Monday, November 18, 2024
Trang chủGóc khuất Trung Hoa"Quốc sư" ngành chính pháp TQ tay không ôm tiền tỉ

“Quốc sư” ngành chính pháp TQ tay không ôm tiền tỉ

Theo Tân Kinh báo (Trung Quốc), Tào Vĩnh Chính hiện đã bị nhà chức trách nước này bắt giữ và tiến hành thủ tục tư pháp trong 1 vụ án riêng biệt.

Cựu Bí thư Ủy ban chính pháp trung ương Trung Quốc, cựu Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc đã “ngã ngựa” Chu Vĩnh Khang.

Tào Vĩnh Chính, 57 tuổi, là người nắm quyền kiểm soát công ty Niandai, Trung Quốc, đồng thời là bạn thân của cựu Bí thư Ủy ban chính pháp trung ương Trung Quốc, cựu Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc đã “ngã ngựa” Chu Vĩnh Khang.

“Quốc sư” lừng danh trong “thế lực đen”

Tào Vĩnh Chính có “quan hệ sâu đậm” với nhiều quan chức cấp cao trong ngành chính pháp và dầu khí Trung Quốc. Trong nhóm quyền lực thời hoàng kim của Chu Vĩnh Khang mà Tào ra sức duy trì và bảo vệ, ông ta được gọi là “Quốc sư”.

Mối quan hệ chênh lệch lớn về địa vị giữa Tào với Chu cũng không thể xác định được là bắt đầu từ khi nào.

Chỉ biết rằng, “trùm an ninh” Trung Quốc một thời đi đâu cũng tuyên bố Tào Vĩnh Chính là bạn thân, trong khi Tào khoe khoang với các đối tác rằng Chu Vĩnh Khang từng vỗ vai ông ta giới thiệu rằng: “Đây là người tôi tin tưởng nhất”.


Sau phiên tòa xét xử Chu Vĩnh Khang hôm 11/6, truyền thông mới lần đầu tiên biết đến cái tên quốc sư Tào Vĩnh chính.

Sau phiên tòa xét xử Chu Vĩnh Khang hôm 11/6, truyền thông mới lần đầu tiên biết đến cái tên “quốc sư” Tào Vĩnh chính.

Tư liệu công khai cho biết, Tào Vĩnh Chính sinh năm 1959 tại Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, về sau theo cha tới Tân Cương. Cuộc sống gia đình 9 người của Tào vô cùng khó khăn.

Năm 1982, Tào tốt nghiệp ngành chính trị Đại học Tân Cương, sau đó từng làm giảng viên trường đảng Trung Quốc, biên tập viên của nhà xuất bản, cho đến khi ông ta bất ngờ nổi danh nhờ… “sức mạnh đặc biệt” và trở thành Phó giám đốc Sở nghiên cứu y học siêu việt Tân Cương.

Thời trẻ, Tào được gọi là một trong “tam đại tiên Tân Cương” với khả năng cảm nhận quá khứ, tương lai của người khác thông qua một bức ảnh.

Ông này thậm chí còn dự đoán thành công kết quả… chạy đua đăng cai Olympic của Trung Quốc năm 1993, khiến giới chuyên gia nước này phải “ngả mũ bái phục”.

Cuối thập niên 1990 của thế kỷ trước, sau khi “cơn sốt khí công” qua đi, Tào Vĩnh Chính bắt đầu chuyển sang phát triển quan hệ với giới nghệ sĩ, quan chức, doanh nhân Trung Quốc và dần xây dựng nên mạng lưới dính líu với Chu Vĩnh Khang.

Khu nhà số 60 ngõ Tiền Mã Xưởng ở thủ đô Bắc Kinh chính là “đại bản doanh”, nơi Tào quản lý “đế chế chính trị-thương mại” của mình. Ông ta mua lại toàn bộ nơi này vào năm 2005 với giá hơn 100 triệu NDT, sử dụng làm trụ sở công ty Beijing Niandai.

Khu nhà này nằm ở một khu vực kín đáo đằng sau Hậu Hải, một khu vực sầm uất ở Bắc Kinh. Bề ngoài nhìn vào gồm 2 tòa nhà 4 tầng kiểu Trung Quốc cũ, nhưng bên trong được Tào cho trang trí lộng lẫy theo bằng các bức điêu khắc và đèn kiểu Âu xa xỉ.

