chết trong cơn giận dữ của các người”, được đưa ra vào ngày 4/11, đã thách thức thứ giới chức Ai Cập hãy “chứng minh bọn ta không làm điều đó”. Tuyên bố còn nói thêm rằng nhóm này sẽ tiết lộ cách thức vụ tấn công vào thời điểm thích hợp.
Theo Sunday Times, giới chức Anh đã xác nhận hồi cuối tuần qua rằng Masri là “kẻ có liên quan” trong vụ tai nạn máy bay, và rằng Anh sẽ trợ giúp Ai Cập hoặc Nga trong một sứ mệnh “tiêu diệt hoặc bắt giữ” nghi phạm.
Abu Osama al-Masri là một giáo sĩ Ai Cập và là thủ lĩnh của nhóm phiến Wilayat Sinai hay Sinai Province, hiện được xem là một nhánh của IS sau khi ký kết một thỏa thuận với nhóm này hồi năm ngoái ở Syria.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nghi ngờ tuyên bố nhận trách nhiệm của nhóm phiến quân, chỉ ra rằng chúng không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào cho tới nay.
Giới chức tình báo tin rằng nhóm của Marsi đã dùng một kẻ nội gián tại sân bay Sharm el-Sheikh để gài một quả bom lên khoang hành lý của máy bay Nga. Sunday Times cho rằng nghi phạm này vẫn đang lẩn trốn.
Marsi, 42 tuổi, từng là một kẻ buôm quần áo. Tên này cũng là một cựu học giả tại Đại học al-Azhar ở Cairo, một tổ chức Hồi giáo Sunni 1.000 năm tuổi.
Vào tháng 11/2014, Wilayat Sinai (Sinai Province) đã cam kết liên minh với thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi của IS để đổi lấy vũ khí, tiền và cách thức chế tạo bom. Nhóm của Warsi hoạt động rất bí mật. “Mỗi nhóm không biết về các nhóm khác”, một quan chức tình báo tiết lộ với hãng tin Reuters.
Một quan chức khác nói: “Đó là một nhóm nhỏ các phiến quân, nhưng chúng chỉ cần một người để tiến hành một vụ đánh bom tự sát”.
Trước vụ tai nạn máy bay Nga, các cơ quan tình báo Mỹ cũng chặn được một thông điệp từ các phần tử khủng bố cảnh báo về “một điều to lớn trong khu vực”.
Theo IBT, thông tin chi tiết về việc máy bay bị rơi như thế nào cũng bị chặn, nhưng giới chức từ chối tiết lộ cụ thể.
Trong khi đó, giới chức Anh cũng đang điều tra xem liệu có bất kỳ công dân Anh nào tham gia IS có liên quan tới vụ rơi máy bay Nga, sau khi các tuyên bố khẳng định rằng giới chức an ninh đã thu được các cuộc trao đổi giữa các phiến quân nói giọng London và giọng Birmingham sau vụ tai nạn.