Wednesday, January 22, 2025
Trang chủBiển nóng"Nếu Việt Nam hay Philippines cho Mỹ triển khai P-8 Poseidon, phản...

“Nếu Việt Nam hay Philippines cho Mỹ triển khai P-8 Poseidon, phản ứng đã khác”

Nói như ông Bình thì với Việt Nam hay Philippines, Trung Quốc có thể bắt nạt được, còn Singapore thì không. Bởi lẽ quốc đảo sư tử này tuy nhỏ nhưng phát triển.

Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc: Ảnh: Kyodo News.

The Straits Times ngày 9/12 cho biết, Trung Quốc đã đưa ra phản ứng kiềm chế tối đa trước việc Singapore cho phép hải quân Hoa Kỳ sử dụng lãnh thổ quốc đảo này để cất hạ cánh máy bay P-8 Poseidon giám sát các hoạt động quân sự hóa bất hợp pháp ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).

Các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc đã đưa ra một phản ứng kiềm chế để giữ mối quan hệ chặt chẽ với Singapore, và cũng vì rất có khả năng Singapore đã báo trước việc này cho Trung Quốc.

Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói, Trung Quốc tin rằng hầu hết các nước láng giềng bao gồm Singapore, muốn thấy một Đông Nam Á hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Bà Oánh cho rằng hoạt động của Mỹ triển khai P-8 Poseidon ở Trường Sa là “quân sự hóa khu vực” và đi ngược với mong muốn của các nước khác?! “Chúng tôi hy vọng các bên liên quan sẽ làm nhiều hơn để tăng cường sự tin cậy lẫn nhau giữa các nước cũng như duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Bắc Kinh đã bị lên án vì hoạt động quân sự hóa Biển Đông thông qua việc bồi lấp, xây dựng, quân sự hóa đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Trường Sa, The Straits Times lưu ý.

Hứa Lợi Bình, một chuyên gia về quan hệ Trung Quốc – ASEAN từ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh đã có thể chỉ trích trực tiếp nếu P-8 Poseidon được triển khai ở Việt Nam hay Philippines.

“Phản ứng của Trung Quốc cho thấy họ (Trung Nam Hải) hiểu rằng Singapore vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào Hoa Kỳ do các nhu cầu an ninh của mình, mà điều này không thể thay đổi trong tương lai gần.

Trung Quốc cũng hiểu rằng chỉ trích Singapore không làm dừng được việc Mỹ triển khai và có thể tạo ra nhiều vấn đề hơn, bởi nó làm tổn thương quan hệ song phương”, ông Bình nhận định.

Vài lời nhận xét: Người viết cho rằng, phản ứng này của Trung Quốc khá bất ngờ bởi trước đó dư luận đều tin rằng Bắc Kinh sẽ chỉ trích gay gắt động thái này giữa Mỹ và Singapore. Nhưng những gì diễn ra đã được The Straits Times lý giải với 2 khả năng có thể xảy ra, hoặc riêng biệt hoặc đồng thời.

Đó là Singapore rất có thể đã báo trước cho Trung Quốc việc này. Ở vị trí điều phối quan hệ ASEAN – Trung Quốc và chịu tác động trực tiếp từ tình hình an ninh Biển Đông, cách ứng xử đó của quốc đảo Sư tử là điều hoàn toàn có thể hiểu và chia sẻ được.

Bởi suy cho cùng, Singapore phải bảo vệ lợi ích của mình trước, và quan trọng hơn cả là mặt hành động, Singapore đã chấp nhận hỗ trợ Mỹ tuần tra giám sát các hoạt động quân sự hóa bất hợp pháp của Trung Quốc ở Trường Sa chứ không chỉ dừng ở lời nói, đó là điều rất đáng hoan nghênh, chào đón.

Thứ hai, chính học giả Trung Quốc Hứa Lợi Bình đã thừa nhận cách hành xử của Bắc Kinh ở Biển Đông vẫn là mềm nắn, rắn buông. Nói như ông Bình thì với Việt Nam hay Philippines, Trung Quốc có thể bắt nạt được, còn Singapore thì không. Bởi lẽ quốc đảo sư tử này tuy nhỏ nhưng phát triển giàu mạnh, có tiếng nói rất quan trọng trong khu vực Đông Nam Á.

Singapore không những không hoặc rất ít chịu tác động bởi chính sách “ngoại giao nhân dân tệ” của Bắc Kinh, ngược lại còn là một mô hình phát triển mà Trung Quốc đang phải vác sổ đi theo để học tập.

Chính sự giàu mạnh đó đã giúp Singapore rất độc lập về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh nhưng vẫn phải hành xử khéo léo trong quan hệ với các siêu cường, đặc biệt là Trung Quốc và Hoa Kỳ.

RELATED ARTICLES

Tin mới