Tấn công ISIS bằng vũ khí Trung Quốc là bước tiến quan trọng để Trung Quốc trở thành một nước xuất khẩu vũ khí và các thiết bị quân sự sang Trung Đông.
Khủng hoảng Trung Đông có khả năng bắt đầu rẽ sang một hướng mới khi Thủ tướng Iraq Haider Abadi và Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem và đại diện các phe phái đối lập với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đều hiện diện ở Bắc Kinh từ ngày 22/12.
Trong khi Mỹ và Nga đã đổ khá nhiều vũ khí vào chiến trường chống khủng bố tại Iraq và Syria, cho đến nay vẫn chưa biết khi nào mới có thể tuyên bố chiến thắng, Trung Quốc không mất mũi tên hòn đạn nào nhưng lại thu lời lớn ở Trung Đông, cả về chiến lược, kinh tế, quân sự và danh tiếng.
Trung Đông – sới vật của các siêu cường toàn cầu
Tân Hoa Xã ngày 21/12 bình luận, không có gì cường điệu khi nói rằng khủng hoảng Ukraine ở Đông Âu và Syria ở Trung Đông đã định hình diện mạo chính trị toàn cầu năm 2015. Cả hai cuộc khủng hoảng đều là những giao tranh nội bộ đã cũ giữa chính phủ đương quyền với các phe phái nổi dậy muốn lật đổ chính quyền.
Nhưng trong năm 2015, các cuộc đọ sức này đã trầm trọng hơn khi hầu như các cường quốc toàn cầu đều nhày vào đọ sức, từ Mỹ tới Nga và các nước châu Âu. Trung Đông đã trở thành “sới vật”. Khủng hoảng ở Trung Đông đã làm lu mờ cuộc khủng hoảng Ukraine.
Hậu quả trực tiếp và gián tiếp của sới vật toàn cầu này là những vụ khủng bố đẫm máu như cuộc thảm sát khủng bố tại Paris trong tháng 10 vừa qua, cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất với châu Âu, hay khủng hoảng 17 giây giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều xảy ra trong phạm vi “sới vật” ấy.
Cũng giống như Ukraine, Syria đã dần trở thành sàn đấu cho các siêu cường, dân tộc họ, đất nước họ đã phải trả giá bằng cả tính mạng của hàng ngàn dân thường, hòa bình và ổn định của cả khu vực.
Khi cuộc khủng hoảng tại Syria kéo dài đến năm thứ 4 mà không có một giải pháp hòa bình nào khả thi, tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS hay ISIS) đã chiếm được một phần lãnh thổ rộng lớn ở miền Bắc Syria và biến nó thành nơi trú ngụ cho khủng bố reo rắc các cuộc tấn công kinh hoàng.
Hmaidi Abdullah, một nhà phân tích chính trị từ Trung tâm Nghiên cứu Chính trị Syria nói với Tân Hoa Xã, cuộc chiến chống ISIS được thực hiện bởi các siêu cường có quyền lợi của mình ở Trung Đông. Họ muốn sử dụng cuộc chiến này cho mục đích của riêng mình và làm sâu sắc hơn tình trạng chia rẽ.
Khủng hoảng 17 giây Nga – Thổ cho thấy bản chất cuộc chiến chống ISIS không giống như những gì cả hai liên minh chống khủng bố, một do Mỹ và một do Nga dẫn đầu, tuyên truyền. Nó cảnh báo nguy cơ cục diện sới vật Trung Đông có thể vượt tầm kiểm soát của các đối thủ.
Theo BBC ngày 23/12, Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc các cuộc không kích chống ISIS mà Nga tiến hành ở Syria đã khiến ít nhất 200 dân thường nước này thiệt mạng. Trong khi đó The Washington Post ngày 22/12 cho biết, nội bộ Nhà Trắng đã xuất hiện những tranh cãi xung quanh mệnh lệnh của ông Obama tấn công ISIS tại Syria.
Một số đối thủ đảng Cộng Hòa đã chỉ trích chiến lược “bom rải thảm” của ông Obama trong việc tiêu diệt các mục tiêu ISIS ở Syria đã làm quá nhiều dân thường thương vong.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh thì giải thích cho điều này rằng: “Chiến tranh là một cuộc chơi lộn xộn, và bạn không thể loại bỏ tất cả các rủi ro”, ông nói với tờ Sunday Times.
Thủ tướng Iraq và Chủ tịch Trung Quốc tại Bắc Kinh, ảnh: Tân Hoa Xã. |
“Nhà cái” Trung Quốc
Tờ Sputnik của Nga hôm nay 23/12 cho biết, Thủ tướng Iraq đã đến thăm Trung Quốc từ ngày hôm qua, hội đàm với cả Chủ tịch Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường. Hai bên ký kết 5 hiệp định và biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực quân sự, chiến lược Con đường tơ lụa và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Tuần san Focus của Đức tuần này dẫn lời ông Haider Abadi phàn nàn, hỗ trợ của quân đội Mỹ trong các chiến dịch tiêu diệt khủng bố ISIS tại Iraq không “đủ độ” nên không đạt hiệu quả như mong muốn.
Focus bình luận, mặc dù Trung Quốc không thể thay thế vai trò các hoạt động quân sự chống khủng bố của Mỹ và Nga tại Iraq và Syria, nhưng trên mặt trận kinh tế thì Bắc Kinh đang chiếm thế thượng phong hoàn toàn.
