Saturday, April 20, 2024
Trang chủBiển nóngBiển Đông sẽ nổi sóng sau thương vụ mới của Nga -...

Biển Đông sẽ nổi sóng sau thương vụ mới của Nga – Trung?

Sau các cuộc thương thuyết kéo dài nhiều năm, Nga cuối cùng đã chấp nhận bán cho Trung Quốc chiến đấu cơ tối tân Su-35. Quyết định này không những có thể tạo thêm cho Nga một đối thủ đáng gờm trên thị trường vũ khí toàn cầu, mà còn có thể thúc đẩy Bắc Kinh tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông.

Tuy phía Trung Quốc chưa chính thức xác nhận, nhưng theo thông tấn xã Itar-Tass của Nga, Moskva đã hoàn tất việc đàm phán về hợp đồng bán 24 chiếc Su-35 cho Bắc Kinh trong vòng 3 năm kể từ năm 2016. Hợp đồng trị giá 2 tỷ USD này cũng bao gồm việc chuyển giao công nghệ mà Trung Quốc đang rất cần để phát triển thế hệ vũ khí mới.

Khi làm như vậy, Moskva có lẽ đã chấp nhận sống chung với nỗi lo canh cánh rằng Bắc Kinh sẽ áp dụng “kỹ thuật đảo ngược” (reverse engineering: quá trình tìm ra các nguyên lý kỹ thuật của một phần mềm ứng dụng hay thiết bị cơ khí qua việc phân tích cấu trúc, chức năng và hoạt động của nó để xây dựng một thiết bị hoặc phần mềm mới hoạt động giống hệt nhưng không sao chép bất cứ thứ gì từ đối tượng nguyên bản) với vũ khí của Nga, rồi từ đó trở thành đối thủ đáng gờm của Moskva trên thị trường vũ khí toàn cầu.

Đương nhiên, Nga cũng có những lý do để đi tới quyết định cân não này.

Theo các chuyên gia, chính những yếu tố địa chính trị đã thúc đẩy hai nước ký kết hợp đồng, vì Nga và Trung Quốc hiện có những lợi ích chiến lược tương đồng. Moskva thì vẫn nghi ngờ Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiếp tục mở rộng sang phía đông, còn Bắc Kinh thì đang lo ngại trước chính sách “xoay trục” sang châu Á của Mỹ.

Ngoài ra, về phía Nga, hợp đồng bán Su-35 sẽ đem lại cho Moskva một khoản tiền lớn để trang trải cho các khoản chi tiêu ngày càng tăng trong nước cũng như ngoài nước, trong bối cảnh kinh tế suy thoái và gặp nhiều khó khăn do lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây. Không thể phủ nhận, nhu cầu tài chính đã thúc đẩy Nga tăng cường hợp tác quân sự với Trung Quốc.

Trong khi đó, chính mối căng thẳng ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Mỹ trên vấn đề Biển Đông đã khiến Bắc Kinh đẩy nhanh cuộc thương thuyết, bắt đầu từ năm 2008, về hợp đồng mua máy bay chiến đấu Su-35. Trung Quốc đang rất cần loại máy bay tối tân này, bởi vì hai chiến đấu cơ tàng hình do Trung Quốc sản xuất J-20 và J-31, tức là những loại máy bay có thể thay thế Su-35, thì phải mất vài năm nữa mới có thể sẵn sàng tác chiến.

Mua chiến đấu cơ Su-35 của Nga sẽ có lợi cho Bắc Kinh ở 3 điểm.

Thứ nhất, với loại máy bay này, tầm hoạt động của không quân Trung Quốc trên Biển Đông sẽ được mở rộng rất nhiều. Su-35 có thể cất cánh từ các đường bay ngắn, cho nên có thể được triển khai trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây dựng phi pháp ở Trường Sa.

Thứ hai, Su-35 hoàn toàn có đủ khả năng đối đầu với máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ, dự trù được triển khai ở Biển Đông. Đặc biệt hệ thống radar Irbis-6 trên Su-35 có thể phát hiện các máy bay tàng hình như F-35 trong phạm vi 90 km. 

Thứ ba, với hợp đồng mua Su-35, Trung Quốc sẽ tiếp nhận được những công nghệ cao cấp về radar và động cơ của loại máy bay này. Diễn đàn quân sự chính thức của Trung Quốc Mil.huanqiu.com cũng thừa nhận rằng, Bắc Kinh quan tâm đến động cơ và radar của Su-35. Những công nghệ này có thể sẽ được Trung Quốc sử dụng để chế tạo các máy bay chiến đấu nội địa mới, cũng như cải tiến loạt phi cơ J-, nhất là hai loại J-11 và J-16. Cần nhắc lại là hai loại phi cơ này đều được chế tạo dựa theo chiếc Su-27, mà Trung Quốc đã mua của Nga từ năm 1996, sau khi đã áp dụng “kỹ thuật đảo ngược” và phát triển thêm.

Như vậy, có thể nói, sau thương vụ Su-35 này, Trung Quốc có thể tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông và từng bước chiếm ưu thế quân sự ở vùng biển chiến lược này trong thời gian tới.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới