Saturday, December 28, 2024
Trang chủNhìn ra thế giới2015 - 55 nhà báo thiệt mạng

2015 – 55 nhà báo thiệt mạng

2015 tiếp tục là một năm “đại hạn” với các nhà báo trên thế giới. “Mở đầu” là vụ tấn công khủng bố vào tòa soạn báo Charlie Hebdo (Pháp) hồi đầu năm, tiếp sau là hàng loạt vụ tấn công tại nhiều “điểm nóng” khác, từ Mexico, Brazil đến Syria. Nghề báo tiếp tục bị đánh giá là “nghề nguy hiểm nhất”.

55 nhà báo thiệt mạng trong năm 2015

Theo tờ Guardian (Anh), trong năm 2015, có tổng số 55 nhà báo đã thiệt mạng trên thế giới. Số nhà báo thiệt mạng trong thập kỷ qua đã lên đến con số 597 người. Nếu nhìn vào số liệu thống kê năm 2015, có thể thấy rằng, so với năm 2013 và 2014, số nhà báo thiệt mạng đã giảm (giảm 6 người so với năm 2013, giảm 17 người so với năm 2014).

Tuy nhiên, số liệu này mới chỉ thống kê các trường hợp nhà báo thiệt mạng đã xác định được động cơ rõ ràng. 18 trường hợp nhà báo thiệt mạng khác, nhưng các cơ quan chức năng chưa xác định được động cơ giết người của tội phạm chưa được thống kê. Trong khi đó, số liệu của Tổ chức Nhà báo không biên giới cho rằng, số nhà báo bị sát hại trong năm 2015 là 65 người. Viện Nghiên cứu báo chí thì đưa ra con số 83 người.

Một vấn đề đáng lo ngại là, trong số các nhà báo thiệt mạng trong năm 2015 thì số người bị tấn công, sát hại tăng so với những năm trước. Trong số 55 nhà báo thiệt mạng, có 40 người bị sát hại, trong khi đó, con số này năm 2014 là 27 người, năm 2013 là 32 người và năm 2012 là 35 người. Điều này cho thấy, các nhà báo đang trở thành mục tiêu tấn công của các băng nhóm tội phạm.

Trong số 15 nhà báo thiệt mạng còn lại, 14 người chết vì đạn pháo khi tác nghiệp ở Syria, một nhà báo thiệt mạng ở Yemen. Gần một năm đã trôi qua nhưng vụ sát hại các nhà báo tại tòa soạn báo châm biếm Charlie Hebdo (Paris, Pháp) vẫn gây nên làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng. Ngoài Pháp, Brazil, Nam Sudan và Bangladesh, Mexico cũng là những quốc gia có nhiều nhà báo bị sát hại.

Thiếu những cuộc điều tra chính thức

Washiqur Rahman Babu, một nhà báo Bangladesh được coi là nhà tư tưởng tiến bộ. Ông đã xây dựng một blog với những bài viết xoay quanh vấn đề “niềm tin tôn giáo bất hợp lý, mê tín dị đoan và Hồi giáo cực đoan”. Ông đã bị ba người đàn ông tấn công bằng dao cho đến chết. Ở Brazil, các nhà báo bị sát hại phần lớn có bài viết tố cáo hành vi tham nhũng liên quan đến các chính trị gia và sĩ quan cảnh sát.

Một số vụ sát hại được cho là “cực kỳ rùng rợn”. Phóng viên Djalma Santos da Conceião đã bị các băng nhóm tội phạm bắt cóc và tra tấn khủng khiếp. Ông bị khoét mắt phải và cắt lưỡi. Blogger Evany José Metzler đã bị chặt đầu. Ở Mexico, rất nhiều nhà báo nhận được mối đe dọa tấn công bạo lực và sát hại. Bất chấp sự đe dọa của các băng nhóm tội phạm, các nhà báo vẫn không chịu lùi bước.

tiep tuc mot nam dai han cua cac nha bao
Vụ IS sát hại nhà báo Nhật Bản Kenji Goto gây nên những làn sóng phẫn nộ trên thế giới

Trong năm 2015, 10 nhà báo đã bị giết khi cố gắng tác nghiệp ở chiến trường Syria. Một trong số đó là Zakaria Ibrahim, một nhà quay phim làm việc cho hãng thông tấn Al-Jazeera đã bị bắn vào ngày 1-12 ở Homs. Zakaria Ibrahim là người thứ hai của Al-Jazeera bị giết chết ở Syria trong năm nay. Nhà báo người Nhật Kenji Goto, đã bị các chiến binh Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chặt đầu cùng với 9 nạn nhân khác ở Syria.

Theo nhận định của tờ Guardian thì xu hướng rất đáng quan tâm là thiếu những cuộc điều tra chính thức để tìm ra thủ phạm. Nhiều trường hợp không bao giờ được điều tra. Thực tế cho thấy, nhiều kẻ giết hại các nhà báo đã không bị truy tố trước pháp luật. Ngay cả những đối tượng bị bắt cũng thường không bị trừng phạt thích đáng.

Elisabeth Witchel, một chuyên gia nghiên cứu về vấn đề bạo lực với các nhà báo của Viện Nghiên cứu an toàn thông tin quốc tế có trụ sở tại Anh (INSI) nói rằng: “Những vụ tấn công nhà báo gia tăng trong khi thiếu những cuộc điều tra chính thức và tội phạm không bị trừng phạt ở nhiều nơi trên thế giới.

Đây là trở ngại lớn trong cuộc chiến chống lại các cuộc tấn công nhằm vào nhà báo”. Barbara Trionfi, Giám đốc điều hành của Viện Báo chí quốc tế nhận định: “Ở nhiều nơi trên thế giới, việc sát hại các nhà báo được coi là cách làm dễ dàng nhất để bịt miệng cộng đồng. Mối lo ngại đó đã khiến một số nhà báo và các phương tiện truyền thông “ngại” xuất hiện tại các điểm nóng, đặc biệt là ở khu vực Trung Đông”.

RELATED ARTICLES

Tin mới