Bình luận của AFP cũng được Đa Chiều ngày 23/12 dẫn lại rằng, Mỹ phát động chiến tranh Iraq là vì dầu mỏ, nhưng cuối cùng kẻ thắng cuộc lại là Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất của Iraq mà không tốn một viên đạn nào.
Trước đó hôm 20/12, South China Morning Post dẫn lời Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho hay, Bắc Kinh đã mời cả phe chính phủ lẫn các phe phái đối lập Syria sang nước này để đàm phán tìm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng. Các lực lượng này đã có mặt tại Bắc Kinh hôm 22/12.
Đa Chiều bình luận, đây có thể là một thay đổi và bước tiến mới trong việc Trung Quốc can thiệp vào Trung Đông, tất nhiên không bằng quân sự mà thông qua con đường kinh tế và chính trị. Việc Thủ tướng Iraq và Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Syria cùng đặt chân đến Bắc Kinh một ngày mang theo nhiều hợp đồng, theo Đa Chiều là một cú chấn động đối với Mỹ và phương Tây.
Người viết cho rằng, bằng thủ đoạn kinh tế và chính trị, Trung Quốc đã bảo vệ hiệu quả và mở rộng lợi ích chiến lược, kinh tế của mình ở Trung Đông đầy bất ổn, không tốn một viên đạn, lại được tiếng không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác, không gây ra những thảm họa cho dân thường sở tại bởi bom đạn trực tiếp.
Mặt khác, trong lúc Nga – Mỹ sa lầy vào “sới vật Trung Đông”, Trung Quốc càng rảnh tay thúc đẩy chiến lược quân sự hóa Biển Đông. Khi bị dư luận lên án gay gắt những hành vi leo thang, Trung Quốc vẫn có những thành tựu ngoại giao khác để lèo lái sự chú ý của dư luận quốc tế về phía họ, trong đó đứng ra môi giới đàm phán hòa bình cho Syria có thể là một mục tiêu.
Món hời ở Trung Đông
Ngoài việc đảm bảo được nguồn cung dầu mỏ từ Iraq mà không phải mất công sức, bom đạn như Mỹ và Nga đang làm, Trung Quốc còn thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động hợp tác kinh tế – thương mại với Iraq trong khuôn khổ chiến lược Con đường Tơ lụa.
Trong khi các nhà lãnh đạo Nga – Mỹ đang đau đầu vì cuộc chiến chống khủng bố tại Trung Đông, Trung Quốc đã bắt đầu thu gặt thành quả. Ảnh minh họa. |
Hơn thế nữa, cuộc chiến chống ISIS ở Trung Đông đang biến khu vực này thành thị trường tiêu thụ các mặt hàng quân sự do Bắc Kinh sản xuất.
The Straits Times ngày 22/12 cho biết, một đoạn video được các lực lượng vũ trang Iraq đưa lên mạng internet tháng này cho thấy, họ đã sử dụng máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất, Caihong-4 để tiêu diệt một mục tiêu ISIS ở cả Iraq lẫn Syria hôm 6/12.
Cuộc tấn công ISIS bằng vũ khí Trung Quốc là bước tiến quan trọng để Trung Quốc trở thành một nước xuất khẩu vũ khí và các thiết bị quân sự sang Trung Đông, các chuyên gia cho biết.
Richard A. Bitzinger, một nhà nghiên cứu cao cấp từ Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam, Singapore cho hay, ông ước tính lực lượng vũ trang Iraq đã phải mua ít nhất 12 chiếc Caihong-4.
Tờ Telegraph của Anh ngày 17/12 tỏ ra đầy lo lắng: Trung Quốc đang tiến vào Trung Đông, tại sao không có ai lo lắng? Telegraph cho rằng, việc người Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên của họ ở nước ngoài tại Djibouti – một trong những tiền đồn quan trọng nhất của Lầu Năm Góc là sự kiện đáng để phương Tây lưu ý.
Sự cân bằng chiến lược ở Trung Đông đã có biến động đáng kể sau khi Nga không kích tại Syria. Khu vực này có thể sẽ phải hứng chịu thêm bất ổn sau khi Trung Quốc thiết lập tiền đồn quân sự tại ngã 3 chiến lược phức tạp nhất trên thế giới, giữa vịnh Aden và Biển Đỏ.
Một trong những lý do khiến Trung Quốc có thể đặt căn cứ quân sự đầu tiên sát nách Trại Lemmonier nơi 4500 nhân viên quân sự Mỹ đồn trú tại căn cứ duy nhất ở châu Phi này là bởi toan tính thất thường của Tổng thống Ismail Omar Guelleh.
Trong nhiều năm sau khi lêm cầm quyền vào năm 1999, Guelleh đã có mối quan hệ chặt chẽ với Washington và nhận được hàng triệu USD viện trợ mỗi năm.
Nhưng quan hệ trở nên căng thẳng sau khi Guelleh bị Hoa Kỳ chỉ trích dữ dội về nhân quyền và quyết tâm tìm kiếm thêm nhiệm kỳ Tổng thống thứ 4 trong cuộc bầu cử năm tới, một hành vi các đối thủ xem là vi hiến. Đúng lúc này Trung Quốc xuất hiện và chìa tay về phía Guelleh.