Tập đoàn năng lượng nhà nước Trung Quốc Sinopec đang xây trái phép một trạm xăng trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Đảo Phú Lâm nhìn từ trên cao. Ảnh: People’s Daily.
Việc xây dựng trạm xăng và kho lưu trữ đi kèm trên đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, sẽ cần một năm để hoàn thành, Reuters dẫn thông báo Sinopec đăng tải trên tài khoản mạng xã hội hôm nay cho biết.
Hiện có khoảng 1.000 người sinh sống trên đảo Phú Lâm và các công ty lữ hành Trung Quốc đã bắt đầu cung cấp các chuyến du lịch trên biển dài 5 ngày tới Hoàng Sa từ năm 2013.
Trạm xăng và kho lưu trữ nhằm đáp ứng nhu cầu nhiên liệu cho những đảo và bãi đá mà Trung Quốc đang kiểm soát trong vài năm tới, thông báo cho biết thêm.
Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974. Nước này thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, từ tháng 7/2012 nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Trung Quốc hôm nay còn tuyên bố chính thức đưa vào sử dụng trường học xây dựng trái phép trên đảo Phú Lâm. Trường học gồm 4 tầng, với diện tích khoảng 4.650 m2. Dự án này được xây dựng từ tháng 6/2014.
QQ giới thiệu trường học này, gồm các lớp mẫu giáo và tiểu học, nhằm tăng cường công tác quản lý và giáo dục cho con em binh lính, nhân viên và ngư dân đồn trú trái phép tại quần đảo Hoàng Sa.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển các nước láng giềng như Việt Nam, Philippines. Bắc Kinh còn tiển hành cải tạo, xây nhiều đảo nhân tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, động thái bị các nước trong khu vực, trong đó có Mỹ, chỉ trích mạnh mẽ.
Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. “Mọi hành động xây dựng, mở rộng của nước ngoài trên các đảo đá, bãi ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không được phép của chính phủ Việt Nam là hoàn toàn phi pháp và vô giá trị”, Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định.
Một trạm xăng của Sinopec ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |