Ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng đều có chuyện nhũng nhiễu, tham nhũng, lãng phí, nhưng khác nhau ở chỗ tính chất và mức độ nghiêm trọng thế nào?
Tham nhũng lớn gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho kinh tế nhà nước, nhưng tham nhũng vặt thì ngay lập tức gây ra bức xúc không nhỏ đối với mỗi người dân. Làm thế nào để có tiền tham nhũng?
Cách nhanh nhất và hiệu quả nhất là những cán bộ nhà nước (nhất là người có quyền) gây khó dễ cho người dân và doanh nghiệp, thậm chí có khi đơn giản chỉ là một con dấu cho đúng với quy trình, thủ tục.
Xin được đề cập tới một thí dụ đơn giản về sự nhũng nhiễu thế này:
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội từng kể với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam rằng, có vợ một đồng chí Vụ trưởng (công tác tại Văn phòng Quốc hội) chuẩn bị hồ sơ để phong Nhà giáo ưu tú.
Vợ bận nên anh ấy phải ra phường xin chứng nhận của địa phương. Ra đến phường, chỉ để xác nhận có một câu là vợ anh ấy sinh sống ở phường, chấp hành pháp luật tốt, nhưng người ta lấy đủ mọi lý do, không xác nhận ngay cho.
Ra về chưa biết làm cách nào thì gặp một chị bán rau. Nghe kể lại câu chuyện, chị bán rau bảo ông Vụ trưởng của Văn phòng Quốc hội: “Anh trông giúp gánh rau, em lên phường xin cho.”
Và chỉ một lúc sau, chị hàng rau đem về cho hồ sơ có xác nhận đàng hoàng. Hóa ra, chị này chỉ cần có quà cho cán bộ của phường, thế là được việc ngay.
Giáo sư Thuyết bình luận rằng: Chuyện thật 100% mà cứ như bịa!
Nói về sự nhũng nhiễu, bao giờ đi liền với nó cũng là tham nhũng vặt, mà có lần Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) đã ví von: “Tham nhũng vặt đã lan tràn trong mọi ngõ ngách của đời sống xã hội”.
Mỗi lần vấp phải sự nhũng nhiễu của cán bộ nhà nước, người dân lại thò chiếc phong bì ra như một thói quen (buộc phải chấp nhận), nhưng nỗi bức xúc thì sẽ dần tích tụ lại qua nhiều năm tháng, đó chính là mầm mống gây ra sự bất ổn trong đời sống xã hội, khi người dân dần mất niềm tin vào bộ máy công quyền.
Và ngay cả Tổng Thanh tra Chính phủ – ông Huỳnh Phong Tranh thừa nhận, tham nhũng vặt, trong luật gọi là tham nhũng nhỏ, trong thời gian vừa qua diễn ra trên một số lĩnh vực trong quản lý nhà nước, thường xảy ra ở những hoạt động thường xuyên với việc tiếp xúc công dân, doanh nghiệp…
Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 13 vừa qua, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ thì có tới 143 cán bộ công chức bị xử lý kỷ luật công vụ vì vi phạm ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp (không tính những trường hợp bị khởi tố).
Số liệu này cho thấy yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh đạo đức, ý thức của cán bộ công chức nhà nước đang được siết chặt.
Trên thực tế ở một số ngành, địa phương đã xảy ra chuyện cán bộ tự ý đặt thêm thủ tục gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, vấn nạn này đã được các Đại biểu nhiều lần đặt ra tại Quốc hội.
“Thủ tướng quyết liệt xử lý trách nhiệm người đứng đầu, tôi rất ủng hộ” |
Vì vậy, trong nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, khi làm việc với Bộ Tài chính về việc cắt giảm thủ tục thuế, hải quan, Thủ tướng đã chỉ đạo: “Vấn đề đầu tiên trong công tác cải cách thủ tục hành chính nằm ở khâu tổ chức thực hiện. Cho nên mỗi cán bộ phải phát huy cao độ ý thức phục vụ, tinh thần trách nhiệm để quyết tâm làm.
Cá nhân nào không đáp ứng được yêu cầu này thì đưa ra khỏi bộ máy, tuyển người khác có đủ năng lực, điều kiện vào làm”.
Người đứng đầu Chính phủ rốt ráo yêu cầu từng bộ, ngành phải biến lời nói thành hành động cụ thể không hô khẩu hiệu chung chung theo kiểu: “đã tiến lên một bước”, “có cải thiện hơn”, “được đẩy mạnh”, “được tăng cường”…
Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh: “Nói quy trình nộp thuế, hoàn thiện quy trình nộp thuế chỉ mấy bước thôi. Nếu có quy trình này rồi, cán bộ nào nhũng nhiễu đặt thêm là phải xử lý ngay”.
Rồi trong một buổi làm việc với Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, Thủ tướng cũng nhấn mạnh: “Phải kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực”.
Trước đó, trong buổi làm việc với Tổng cục Hải quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo: “Ngành phải tăng cường công tác quản lý cán bộ hải quan, nhất là cán bộ ở cơ sở… Kiên quyết loại ra khỏi ngành những cán bộ thoái hóa biến chất, tiếp tay cho buôn lậu, trốn thuế”.
Công bằng mà nói nỗ lực của cá nhân Thủ tướng Chính phủ và tập thể Chính phủ đã đem lại nhiều kết quả rất quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính, thí dụ điển hình nhất là thủ tục thuế và bảo hiểm xã hội từ gần 872 giờ giảm xuống còn 171 giờ.
Việc rút ngắn tới 700 giờ thủ tục hành chính đã giúp cho Việt Nam thăng hạng trong mắt bạn bè quốc tế, nhưng đồng thời cũng giúp cho doanh nghiệp và người dân thoát khỏi sự nhũng nhiễu, những nỗi ấm ức phải chịu đựng bấy lâu nay.
Tuy nhiên, tham nhũng là do con người gây ra và luôn biến tướng rất khó lường.
Vì vậy dù bày tỏ sự ủng hộ việc Thủ tướng siết chặt kỷ cương hành chính, nhưng ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng băn khoăn:
“Chúng ta phải thấy rằng, tham nhũng không chỉ gây ra ảnh hưởng xấu cho nền kinh tế mà còn làm giảm lòng tin của nhân dân với Đảng. Và từ đó, những kẻ phá hoại tìm cách lợi dụng chia rẽ nội bộ, ở nhiều nơi còn bị lợi dụng làm rối loạn đời sống xã hội.
Chúng ta có luật phòng chống tham nhũng; có luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí; Đảng cũng rất chú trọng tới việc xây dựng các cơ quan phòng chống tham nhũng. Điều đó cho thấy các đồng chí lãnh đạo cấp cao cũng đã nhìn thấy những vấn đề còn tồn tại với nạn tham nhũng.
Nhưng nếu chỉ là quyết tâm của một số người thì rất khó đi đến thành công, mà cần sự quyết tâm của cả hệ thống, mà trước tiên vẫn phải là những người đứng đầu. Đối với các tổ chức Đảng, chính quyền nếu không kiên quyết chống tham nhũng thì dứt khoát phải xử lý cán bộ, không để cho họ giữ những vị trí quan trọng nữa”.
Quả thực, nếu chỉ là sự quyết liệt của một người hay một số người thì cuộc chiến chống tham nhũng, nhũng nhiễu không biết đến bao giờ mới đáp ứng được yêu cầu của người dân.