Tuesday, April 23, 2024
Trang chủBiển nóngĐông Nam Á đau đầu với mối đe dọa IS

Đông Nam Á đau đầu với mối đe dọa IS

Không chỉ ở Mỹ và châu Âu, Đông Nam Á cũng đang đau đầu với mối đe dọa từ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). 

Theo Reuters, hôm 5-12 cảnh sát Malaysia cho biết đã bắt giữ năm người, trong đó có một người châu Âu đang làm giáo viên, bị nghi có liên quan đến các tổ chức khủng bố như IS và al-Qaeda.

Còn tờ New Straits Times của Malaysia dẫn lời tổng thanh tra cảnh sát Khalid Abu Bakar, phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 5-12, cho biết cảnh sát đã tăng cường an ninh và rất cẩn trọng với các mối đe dọa từ IS.

Ông Khalid nhấn mạnh nước láng giềng Thái Lan đang được đặt trong tình trạng báo động và Malaysia không thể coi nhẹ điều đó, đồng thời cho biết Kuala Lumpur sẽ làm việc cùng Bangkok để cập nhật thông tin về mối đe dọa của IS trong khu vực.

Theo Reuters, hôm 4-12 cảnh sát và truyền thông Thái Lan đưa tin Cơ quan an ninh Liên bang Nga (FSB) đã cảnh báo nhà chức trách Thái Lan về việc có 10 đối tượng người Syria liên quan đến IS đã nhập cảnh vào Thái Lan để tấn công các công dân và lợi ích của Nga cũng như nhiều nước tham gia liên minh chống IS.

Nhà chức trách Thái Lan đã chỉ đạo thắt chặt an ninh tại Đại sứ quán Nga và đại sứ quán các nước tham gia liên minh chống IS ở thủ đô Bangkok.

Theo báo Straits Times, vào tháng 11-2015, một tài liệu của cảnh sát bị rò rỉ gây chấn động ở Malaysia khi cho biết IS và các nhóm cực đoan địa phương đã lập kế hoạch triển khai những kẻ đánh bom liều chết được đào tạo tại Syria, Iraq và Afghanistan đến Kuala Lumpur và Sabah để tắm máu thường dân.

Nhà chức trách Malaysia xác định ít nhất 30 nhóm phiến quân lớn nhỏ trong khu vực đã thề trung thành với IS và có ý đồ thống nhất dưới cờ IS. Trong số các nhóm này có tổ chức khủng bố khét tiếng Abu Sayyaf.

Chính quyền Indonesia và Malaysia cũng tiết lộ đã phát hiện và bắt giữ một số công dân nước ngoài từ Syria, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ đến Đông Nam Á để tổ chức tấn công. Ước tính 1.000 người đã rời Malaysia và Indonesia để đến Syria và Iraq gia nhập IS.

Trong năm ngoái, IS liên tục tăng cường nỗ lực tuyên truyền tại Indonesia, quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới. Văn phòng Nghiên cứu quân sự nước ngoài của quân đội Mỹ cũng vừa cảnh báo Indonesia là “điểm mù” trong chiến dịch tuyển quân của IS.

Có nghĩa là dòng cực đoan chảy từ Đông Nam Á vào Syria diễn ra âm thầm lặng lẽ và rất khó thống kê.

Ước tính đã có 76 người Indonesia trở về nước từ Syria. Khoảng 52 người Indonesia đã chết tại Syria, trên chiến trường, bao gồm bốn kẻ đánh bom liều chết.

RELATED ARTICLES

Tin mới