Tuesday, January 7, 2025
Trang chủBiển nóngBằng chứng TQ cố tình phá hoại môi trường Biển Đông

Bằng chứng TQ cố tình phá hoại môi trường Biển Đông

Phóng viên BBC tận mục việc khai thác tràn lan san hô của ngư dân Trung Quốc, thêm bằng chứng cho việc cố tình phá hoại môi trường ở Biển Đông.

Phóng viên Rupert Wingfield Hayes của Đài BBC vừa thực hiện một chuyến bay đến quan sát tận mắt một rạn san hô ngầm tại khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, để kiểm chứng thông tin về việc ngư dân Trung Quốc đang chủ tâm phá hủy những rạn san hô ngầm ở Biển Đông.

Nhà báo Hayes thừa nhận đã cảm thấy rất sốc và hoang mang khi tận mắt nhìn thấy thực trạng các rạn san hô tại khu vực này.

“Hàng chục con tàu đang neo đậu gần một rạn san hô của đảo Thị Tứ, trong khi từng vệt dài cát và sỏi đá đang cuồn cuộn quặn lên bên dưới mặt nước biển đằng sau những con tàu này”, Hayes mô tả.

“Họ phá hủy suốt ngày đêm, từ tháng này qua tháng khác. Tôi cho rằng, họ cố tình làm vậy. Họ muốn gây thiệt hại bằng cách tàn phá các rạn san hô”, phóng viên Đài BBC dẫn lại lời một thị trưởng Philippines trên đảo Palawan.

Những con tàu này kết nối với nhau và cùng khởi động động cơ ầm ĩ. Một ngư dân Philippines giải thích những con tàu này đang dùng chân vịt để phá hủy rạn san hô.

Phóng viên BBC đã lặn xuống biển và tận mục chứng kiến cảnh tượng những chân vịt bằng thép của các tàu Trung Quốc quay tít kéo cát và bụi từ đáy biển khấy lên đục ngầu.

Các rạn san hô bị hủy hoại hoàn toàn, xác san hô chất đống, chồng chất và trắng toát như những bộ xương trên sa mạc

Nhóm ngư dân Trung Quốc bất kể những cảnh báo tàn phá thiên nhiên để săn tìm loại trai khổng lồ quý hiếm. Những con trai kích thước to cả mét có tuổi thọ khoảng 100 năm và giá rao bán trên mạng hiện nay khoảng 1.000 USD/con.

Đáng báo động hơn, nhà báo của BBC cho biết trên các “con tàu mẹ” neo đậu gần rạn san hô có hàng trăm vỏ trai được xếp chồng lên nhau cao ngất. Đây là các con tàu lớn neo chờ những kẻ săn trộm chở trai từ thuyền nhỏ sang. Trên đuôi mỗi bên của một con tàu có chữ tiếng Trung Quốc đánh vần thành Đàm Môn.

Trước đó hồi tháng 5/2014, cảnh sát biển Philippines từng bắt giữ một con tàu từ cảng Đàm Môn, Hải Nam, Trung Quốc gần Bãi Trăng Khuyết của quần đảo Trường Sa. Trên tàu có khoảng 500 con rùa biển Hawksbill, hầu hết đều đã chết. Loài này đang nằm trong sách đỏ bảo vệ.

Vụ bắt giữ đã khiến Trung Quốc phẫn nộ. Bộ Ngoại giao nước này đòi Manila lập tức trả tự do cho những tay săn trộm.

Phóng viên  Hayes nhận định, điều này chứng tỏ Chính phủ Trung Quốc không có ý định ngăn cản ngư dân nước họ ngừng săn bắt trộm thủy hải sản quý hiếm trên Biển Đông.

“Còn những tay săn trộm chúng tôi gặp không hề e dè hay lo ngại khi bị quay phim”, Rupert nhấn mạnh.

Tuy nhiên theo Phóng viên này, những gì ngư dân Trung Quốc đang làm đối với môi trường ở Thị Tứ vẫn không bằng việc Bắc Kinh đã  hoàn toàn phá hủy hơn 9km san hô bên dưới đảo đá Vành Khăn thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Nhiều nhà khoa học cho biết việc Trung Quốc cải tạo đảo ở Trường Sa đang “phá hủy vĩnh viễn khu vực san hô này với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử loài người”.

Mới đây, nhà sinh học biển John McManus của ĐH Miami tại Florida nói với tờ SciDev.Net: “Thứ tồi tệ nhất mà con người có thể làm đối với một rạn san hô là chôn nó bên dưới hàng tấn sỏi đá”.

Ông McManus cho biết hành động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc dạo gần đây đã phá hủy hoàn toàn 13 triệu m2 tại một trong số những rạn san hô phong phú nhất trên thế giới.

Trước đó, hôm 13/4, Philippines đã tố cáo Trung Quốc gây thiệt hại  lớn lao cho môi trường tại Biển Đông qua việc xây dựng các đảo nhân tạo trên các đảo đá ngầm đang tranh chấp, tiêu hủy các rạn san hô có diện tích rộng.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, ông Charles Jose tuyên bố: “Việc xây dựng của Bắc Kinh đã phá hủy các đảo san hô có diện tích khoảng 300 mẫu Anh, gần gấp ba Thành Vatican, gây thiệt hại kinh tế hàng năm đối với các quốc gia ven biển ước tính khoảng 100 triệu đô la. Các hoạt động quy mô của Trung Quốc nhằm khẳng định chủ quyền đã gây ra các thiệt hại to lớn không thể phục hồi được cho đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái tại Biển Đông”.

Ông Charles Jose còn tố cáo Bắc Kinh dung dưỡng các hành động xâm hại môi trường của các ngư dân Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough, vùng biển phong phú hải sản mà Trung Quốc giành được quyền kiểm soát từ tay Manila từ năm 2012.

RELATED ARTICLES

Tin mới