Hải quân Mỹ có thể đi lại ở bất cứ nơi đâu mà luật pháp quốc tế cho phép như ở Biển Đông, có thể tiếp tục tuần tra vùng biển đá Vành Khăn vào tháng 12 tới.
Tháng 12 sẽ tuần tra vùng biển đá Vành Khăn
Hãng Kyodo Nhật Bản ngày 22 tháng 11 đưa tin, khi tham gia Diễn đàn an ninh quốc tế Halifax, Canada, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Quân đội Mỹ, Đô đốc Harry Harris ngày 21 tháng 11 cho biết, sẽ tiếp tục điều tàu chiến đến vùng biển lân cận đá ngầm ở Biển Đông tiến hành tuần tra.
Đô đốc Harry Harris nói: “Máy bay và tàu chiến Mỹ có thể hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép. Biển Đông không phải là ngoại lệ, trong tương lai cũng sẽ không trở thành ngoại lệ”.
Hãng tin Reuters Anh ngày 21 tháng 11 cũng dẫn lời quan chức giấu tên của Hải quân Mỹ cho biết, việc đi lại lần tiếp theo ở vùng biển quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) có thể sẽ diễn ra vào tháng 12 tới.
Trang mạng “Washington Free Beacon” Mỹ ngày 20 tháng 11 dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, sẽ điều 2 tàu chiến đến đi lại ở vùng biển xung quanh đá Vành Khăn (quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc tiến hành chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 1995) trong vài tuần tới.
Trước đó, ngày 27 tháng 10, Hải quân Mỹ đã điều tàu khu trục tên lửa USS Lassen đi vào vùng biển 12 hải lý của một hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa (Việt Nam) đã khiến cho Trung Quốc hết sức tức tối.
Trong tháng, một quan chức quốc phòng Mỹ còn tiết lộ, Hải quân Mỹ có kế hoạch tiến hành tuần tra hai lần trở lên trong mỗi quý để định kỳ thực hiện quyền lợi, đồng thời nhắc nhở Trung Quốc và các nước khác về thái độ của Mỹ.
Diễn đàn an ninh quốc tế Halifax lần thứ 7 diễn ra ở Canada từ ngày 20 đến ngày 21 tháng 11 năm 2015 |
Ngoài các hành động tự do hàng hải, Mỹ tiến hành đồng thời hành động tự do bay. Trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tham dự một loạt hội nghị cấp cao ở châu Á trong tuần qua, ngày 8 tháng 11, Mỹ cũng đã điều 2 máy bay ném bom chiến lược B-52 bay tự do ở khu vực lân cận các đảo nhân tạo trên Biển Đông.
Không được phá vỡ cấu trúc an ninh khu vực
Tại diễn đàn ở Canada ngày 21 tháng 11, Đô đốc Harry Harris cũng đã nhấn mạnh đến nhu cầu cấp thiết của việc duy trì cấu trúc an ninh dựa trên luật pháp vốn đang là động lực chủ yếu của kinh tế toàn cầu và là nơi có 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo ông Harris, hầu hết các nước trong khu vực được hưởng lợi từ hệ thống luật pháp và các quy tắc quốc tế trong phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh quốc gia, do đó, Mỹ sẽ không để cho bất cứ nước nào đe dọa môi trường và phá vỡ cấu trúc an ninh này.
Đô đốc Mỹ cho biết, để đảm bảo an ninh châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong khu vực thông qua tiến hành các cuộc tập trận đa phương và thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương với các nước như Australia, Nhật Bản, Philippines, Indonesia, Singapore, Việt Nam…
Diễn đàn an ninh quốc tế Halifax lần thứ 7 diễn ra ở Canada từ ngày 20 đến ngày 21 tháng 11 năm 2015 |
Được biết, Diễn đàn an ninh quốc tế Halifax lần thứ 7 diễn ra trong thời gian 3 ngày (từ ngày 20 đến ngày 21 tháng 11 năm 2015) tại thành phố cảng cùng tên thuộc tỉnh Nova Scotia của Canada. Diễn đàn thu hút 300 đại biểu từ 60 nước trên thế giới tới tham dự nhằm thảo luận sâu rộng về các vấn đề an ninh của thế giới.
Trung Quốc bị cô lập vì bành trướng phi pháp
Đối với hành động “tự do hàng hải và hàng không” của Mỹ, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi nói rằng, Trung Quốc đã “kiềm chế rất lớn” với các hành động “khiêu khích” của Mỹ. Ông Lợi còn dọa dẫm: Trung Quốc “có năng lực bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia” (hành động quân sự) nếu Mỹ tiếp tục “khiêu khích”.
Ngày 20 tháng 11, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, khu vực tranh chấp Biển Đông sẽ trở thành điểm quan tâm chính tại Hội nghị cấp cao Đông Á tổ chức ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia. Và sau đó nó diễn ra đúng như lời ông nói.
Trong tuần qua, Mỹ cùng đồng minh và các nước trong khu vực đã đồng thanh lên án đối với các hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, khiến cho Trung Quốc thực sự đã rơi vào thế cô lập về mặt dư luận và luật pháp quốc tế.
Diễn đàn an ninh quốc tế Halifax lần thứ 7 diễn ra ở Canada từ ngày 20 đến ngày 21 tháng 11 năm 2015 |
Thậm chí, ngày 21 tháng 11, Thủ tướng Australia còn thẳng thừng chỉ mặt Trung Quốc: Tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông là một chính sách ngoại giao “phản tác dụng”, khiến Trung Quốc bị cô lập và có thể khơi mào cho một cuộc chiến tranh nếu Trung Quốc tiếp tục tham vọng đó.
“Võ mồm” của học giả
Đối với phát biểu trên của Đô đốc Harry Harris về việc tiếp tục điều tàu chiến đến Biển Đông tuần tra, nhà nghiên cứu Trương Quân Xã thuộc Viện nghiên cứu học thuật quân sự hải quân Trung Quốc cho rằng, Mỹ cần xuất phát từ “đại cục” quan hệ quân sự hai nước để xem xét, không nên tiếp tục tiến hành các hành động sai lầm.
Trương Quân Xã rao giảng: “Tự do hàng hải và hàng không của khu vực Biển Đông chưa từng có vấn đề, Mỹ lấy danh nghĩa tự do đi lại tiến hành tuần tra Biển Đông là hành vi khiêu khích đi ngược lại luật pháp quốc tế”.
“Quân đội Trung Quốc khi đó chắc chắn sẽ điều lực lượng tương ứng đến vùng biển này bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ an toàn của nhân viên và cơ sở đồn trú (bất hợp pháp) trên đảo” – Trương Quân Xã dùng “võ mồm” đe dọa, nhưng làm như giới bành trướng Trung Quốc là kẻ ở thế “phòng thủ”.
Nhà nghiên cứu Trương Quân Xã thuộc Viện nghiên cứu học thuật quân sự hải quân Trung Quốc, thường được giới bành trướng Bắc Kinh sử dụng để tuyên truyền trên các tờ báo điện tử Trung Quốc |
Đối với những phát biểu này của Trương Quân Xã, xin nhắc lại rằng: Đảo Hải Nam là cực nam của Trung Quốc. Trung Quốc không có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cộng đồng quốc tế đã chứng kiến Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm biển đảo của Việt Nam vào các năm 1956, 1974, 1988, 1995, 2014…
Chính hành động xâm lược bằng vũ lực này cùng các hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông sau này đều vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.
Trung-Mỹ sẽ không còn xảy ra sự cố quân sự?
Theo tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 23 tháng 11, mặc dù Trung Quốc và Mỹ liên tục va chạm trong vấn đề Biển Đông, nhưng gần đây giao lưu giữa quân đội hai nước vẫn tăng lên.
Chẳng hạn, trong tháng 11, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ Đô đốc Scott Swift đã lần lượt đến thăm Trung Quốc.
Trong cuộc hội đàm với Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi vào ngày 19 tháng 11, Đô đốc Scott Swift cho biết, Quân đội Mỹ không hy vọng vấn đề Biển Đông ảnh hưởng đến “đại cục” quan hệ hải quân hai nước.
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ, Đô đốc Scott Swift trên tàu khu trục USS Stethem |
Ngoài ra, biên đội tàu chiến Hải quân Trung Quốc cũng đã đến thăm Mỹ vào đầu tháng 11; trong khi đó, tàu khu trục USS Stethem DDG-63 Hải quân Mỹ từ ngày 16 tháng này cũng đến thăm Trung Quốc trong thời gian 5 ngày.
Trang mạng “Tin tức Quốc phòng” Mỹ dẫn lời Đô đốc Harry Harris phát biểu tại Halifax ngày 21 tháng 11 cũng cho biết, các sĩ quan chỉ huy Quân đội Mỹ hợp tác với tư lệnh phía Trung Quốc, bảo đảm cho bất cứ cuộc chạm trán nào trên biển hoặc trên không đều sẽ không leo thang hoặc dẫn đến sự cố quân sự.
Tóm lại, Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra Biển Đông để thúc đẩy tự do hàng hải và những lợi ích phía sau của họ, tiếp tục dùng hành động thực tế để thách thức yêu sách bành trướng “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, bác bỏ nó về mặt pháp lý, thể hiện thực thi pháp luật quốc tế trên biển.
Việc hai bên đạt được các quy tắc ứng xử trên biển, trên không giúp cho các hành động tuần tra Biển Đông của Mỹ tránh được rủi ro đụng độ quân sự, rõ ràng có tác dụng kép: vừa kiềm chế được Trung Quốc vừa bảo đảm an toàn cho các hoạt động tuần tra này.
Mặc dù Trung Quốc rất tức giận vì hành động tự do hàng hải của Mỹ đã cơ bản bác bỏ mạnh mẽ yêu sách “đường lưỡi bò”, nhưng rõ ràng là yêu sách của Trung Quốc cũng đã không được bất cứ nước nào trong cộng đồng quốc tế hưởng ứng, thừa nhận, thậm chí đang đối mặt với nguy cơ “thua kiện” do Philippines tiến hành ở Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc.
Trung Quốc ra sức tiến hành bành trướng lãnh thổ và bành trướng quân sự ở Biển Đông |
Hiện nay, trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc đang ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế, thể hiện rõ nhất là trong các hội nghị quốc tế ở châu Á trong thời gian vừa qua, từ Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Thổ Nhĩ Kỳ đến Hội nghị cấp cao APEC ở Philippines cùng các hội nghị liên quan của ASEAN và Hội nghị cấp cao Đông Á ở Malaysia.