Monday, December 23, 2024
Trang chủThâm cung bí sửCung điện hoan lạc xa hoa của Mao Trạch Đông tại Thượng...

Cung điện hoan lạc xa hoa của Mao Trạch Đông tại Thượng Hải

Có thể xếp ông Mao Trạch Đông trong danh sách những kẻ tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại. Trong hai mươi tám năm ông ta thống trị Trung Quốc đã có tám mươi triệu người mất mạng oan vì hệ thống chính trị do Mao dựng lên, sức sống của đất nước rơi vào thảm cảnh hoàn toàn kiệt quệ.

Trong lịch sử Trung Quốc ghi dấu ấn nhiều bạo quân, tiêu biểu là Ân Trụ Vương (1105 – 1046 TrCN), nhưng người này cũng không thể so sánh được với ông Mao Trạch Đông. Điều kinh khủng là độ tàn bạo của Mao không thể hiện ra ngoài, trong khi đa số bạo quân dùng dao giết người thì Mao chỉ cần dùng miệng. Khi nói Mao thường cười tủm, phong thái ung dung và giọng điệu êm ái nhưng toàn ngôn từ chính trị vô cùng độc địa, bất cứ ai cũng có thể bị chụp mũ biến thành phần tử đối lập hoặc phạm phải tội lỗi tày trời, bất ngờ bị biến thành đối tượng toàn dân phải giết.

Nhiều người dù chết vẫn tiếp tục còn là kẻ thù của nhân dân, nếu chết không hết tội thì còn bị roi vọt thi thể, liên lụy đến cả dòng họ. Mao chỉ thích làm cho nhân dân tàn sát lẫn nhau để mình ung dung ngồi thưởng thức màn kịch giết người. Có thể nói, vô số sinh mạng bị vùi dập trong những màn kịch dã man do Mao dựng lên.

Độ dã man của Mao không biết phải dùng từ gì để diễn tả được, những thảm cảnh mà Mao gây ra cho người dân vô tội không thể kể xiết, thế nhưng Mao lại được cỗ máy tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xem là “Mặt Trời phương Đông”, “vị cứu tinh của nhân dân”… Nhiều người ngây thơ đã xem Mao như thần thánh, tung hô “vạn tuế”. Loại tuyên truyền lừa dối này đã làm ảnh hưởng đến bao nhiêu thế hệ, đầu độc cho đến tận ngày nay. Cho dù sau này vị trí thần thánh của Mao không còn, nhưng ĐCSTQ vẫn luôn xem Mao như vị tổ sư của mình và tìm mọi cách che giấu những tội lỗi tày trời của ông ta.

Nhưng có một người từng âm thầm ở bên cạnh làm bạn với Mao suốt 22 năm cho đến tận khi Mao đi xuống nấm mồ đã kể lại toàn bộ sự thật về Mao. Người đó chính là ông Lý Chí Tuy (李志绥) với cuốn «Hồi ức bác sĩ riêng của Mao Trạch Đông» được viết sau khi ông thoát khỏi cái lồng xã hội u tối dưới sự cai trị của ĐCSTQ.

Cuốn sách này là một bằng chứng quan trọng của lịch sử, bác sĩ Lý Chí Tuy đã ghi lại tất cả những gì ông trông thấy, vẽ thành bức tranh sinh động về Mao Trạch Đông trưng bày trước thế nhân. Chiếc mặt nạ của Mao đã bị lột ra, vầng hào quang giả tạo chiếu quanh Mao đã tắt lịm, hình tượng của Mao hiện nguyên hình là một bạo chúa lưu manh cực độ. Trong cái cung sâu thăm thẳm và bị bao phủ quầng sáng làm chói mắt, mọi người khó mà hình dung được cuộc sống thực sự của ông ta.

Cho dù hình ảnh về Mao như bạo quân một thời đại đã đóng đinh trên cây cột ô nhục của dòng lịch sử, nhưng với những ai chưa tìm hiểu về đời sống sinh động thực sự của Mao thì tất cả vẫn chỉ hiện ra như một khái niệm mơ hồ. Bác sĩ riêng của Mao Trạch Đông là ông Lý Chí Tuy đã lấp vào khoảng trống này. Có lẽ trời xanh đã an bài cho ông Lý Chí Tuy hoàn thành sứ mệnh lịch sử để xóa tan sự hoang tưởng của nhiều người do bị ĐCSTQ tuyên truyền dối trá.

