Monday, November 18, 2024
Trang chủĐiểm tinHà Nội, TP.HCM không thấy tham nhũng: Thanh tra rất tích cực

Hà Nội, TP.HCM không thấy tham nhũng: Thanh tra rất tích cực

Ngày 13/12, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã đánh giá báo cáo không phát hiện tham nhũng của Hà Nội, TP.HCM.

Theo đó, trước kết quả này, trong chương trình Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời ngày 13/12, ông Huỳnh Phong Tranh cho rằng, theo chức năng nhiệm của ngành thanh tra được pháp luật quy định, thì thanh tra là một giải pháp vừa phát hiện, răn đe hành vi tiêu cực, có dấu hiệu tham nhũng.

Trong thời gian qua, ngành thanh tra cả nước cùng với các cấp, các ngành thực hiện nhiệm vụ này.

“Riêng Thanh tra Hà Nội trong 9 tháng đầu năm, đã chuyển cơ quan điều tra những vụ việc có dấu hiệu vi phạm được 7 vụ việc. Thanh tra TP.HCM chuyển được 4 vụ việc. Có thể nói, Thanh tra Hà Nội và TP.HCM làm được việc này, là rất tích cực.

Tuy nhiên, việc xác định tội danh tham nhũng theo quy định của pháp luật, thì chỉ khi nào Tòa án phán quyết tội danh đó, thì mới gọi là tội danh tham nhũng, nên đối với ngành thanh tra chức năng chúng tôi thanh tra khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chúng tôi chuyển cơ quan điều tra để cơ quan điều tra làm rõ, và chuyển truy tố, cơ quan xét xử.

Có thể nói, cố gắng của ngành thanh tra thời gian qua, chúng tôi thể hiện hết sức trách nhiệm”, Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng, một số vụ việc chuyển chưa được nhiều, nên thời gian tới ngành thanh tra sẽ quyết tâm cao hơn để làm sao ngăn chặn, phát hiện răn đe để chuyển cơ quan điều tra được nhiều hơn.

Trước thực trạng tham nhũng ngày một tinh vi, được che chắn kỹ càng dưới những vỏ bọc khác nhau như lợi ích nhóm, đề cập đến cách thức của ngành thanh tra để phát hiện tham nhũng, ông Huỳnh Phong Tranh xác nhận, những năm gần đây, những vụ việc phát hiện về tham nhũng thì có xuất hiện biểu hiện của lợi ích nhóm.

Điều này thể hiện cụ thể ở những điểm sau:

Thứ nhất, khi phát hiện vi phạm thì có một nhóm dù ở những cương vị khác nhau nhưng câu kết chặt chẽ để tạo thành nhóm, tiêu cực và tham nhũng lấy tiền và tài sản của nhà nước.

Thứ hai, trong điều kiện của một đơn vị, cơ quan cũng có một nhóm người sử dụng tiền và tài sản của nhà nước không đúng mục đích, lấy phúc lợi của cơ quan chia nhau để vụ lợi cho mình.

Thứ ba, trong hoạt động ngân hàng, trong báo cáo năm 2015, của thanh tra ngân hàng nhà nước thì trong hoạt động ngân hàng cũng có biểu hiện lợi ích nhóm, câu kết nhau để làm thất thoát tiền, tài sản của nhà nước.

Có thể nói rằng, lợi ích nhóm hiện nay thể hiện rất tinh vi, mang lại hậu quả cũng rất lớn. Biểu hiện thứ nhất là cấu kết nhau rất chặt chẽ thành một nhóm người, tạo thành một việc tinh vi, khó phát việc. Biểu hiện thứ hai là, làm vô hiệu hóa thiết chế dân chủ ở cơ quan đơn vị.

Biểu hiện thứ ba là, tạo ra lợi ích nhóm từ xây dựng cơ chế chính sách để làm vụ lợi cho cá nhân, cho nhóm của mình. Vì vậy, thời gian tới, trong các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đồng bộ thì phải có những giải pháp thiết thực, ngăn chặn đẩy lùi các hành vi tham nhũng nói chung, trong đó có hành vi tham nhũng lợi ích nhóm.

Cũng liên quan đến báo cáo Hà Nội, TP.HCM không phát hiện tham nhũng, trao đổi với Đất Việt hôm 10/12, ông Phạm Tất Thắng – Ủy viên thường trực Ủy ban văn hóa, giáo dục thanh thiếu niên, nhi đồng cho biết: “Nếu như kết quả này là trung thực thì đó là kết quả đáng mừng. Thế nhưng, ở đây thực sự là không có, hay là chúng ta không phát hiện ra”.

Đặc biệt, theo ông Thắng, Hà Nội, TPHCM là hai địa phương lớn, hai đầu tàu của đất nước, mà cũng không phát hiện ra, thì mới thấy sự phức tạp của vấn đề này. Nhưng, nguyên nhân chính là do công tác thanh tra kiểm tra của chúng ta chưa hiệu quả, chưa sát với thực tế, không phản ánh được thực tiễn, không nêu được trường hợp cụ thể.

Mặt khác, cũng do hiện tượng tham nhũng hiện nay cũng đã biến tướng phức tạp hơn, nếu như trước đây họ dùng hiện vật thì dễ phát hiện, nhưng bây giờ họ chuyển dịch tài sản, chuyển sang thừa kế cho người khác, hoặc chuyển khoản nên cực kỳ khó kiểm soát.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tấn Tuân – ĐBQH Khánh Hòa cho hay: “Hành vi tham nhũng hiện nay đã biến tướng dưới nhiều hình thức, cho nên các cơ quan quản lý theo dõi, phải tăng cường công tác kiểm tra và chất lượng của các cuộc thanh tra”.

Trong khi đó, nói về nguyên do của việc khó phát hiện ra tham nhũng, ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) nhấn mạnh: “Dường như tất cả các đoàn thể luôn bao che cho nhau, không ai khai ra ai, bởi nếu khai ra thì không làm ăn được gì, họ dựa vào nhau, cùng nhau chia sẻ lợi ích, theo cơ chế dĩ hòa vi quý”.

RELATED ARTICLES

Tin mới