Saturday, December 28, 2024
Trang chủThâm cung bí sửChết, bị bắt, mất tích: "Chuyện cơm bữa" của doanh nhân TQ

Chết, bị bắt, mất tích: “Chuyện cơm bữa” của doanh nhân TQ

Các vụ doanh nhân bị chết, bị bắt hay mất tích bí ẩn đang trở thành “thường thái” khi chính phủ Trung Quốc mạnh tay hơn trong chiến dịch chống tham nhũng nhằm vào ngành tài chính.

Tỷ phú Trung Quốc Quách Quảng Xương

Bắc Kinh mạnh tay với các doanh nhân hàng đầu

Vụ “mất tích” của Quách Quảng Xương – Chủ tịch Fosun Group, một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Trung Quốc – xảy ra trong giai đoạn hết sức “nhạy cảm” đối với giới doanh nhân nước này.

Ông Quách là người giàu thứ 17 Trung Quốc với khối tài sản khoảng 5.6 tỉ USD, đồng thời được truyền thông ví von như “Warren Buffet của Trung Quốc”.

Trong ngày thứ Sáu (11/12), nhiều công ty do Fosun nắm giữ hoặc góp cổ phần ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông đã ngừng giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Tung tích của tỷ phú này khiến dư luận Trung Quốc “dậy sóng” bởi hơn 1 ngày sau khi ông này mất tích bí ẩn, Công ty dược phẩm Thượng Hải Fosun thuộc tập đoàn Fosun cùng một số công ty trong hệ thống đã xác nhận Quách Quảng Xương “đang hỗ trợ hoạt động điều tra của cơ quan tư pháp”.

Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), thông tin trên cho thấy Quách chưa bị cáo buộc bất kỳ hành vi sai phạm nào, tuy nhiên số phận của ông này hiện vẫn không thể đoán trước được.

Các cuộc điều tra chống tham nhũng của Bắc Kinh từ nhiều tháng qua đã bắt đầu “tấn công” vào ngành tài chính của Trung Quốc và nhằm cả vào những doanh nhân nổi tiếng.

Hôm 4/12, doanh nhân Từ Minh, nhân vật có quan hệ mật thiết với cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, được thông báo là đã chết trong tù vì một cơn đau tim chỉ vài tháng trước khi đến thời hạn được thả ra.

Truyền thông Trung Quốc không đề cập thêm đến các báo cáo nói rằng Từ Minh có “tình trạng sức khỏe rất tốt” vào thời điểm 2 tháng trước cái chết của doanh nhân 44 tuổi.

Từ Tường, ông chủ Tập đoàn Zexi Investment được coi là “anh cả của quỹ đầu cơ” do quản lý nhiều quỹ đầu cơ hàng đầu tại Trung Quốc bị bắt hồi tháng 11 với cáo buộc giao dịch nội bộ và thao túng giá cổ phiếu.

Trong khi đó, 6 trong 8 lãnh đạo cấp cao của Công ty chứng khoán CITIC Securities, tập đoàn có tham vọng trở thành “Goldman Sachs Trung Quốc”, đang bị nhà chức trách tạm giữ để thẩm vấn về các dấu hiệu vi phạm.


Từ Tường, nhân vật được ví là George Soros của Trung Quốc, bị bắt hồi tháng trước. Ảnh: SCMP

Từ Tường, nhân vật được ví là George Soros của Trung Quốc, bị bắt hồi tháng trước. Ảnh: SCMP

Những khúc mắc trong cuộc chiến “đả hổ đập ruồi”

Hồ Tinh Đấu, giáo sư kinh tế học tại Học viện công nghệ Bắc Kinh đánh giá: “Vấn đề cốt lõi nằm ở các mối liên hệ phức tạp giữa các doanh nghiệp và chính quyền.

Các công ty phải thông đồng với những quan chức quyền lực để phát triển, và khi có biến động nhân sự trong chính quyền thì chính các doanh nghiệp phải gánh chịu hậu quả.”

Theo chuyên gia này, chính phủ Trung Quốc kiểm soát phần lớn nguồn cung đầu vào cho hoạt động của các doanh nghiệp, bao gồm vốn và tài nguyên đất đai, khiến các công ty nội địa khó có thể “rạch ròi” giữa vấn đề kinh tế và chính trị cùng quyền lực.

SCMP cho hay, hàng loạt vụ tự sát ở Trung Quốc trong năm 2015 được cho là liên quan tới chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ đập ruồi” do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng trong 2 năm qua.

Truyền thông chính thống Trung Quốc đã phải đăng tải một loạt bài viết với mục đích lý giải hiện tượng trên và ổn định lòng tin trong dư luận cũng như hệ thống quan chức “thấp thỏm bất an”.

Tuy nhiên, việc các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc bị “ngã ngựa” trên thực tế không phải là hiện tượng lạ ở quốc gia này.

Hoàng Quang Dụ – cựu doanh nhân từng là người giàu nhất Trung Quốc – hiện vẫn đang thi hành bản án 14 năm tù giam do bị buộc tội đưa hối lộ và giao dịch nội bộ.

SCMP dẫn lời Chủ tịch tập đoàn Vantone Holdings Phùng Luân trong một bài chia sẻ lan truyền rộng sau cái chết của Từ Minh: “Một ông trùm doanh nghiệp tư nhân từng nói: ‘Trong con mắt của một quan chức, chúng ta chẳng hơn gì con gián. Họ có thể xử lý anh hoặc để anh ‘sống’ nếu muốn.'”

Chống tham nhũng là ưu tiên hàng đầu trong chính sách quản lý của ông Tập Cận Bình kể từ khi lên nắm quyền 3 năm trước, bằng cách nhằm vào cả “hổ”, các quan chức cấp lãnh đạo hay “ruồi”, những quan chức cấp thấp.

Tổng kết tại Hội nghị toàn thể trung ương 5 khóa XVIII của đảng Cộng sản Trung Quốc hồi cuối tháng 10 vừa qua cho thấy, Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương (CCDI) đã xử lý hơn 100 quan chức cấp bộ cùng số doanh nhân dính líu cao gấp nhiều lần.


Doanh nhân Từ Minh một thời thân cận với Bạc Hy Lai vừa qua đời trong tù.

Doanh nhân Từ Minh một thời thân cận với Bạc Hy Lai vừa qua đời trong tù.

Một trong những vụ án chấn động nhất nước này là vụ tỷ phú mỏ quặng Lưu Hán, “trùm” tập đoàn Hanlong câu kết với Chu Bân, con trai của cựu Ủy viên Bộ chính trị, cựu Bí thư Ủy ban chính pháp, cựu Bộ trưởng công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang.

Lưu bị tử hình hồi tháng 2 năm nay sau khi bị buộc tội giết người và điều hành một băng đảng theo lối mafia.

Giáo sư chính trị thuộc Đại học Bắc Kinh Trang Đức Thủy bình luận: “Cuộc chiến chống tham nhũng lúc này đang chuyển hướng sang lĩnh vực tài chính, một ‘thành trì’ của các nhóm lợi ích.”

“Thị trường chứng khoán sụt giảm nghiêm trọng vào mùa hè vừa qua là một cơ hội tốt để chính phủ ‘lật mặt’ các nhóm lợi ích. Những người đứng đầu quốc gia đang quyết tâm xử lý và ‘diệt tận gốc’ các tổ chức như vậy,” ông cho biết.

Tuy nhiên, theo SCMP, vẫn có những nghi ngại xoay quanh vấn đề chống tham nhũng của Bắc Kinh.

Một nhà nghiên cứu giấu tên thuộc chính phủ nói với SCMP: “Có những nguyên nhân sâu xa về mặt cơ chế dẫn đến tình trạng tham nhũng ở Trung Quốc, nhưng chiến dịch chống tham nhũng có vẻ như mang động cơ chính trị.”

Theo ông này, “sẽ không công bằng nếu trừng phạt các doanh nhân bởi họ không có sự lựa chọn. Mỗi dự án đều cần một khoản tiền ‘bôi trơn’ để được thông qua.”

Trong chuyến công du Mỹ hồi tháng 9, ông Tập Cận Bình đã bác bỏ thông tin nói rằng Bắc Kinh chống tham nhũng vì động cơ chính trị.

“Điều này (chống tham nhũng) phù hợp với mong muốn của người dân. Không có cuộc chiến tranh giành quyền lực nào ở đây cả. Không có chuyện ‘House of Cards’ (tên một serie phim truyền hình Mỹ, ý nói đấu tranh chính trị-PV),” ông Tập phát biểu ở Seattles.

Trong một bài viết xuất bản năm ngoái, tỷ phú Quách Quảng Xương viết rằng ông “tự tin với công ty của mình và mối quan hệ của doanh nghiệp với chính phủ”.

“Bạn phải tin rằng nếu công ty của bạn không làm sai hoặc hành động vô trách nhiệm thì nhà chức trách sẽ không động vào bạn,” Quách viết.

“Nhiều người từng nói với tôi rằng chính phủ có thể dễ dàng xử lý một doanh nghiệp bất chấp quy mô lớn đến đâu. Tôi không thể không hỏi lại: Nếu tôi biết giữ mình thì tại sao chính phủ lại muốn xử lý tôi?”

SCMP bình luận, hiện giờ có lẽ là lúc kiểm chứng cho sự tự tin của tỷ phú họ Quách.

RELATED ARTICLES

Tin mới