Friday, April 26, 2024
Trang chủĐiểm tinVì sao Anh muốn dự khán tại tòa xét xử vụ kiện...

Vì sao Anh muốn dự khán tại tòa xét xử vụ kiện TQ?

Chuyên gia luật biển của Philippines nhận định rằng đề nghị trở thành quan sát viên tại tòa quốc tế vụ kiện Trung Quốc về Biển Đông là cử chỉ khá bất ngờ từ phía Anh.

Tờ Guardian hôm 25/11 đưa tin, chính phủ Anh chính thức đề nghị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) cấp quy chế “quan sát viên trung lập” trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách chủ quyền trên Biển Đông.

Phía Anh cho biết, động thái ngoại giao của nước này tại một khu vực mà họ không có lợi ích lãnh thổ trực tiếp là “quan tâm thông thường đối với vấn đề hàng hải quốc tế.

Giáo sư về luật biển của Philippines, ông Jay Batongbacal. Ảnh: Hải An
Giáo sư về luật biển của Philippines, ông Jay Batongbacal. Ảnh: Hải An

Đánh giá về hành động của Anh, Giáo sư Jay Batongbacal, Viện Các vấn đề Hàng hải và Luật biển thuộc Đại học Philippines, chia sẻ vớiZing.vn rằng: “Đây là động thái gây ngạc nhiên, bởi Anh đưa ra quyết định này vào giai đoạn cuối của quá trình tố tụng.

Mặt khác, quốc gia châu Âu không liên quan trực tiếp tới các tranh chấp Biển Đông”.

Theo ông Batongbacal, dù Anh là thành viên của cộng đồng quốc tế và có thể có lợi ích trong tự do hàng hải ở Biển Đông, vai trò quan sát viên tại các buổi điều trần sẽ không có tác động rõ rệt hoặc làm lợi cho mục đích đó.

“Động thái của Anh có thể là một cử chỉ ngoại giao đối với Trung Quốc, nhưng chỉ nhằm chứng minh mối quan hệ tốt giữa hai nước”, chuyên gia luật của Philippines nhận định.

Trong khi đó, theo ý kiến của chuyên gia luật Hoàng Việt, thành viên Ban nghiên cứu Luật Biển, Liên đoàn luật sư Việt Nam, Anh muốn đóng vai trò quan sát viên tại vụ kiện của Philippines là “điều bình thường”.

“Vụ kiện là sự việc hy hữu, chưa từng có tiền lệ. Do đó, nó đặc biệt thu hút sự quan tâm của quốc tế. Ngoài ra, không giống trước đây, các quốc gia châu Âu đang đặc biệt quan tâm tới vấn đề Biển Đông.

Hơn nữa, Anh có tranh chấp tại quần đảo Malvinas/Falklands với Argentina. Do đó, London muốn tham gia phiên tòa ở PCA để xem họ ra phán quyết về Biển Đông ra sao”.

Ủng hộ Trung Quốc?

Theo Guardian, thời điểm Anh đưa ra đề nghị dự khán ở PCA khiến nhiều người đồn đoán, Bắc Kinh đã yêu cầu London tham gia với tư cách trung gian tiềm năng trong bối cảnh quan hệ quân sự giữa Trung Quốc, Philippines, các nước châu Á và Mỹ đang bế tắc.​

“Có ý kiến đồn đoán, London muốn dự khán ở PCA là do bị Bắc Kinh chi phối sau chuyến thăm Anh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 10.

Tôi cho rằng, động thái của Anh không mang hàm ý chính trị và chưa tới mức như vậy”, chuyên gia luật khẳng định.

Đồng quan điểm, giáo sư Batongbacal nói rằng những suy đoán Trung Quốc có thể đã yêu cầu Anh tham gia với tư cách trung gian dường như có một chút cường điệu.

“Quan sát viên ở tòa sẽ không liên quan tới vai trò trung gian trong trường hợp đối đầu quân sự.

Anh vẫn có thể giữ vai trò trung gian trong quan hệ quân sự giữa Trung Quốc và các nước ngay cả khi không phải là quan sát viên ở tòa quốc tế”, ông Batongbacal cho hay.

Tòa có thể chấp nhận yêu cầu của Anh

Thạc sĩ Hoàng Việt, thành viên Ban nghiên cứu Luật Biển, Liên đoàn luật sư Việt Nam. Ảnh: QĐND
Thạc sĩ Hoàng Việt, thành viên Ban nghiên cứu Luật Biển, Liên đoàn luật sư Việt Nam. Ảnh: QĐND

Đến nay, 7 nước được cho phép dự khán tại phiên tòa xử vụ kiện Trung Quốc, trong đó có Việt Nam. Theo chuyên gia luật Hoàng Việt, tòa quốc tế không có lý do để từ chối yêu cầu làm “quan sát viên trung lập”.

“Thái Lan là quốc gia không liên quan trực tiếp tới tranh chấp Biển Đông nhưng nằm trong khối ASEAN. Tòa vẫn chấp thuận để Thái Lan giữ tư cách quan sát viên.

Thậm chí, tòa cũng cho phép Nhật Bản, quốc gia không dính dáng đến tranh chấp Biển Đông, dự khán. Do đó, không có lý do nào khiến PCA từ chối đề nghị của Anh”, ông Hoàng Việt nhận định.

Cuối tháng 10, tòa Trọng tài ra phán quyết có quyền xét xử vụ kiện Trung Quốc do Manila đề xướng về “đường lưỡi bò” phi lý mà Bắc Kinh vẽ ra bất chấp Bắc Kinh nhiều lần tuyên bố nước này sẽ không tham gia vụ kiện.

Trung Quốc nói tòa Trọng tài Thường trực không có thẩm quyền xét xử vấn đề liên quan tới cái gọi là “chủ quyền của Trung Quốc”.

Vòng đầu của phiên điều trần thứ 2 (diễn ra từ ngày 24-30/11) đã kết thúc.

Phái đoàn Philippines đã tập trung vạch ra những điểm vô lý trong “đường lưỡi bò” và cáo buộc việc Bắc Kinh bồi lấp đảo nhân tạo đã tàn phá hệ sinh thái ở vùng biển. ​Phiên tranh tụng sẽ tiếp tục vòng hai vào ngày 30/11​.

RELATED ARTICLES

Tin mới