Nghe nói nhiều quan chức cao cấp của ĐCSTQ sau khi đọc cuốn sách này đã lảo đảo đấm ngực dậm chân như có tang cha mẹ chết, như mộ tổ bị người ta đào lên. Họ hiểu cuốn sách cũng chính là bản án kết liễu hình ảnh của ĐCSTQ, vì thế họ hận ông Lý Chí Tuy thấu xương, chửi ông là tên phản bội. Họ tập hợp những người làm việc thân cận với Mao để cùng viết phản bác lại, tố cáo ông Lý Chí Tuy bịa đặt vu khống, sau đó còn tụ tập đám văn nô chuyên viết ca công lập đức cho Mao Trạch Đông ra trận, tô vẽ thêm những tác phẩm ngợi ca để tẩy trắng cho Mao, tiêu biểu như «Hồng tường nội ngoại», «Mao Trạch Đông trong cuộc sống»…

Kỳ thực mọi việc làm của họ đều trở nên tầm thường vô ích. Chính vì thế cuối cùng ĐCSTQ đã phải dùng thủ đoạn lưu manh là cử đặc vụ ám sát ông Lý Chí Tuy để nhằm diệt khẩu. Qua vô số hành vi quá khích của họ đã minh chứng ĐCSTQ hận và sợ hãi ông Lý Chí Tuy đến nhường nào. Tác phẩm của ông Lý Chí Tuy là đòn hiểm đánh trúng vào chỗ đau của ĐCSTQ.

Trong sách, ông Lý Chí Tuy cũng nhắc đến một số địa điểm hưởng lạc của ông Mao Trạch Đông, như Lưu Trang ở Tây Hồ, Trích Thủy Động ở Thiệu Sơn, nhà khách Đông Hồ ở Vũ Hán, nhà khách Tây Giao ở Thượng Hải… Theo sách thì Mao Trạch Đông có mười lăm điểm hành lạc. Ở đây chỉ giới thiệu qua về nhà khách Tây Giao ở Thượng Hải.

Nhà khách Tây Giao ở Thượng Hải

Nhà khách Tây Giao nằm trong khu rừng cây kín đáo phía tây Thượng Hải, được xây dựng khoảng cuối thập niên 50, đầu 60. Diện tích khu rừng rậm này khá lớn, có đến hàng chục ngàn mẫu, là khu vực hiếm có ở vùng bình nguyên Giang Nam, được mệnh danh là lá phổi của Thượng Hải vì giúp điều hòa khí hậu và làm sạch không khí cho Thượng Hải. Trước đây mỗi lần Mao đến Thượng Hải đều trú tại nhà khách Cáp Đồng (哈同). Vì nơi này ở khu vực ồn ào, hơn nữa đội ngũ nhân viên lại phức tạp nên Mao thấy bất tiện, những thông tin Mao tiếp đãi bạn gái dễ dàng bị truyền ra ngoài làm Mao cảm thấy không vui. Thế rồi đến một lần Mao quyết định ở lại trên xe riêng chứ không chịu xuống làm cho vị Bí thư Thượng Hải là ông Kha Khánh Thi (Ke Qingshi – 柯庆施) cảm thấy bất an.

Kha vốn là tâm phúc của Mao, là người rất có vị thế trong Đảng. Ông Kha quyết định xây dựng riêng cho Mao một hành cung riêng. Kha nói: “Mao Chủ tịch là vị thủ lĩnh vĩ đại của chúng ta. Ông hay đến Thượng Hải thị sát công việc là thể hiện sự quan tâm với chúng ta, trân trọng chúng ta, cũng là niềm kiêu hãnh của toàn dân Thượng Hải. Thế nhưng chúng ta lại chưa có chỗ nghỉ ngơi hợp lý cho ông. Sự tắc trách này là lỗi của chúng ta, có lỗi với ông là chúng ta có lỗi với nhân dân cả nước, vì thế chúng ta phải mau giải quyết vấn đề này.”

Đề nghị của Kha lập tức được Mao đồng ý và được Trung ương phê chuẩn, vậy là hành cung xây dựng cho Mao trở thành công trình trọng điểm của Thượng Hải, vì là nhiệm vụ chính trị tối mật nên cũng nhanh chóng hoàn thành sau quá trình ngày đêm thi công. Khi đó Trung Quốc đang ở thời kỳ nạn đói bao vây khắp nơi, cuộc sống nhân dân vô cùng thê thảm…

Hành cung của Mao ở bên ngoài không thể nhìn thấy được, vì toàn nhà trệt và ẩn trong khu rừng cây dày đặc. Toàn khu nhà được bố trí khoa học, không gian khoáng đãng, phong thái trang trọng, vật liệu chủ yếu do Hồng Kông cung cấp. Toàn bộ tường của khu nhà là tường cách âm; cửa kính dùng kính chống đạn; chỉ có bên trong nhìn ra được bên ngoài.

Trong nhà có hồ bơi, phòng mát xa và chiếu phim riêng cho Mao Trạch Đông. Khu ngoài là thảm cỏ lớn và hồ nước, vì Mao không thích lâm viên kiểu Trung Quốc nên ngoại cảnh trang trí theo kiểu cách Tây phương, phối toàn cảnh là sự kết hợp kiểu cách cả Đông lẫn Tây. Hành cung được bảo vệ nghiêm mật, là khu vực cấm, người ngoài không được đi vào. Vòng canh gác ngoài cùng nằm ở ngoài khu rừng cây, các giao lộ trong khu vực đều có trạm gác có kéo dây thép gai, cứ cách một đoạn đường là có một trạm gác; những trạm gác phía trong rừng cây có hàng rào điện; hành cung của Mao ở trung tâm, xung quanh được canh phòng nghiêm mật.

Thông vào trong hành cung chỉ có con đường độc nhất và được làm quanh co xuyên dần vào trong, giữa đường có nhiều trạm kiểm soát. Tính tổng số cảnh vệ của toàn khu vực có khoảng từ sáu đến bảy trăm người. Sau khi hành cung xây dựng xong không lâu thì Mao Trạch Đông đến Thượng Hải, vào khoảng năm 1961. Bí thư Kha Khánh Thi thận trọng hầu Mao đi tham quan khu hành cung, hy vọng được Mao khen tặng. Nhưng không ngờ Mao chỉ lạnh lùng nói: “Trồng cỏ thế này để làm gì?….”

Câu nói của Mao làm Kha vô cùng căng thẳng. Ông ta lập tức cho gọi chuyên gia phụ trách quy hoạch khu lâm viên để bàn bạc tìm cách làm yên lòng Mao. Ban đầu họ tính trồng cây lương thực, nhưng nghĩ lại thấy mất nhiều thời gian, vì phải gieo hạt, hiệu quả quá chậm, thế rồi họ quyết định trồng rau thay chỗ cho bãi cỏ. Tuy nhiên để không làm phiền đến Mao, mọi người không được làm ban ngày mà phải làm ban đêm. Điều lệ quy định không được ai làm ồn ào để ảnh hưởng đến giấc ngủ của Mao, ai vi phạm sẽ bị trừng trị nghiêm khắc.

Vậy là ban đêm ông Bí thư đích thân canh chừng công việc, mọi người thấy biểu hiện căng thẳng như vậy thì không ai dám chểnh mảng. Sau cả đêm bận rộn, cuối cùng cũng hoàn thành xong cái vườn rau thay cho bãi cỏ, ông Bí thư làm xong việc thì mệt mỏi rã rời. Khi Mặt Trời lên cao tới đỉnh đầu Mao mới tỉnh dậy. Vừa nhìn ra ngoài, Mao giật mình khi thấy thảm cỏ bị biến đâu mất, thay vào là một vườn rau. Mao chợt hiểu liền nhìn Kha tươi cười rồi gật đầu khen ngợi.

Câu chuyện này phản ánh sâu sắc sự hống hách bá đạo của Mao và tính tôn ti trong nội bộ ĐCSTQ. Kha là Ủy viên Bộ Chính trị, vừa là nguyên lão trong Đảng, cũng là chư hầu một phương, oai phong khắp một vùng trời, ấy vậy mà trước mặt Mao lại biến thành tên nô tài hèn mọn kính cẩn như thế!

Hành cung này là nơi Mao thường đến ở, Giang Thanh cũng từng đến ở. Nơi đây thậm chí ngay cả ông Chu Ân Lai cũng không được phép đến. Cứ cách vài năm thì Mao đến ở một lần, mỗi lần như vậy khoảng hai tháng, vậy mà phải mất hàng trăm người canh phòng quanh năm, có thể thấy kinh phí cho nó tốn kém lãng phí như thế nào. Sau khi Mao chết, nơi này dường như bị bỏ không, chỉ có ông Trần Vân và ông Lý Tiên Niệm từng đến ở vài ngày. Vào thập niên 80 thế kỷ XX, một lần ông Đặng Tiểu Bình đến Thượng Hải đã ghé thăm nhà khách Tây Giao. Sau khi biết tình hình, ông Đặng Tiểu Bình cảm thấy quá lãng phí, liền ra lệnh cho phép nơi này được đón khách quý bên ngoài, bấy giờ nhà khách này mới được sử dụng trở lại. Sau đó nhà khách được xây dựng mở rộng thêm, tiếng tăm ngày càng lan xa.

Trong hai mươi tám năm Mao cai trị Trung Quốc, rất ít khi ông ta sống ở Bắc Kinh mà chủ yếu trú tại nhiều hành cung khác nhau trên khắp cả nước, cuộc sống hoan lạc không thua gì vua chúa. Trong cảnh lạc thú cõi trần như thế, Mao làm sao biết đời sống khổ cực của nhân dân thế nào. Những việc quốc sự phiền toái Mao càng không muốn để ý. Thứ duy nhất Mao quan tâm là giữ vững địa vị của mình, vì thế những toan tính của Mao chỉ là làm thế nào thanh lý những đối tượng khả nghi, làm sao để mọi người quỳ gối dưới quyền lực của ông ta. Đây mới là bức tranh chân thực về ông Mao Trạch Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới