Friday, July 26, 2024
Trang chủBiển nóngChiến lược “trục hàng hải” của Indonesia gặp khó vì thiếu tiền

Chiến lược “trục hàng hải” của Indonesia gặp khó vì thiếu tiền

Những lo ngại ngày càng gia tăng về hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông đã khiến các nhà lãnh đạo Indonesia nhận thấy cần phải làm nhiều hơn để bảo vệ tuyên bố chủ quyền hàng hải của mình trong khu vực. Một trong các biện pháp bảo vệ các lợi ích hàng hải của Indonesia một cách hiệu quả là quân đội nước này phải có những cải cách cụ thể, theo định hướng mà họ gọi là “trục hàng hải”.

Tiến trình cải tổ, nâng cấp quân đội Indonesia đã được chính thức đề cập và cụ thể hóa trong Kế hoạch Quốc phòng Chiến lược năm 2010. Văn bản này nêu rõ những gì Indonesia cần làm để hiện đại hóa lực lượng hải quân và không quân, vốn bị lơi là từ lâu.

Kể từ năm 2011, cả hai lực lượng này đã bắt đầu được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại. Hải quân Indonesia hiện đã tiếp nhận 3 tàu khu trục cỡ nhỏ từ Anh và đặt hàng 3 tàu chiến mẫu 209/1.400 dùng động cơ dầu diesel từ Hàn Quốc, 2 tàu hộ tống cỡ nhỏ lớp Sigma từ Hà Lan và nhiều tàu chiến từ các xưởng đóng tàu trong nước. Trong khi đó, Không quân Indonesia đã nhận chiếc đầu tiên trong số 24 máy bay chiến đấu F-16C/D cũ của Mỹ. Các phương tiện này sẽ được tân trang và trang bị thêm các hệ thống radar mới để tăng cường năng lực hàng hải và tấn công trên biển.

Tuy nhiên, đà mua sắm quân sự của Indonesia đã gặp trở ngại sau khi chính quyền của Tổng thống Jokowi đệ trình Hội đồng Đại diện Nhân dân Indonesia (DPR) dự thảo ngân sách nhà nước năm 2016. Trong dự thảo ngân sách đó, chính quyền cắt giảm 6,3% các khoản chi tiêu quốc phòng, từ 102,3 nghìn tỉ rupiah (tương đương 7 tỉ USD) xuống còn 95,8 nghìn tỉ rupiah (tương đương 6,5 tỉ USD). Chỉ vài tuần sau, chính quyền lại quyết định thông qua hợp đồng xây dựng đường sắt cao tốc trị giá 5 tỉ USD với một doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc. Các diễn biến này khiến người ta không khỏi băn khoăn liệu có phải Indonesia đang bắt đầu hòa dịu hơn với Trung Quốc?

Nhưng nhiều khả năng, chính nền kinh tế đang suy yếu mới là nguyên nhân dẫn đến những quyết định này, chứ không phải là bởi Jakarta đã bớt lo ngại về vấn đề Biển Đông. Chính quyền của ông Jokowi cho rằng họ cần chuyển bớt các khoản đầu tư vào chi tiêu quân sự sang hàng loạt gói kích thích để vực dậy nền kinh tế Indonesia, vốn đang hứng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ thực tế ngành xuất khẩu nguyên liệu thô sụt giảm và nhiều vấn đề nảy sinh do các cải cách không đúng lúc đối với ngành khai thác khoáng sản.

Hợp đồng mà Indonesia vừa ký với doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc được quyết định vào phút chót với gói tài chính dành cho dự án xây dựng đường sắt mà không đòi hỏi bất sự bảo lãnh nào từ phía Chính phủ Indonesia. Điều này giúp Jakarta có thể tránh khỏi các nghĩa vụ pháp lý nếu dự án tốn kém này không đáp ứng được kỳ vọng. Đây cũng là ưu thế lớn của phía Trung Quốc so với các nhà thầu Nhật Bản.

Song, cho dù lý do thực sự có là gì thì việc cắt giảm ngân sách quốc phòng ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình hiện đại hóa lực lượng hải quân và không quân của Indonesia. Trong phiên điều trần về ngân sách hồi tháng 10 vừa qua, Tướng Gatot Nurmantyo, Chỉ huy trưởng các lực lượng vũ trang Indonesia phát biểu trước Ủy ban Quốc phòng của DPR rằng, việc cắt giảm ngân sách quốc phòng buộc ông phải trì hoãn, thậm chí là hủy bỏ nhiều chương trình mua sắm vũ khí. Điều này khiến nhiều thành viên thuộc Ủy ban Quốc phòng của DPR lo ngại về nguy cơ Indonesia không có đủ nguồn lực để hoàn tất kế hoạch xây dựng “Lực lượng cơ bản tối thiểu” cần thiết để bảo vệ các lợi ích hàng hải Indonesia. Bởi vậy, Ủy ban này đã đưa ra đề xuất bổ sung 37,1 nghìn tỉ rupiah (2,5 tỉ USD) vào ngân sách quốc phòng. Tuy nhiên, Ủy ban Ngân sách DPR không nhất trí với đề xuất bổ sung này và chỉ chấp nhận tăng ngân sách quốc phòng lên 99,5 nghìn tỉ rupiah (6,7 tỉ USD).

Tuy khoản ngân sách mới vẫn bị cắt giảm tương đối so với một năm trước, song khoản ngân sách bổ sung nhỏ nói trên cũng đủ để duy trì các chương trình mua sắm vũ khí và bù đắp phần nào những thiệt hại do việc đồng nội tệ rupiah bị mất giá so với đồng USD, thực trạng khiến việc mua bán các trang thiết bị quân sự nước ngoài trở nên đắt đỏ hơn.

Để đối phó với tình trạng trên, Indonesia đã tìm những nguồn hỗ trợ tài chính khác để đảm bảo các chương trình mua sắm vũ khí. Đầu tháng 9-2015, Bộ Tài chính Indonesia yêu cầu Ngân hàng Negara hỗ trợ quân đội khoản tín dụng trị giá 980 tỉ rupiah (666 triệu USD). Không lâu sau đó, Ủy ban Quốc phòng của DPR cũng tiết lộ rằng, Jakarta đang nỗ lực đàm phán để giành được khoản vay trị giá 3 tỉ USD từ Moskva nhằm chi trả các hợp đồng mua bán quan trọng. Nếu khoản vay được thông qua, Bộ Quốc phòng Indonesia nhiều khả năng sẽ dùng số tiền này để mua các máy bay chiến đấu Su-35 và tàu ngầm lớp Kilo.

Tuy nhiên, ngay cả khi có được các khoản vay mới, quân đội Indonesia vẫn sẽ phải nỗ lực để có thể phân bổ hợp lý các nguồn tài chính và đảm bảo an ninh quốc phòng tại Biển Đông. Quân đội đã liệt kê một số dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng trên và xung quanh quần đảo Natuna cần phải được hoàn thành trước khi triển khai thêm lực lượng ở đó. Kế hoạch nâng cấp bao gồm việc xây dựng cơ sở đồn trú cho 2.000 quân bổ sung, mở rộng một căn cứ hải quân ở Pontianak, nâng cấp căn cứ không quân Ranai với nhà chứa máy bay mới, radar và một đường băng dài hơn. Hồi tháng 9, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu trong chuyến thăm đảo Natuna cũng đã nhắc đến kế hoạch triển khai 3 tàu và 4 máy bay chiến đấu trên đảo để tăng cường năng lực phòng thủ quốc gia ở khu vực này.

Dự kiến, sắp tới, Indonesia sẽ ra Sách trắng quốc phòng. Trong đó nhiều khả năng sẽ trình bày chi tiết những mối đe dọa ngày càng lớn đối với an ninh hàng hải của Indonesia. Bên cạnh những nỗ lực cải tổ và hiện đại hóa lực lượng hải quân và không quân, Sách Trắng cũng sẽ phản ánh mục tiêu đảm bảo các lợi ích quốc gia ở Biển Đông. Tuy nhiên, chính quyền Jakarta phải cần bao nhiêu lâu để hoàn thành mục tiêu này thì vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp. Đây thực sự sẽ là một con đường dài trước khi Jakarta có thể hiện thực hóa cơ cấu lực lượng mạnh mẽ đã được vạch ra trong Kế hoạch Quốc phòng Chiến lược 2010.

RELATED ARTICLES

Tin mới