Ở sân trước là một cây hòe trăm năm tuổi mà Tào Vĩnh Chính gọi là “cây rung tiền”, bởi ông ta tin rằng cây đem lại vận may cho mình.


Khu nhà số 60 ngõ Tiền Mã Xưởng, Bắc Kinh với cây hòe trăm tuổi trước sân mà Tào Vĩnh Chính gọi là cây rung tiền. (Ảnh: Weibo)

Khu nhà số 60 ngõ Tiền Mã Xưởng, Bắc Kinh với cây hòe trăm tuổi trước sân mà Tào Vĩnh Chính gọi là “cây rung tiền”. (Ảnh: Weibo)

Công ty “rỗng ruột” vẫn kiếm tiền tỉ từ dầu mỏ

Tân Kinh cho hay, nửa đầu năm 2005, Tào nhờ sự giúp đỡ của Chu để “nhúng chân” vào chiếc bánh khai thác dầu mỏ ở Trung Quốc.

Chu đã thu xếp để Tào kết thân với Phó tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Trung Quốc (CNPC) khi đó là Tưởng Khiết Mẫn, đồng thời nhiều lần được Tào nhờ vả “quan tâm”, gây ảnh hưởng với Tưởng.

Tưởng là “cánh tay phải” của Chu Vĩnh Khang, hiện cũng đã bị tòa án thành phố Hán Giang, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc tuyên 16 năm tù vì tội nhận hối lộ, có khối tài sản lớn với nguồn gốc bất minh, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính.

Tưởng Khiết Mẫn sau đó đã chỉ đạo cấp dưới phê duyệt trái phép các dự án “hợp tác” với Tào Vĩnh Chính tại mỏ dầu Cát Lâm, Trường Khánh… giúp Tào thu được lợi nhuận khổng lồ dù chỉ nắm trong tay một công ty “rỗng ruột”.

Giếng dầu nằm ở huyện Càn An, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc có diện tích 77 km vuông, với trữ lượng dầu thăm dò đạt 16.23 triệu tấn.

Được Tào Vĩnh Chính thành lập chỉ để “đón” dự án khai thác 2 mỏ dầu mà Tưởng Khiết Mẫn giao cho, công ty năng lượng Niandai Hồng Kông không có vốn, kỹ sư hay bất kỳ hoạt động kinh doanh nào trước đó.

Số liệu tài chính liên quan cho thấy, tính đến tháng 6/2013, công ty của Tào Vĩnh Chính đã đầu tư hơn 100 triệu NDT vào dự án này, thu về tiền bán dầu thô hơn 358 triệu NDT. Trong đó, Tào trục lợi phi pháp hơn 240 triệu NDT.


Tưởng Khiết Mẫn, cánh tay phải trong ngành dầu khí của Chu Vĩnh Khang, đã tiếp tay nhiều lần cho Tào Vĩnh Chính. Ảnh: SCMP

Tưởng Khiết Mẫn, “cánh tay phải” trong ngành dầu khí của Chu Vĩnh Khang, đã tiếp tay nhiều lần cho Tào Vĩnh Chính. Ảnh: SCMP

Trong khi đó, từ tháng 2/2007-6/2013, công ty Niandai Tân Cương, cũng được Tào lập ra để “làm” dự án mỏ dầu Trường Khánh, đã được mỏ dầu này chi trả lợi nhuận là 2.2 tỉ NDT, trong đó công ty của Tào nhận được thực tế 630 triệu NDT.

Kể từ tháng 6/2013, chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “đánh” mạnh vào các tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc.

Tưởng Khiết Mẫn, khi đó là Chủ nhiệm Ủy ban giám sát – quản lý tài sản Nhà nước, bị “ngã ngựa” tháng 9 cùng năm, trong khi những cấp dưới từng được ông ta chỉ đạo “phối hợp, ăn chia” cùng Tào Vĩnh Chính cũng lần lượt bị xử lý. 

Mọi đầu mối đều dẫn về Chu Vĩnh Khang.

Khu nhà số 60 ngõ Tiền Mã Xưởng cũng bị Bắc Kinh niêm phong để điều tra tháng 7/2013. Khoản tiền Tào Vĩnh Chính thu lợi phi pháp được xác định tạm thời là khoảng 870 triệu NDT (hơn 3.000 tỉ VNĐ).

RELATED ARTICLES

Tin mới