Thursday, January 9, 2025
Trang chủBiển nóngBất ngờ sự cứng rắn của Anh ở Biển Đông

Bất ngờ sự cứng rắn của Anh ở Biển Đông

Ngoại trưởng Anh Philip Hammond hôm 7/1 đã phát biểu trong một chuyến thăm đến Philippines rằng, bất kỳ nỗ lực nào nhằm tìm cách giới hạn sự tự do đi lại trên biển và bay trên bầu trời ở Biển Đông đều sẽ được xem là một “hành động nguy hiểm”.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines và người đồng cấp Anh

Trung Quốc gần đây đã cho hạ cánh 3 chiếc máy bay xuống sân bay mà nước này xây dựng trái phép trên đảo Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Những động thái trên đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ các nước trong khu vực và nhiều nước bên ngoài. Hành động của Trung Quốc cũng làm dấy lên sự quan ngại về viễn cảnh Trung Quốc áp đặt quyền kiểm soát quân sự ở Biển Đông.

Phát biểu tại một cuộc họp báo chung với  người đồng cấp Philippines Albert del Rosario ở thủ đô Manila, Ngoại trưởng Anh Hammond tuyên bố, “sự tự do hàng hải và tự do bay trên bầu trời ở Biển Đông là điều không thể tranh cãi. Đó là những lá cờ đỏ”.

Tuy nhiên, nhà ngoại giao hàng đầu nước Anh không cho biết cụ thể nước này sẽ hành động như thế nào nếu “những lá cờ đỏ” nói trên được dựng lên.

Ông Hammond đến thăm thủ đô Manila sau chuyến thăm Trung Quốc.

Ngoại trưởng Rosario đã nói với người đồng cấp Anh rằng, ông lo ngại, với những chuyến bay thử nghiệm trên sân bay được xây dựng trái phép ở Biển Đông, Trung Quốc đang đặt nền móng cho việc tuyên bố một vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông giống như nước này đã từng làm ở biển Hoa Đông cách đây vài năm.

“Nếu không bị thách thức, Trung Quốc sẽ nghĩ rằng họ có thể áp đặt một vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông. Dù việc này được làm trên cơ sở chính thức hay chỉ là trên thực tế thì đây đều là hành động mà chúng ta không thể chấp nhận”, ông Del Rosario đã nói như vậy.

Ngoại trưởng Hammond khẳng định Anh sẽ không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông nhưng kêu gọi các bên có tranh chấp hãy giải quyết bất đồng theo luật pháp quốc tế. “Chúng tôi công nhận toà án quốc tế và chúng tôi sẽ công nhận quyết định của toà án”, ông Hammond nhấn mạnh.

Như vậy, Anh đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ cho sự tự do hàng hải và tự do bay ở Biển Đông, phản đối việc thiết lập vùng nhận diện phòng không. Anh đồng thời cũng ủng hộ tiến trình giải quyết cuộc tranh chấp ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines thông qua toà án quốc tế.

Những phát biểu trên của ông Hammond chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc tức giận và khó chịu.

Mỹ tiếp tục lên tiếng phản đối Trung Quốc

Ngày hôm qua, Lầu Năm Góc tiếp tục cảnh báo việc Trung Quốc gần đây liên tiếp cho hạ cánh máy bay xuống một sân bay được xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động gây căng thẳng và bất ổn trong khu vực.

“Chúng tôi thực sự lo ngại trước những chuyến bay đó… và chúng tôi rất quan ngại trước tất cả những hoạt động mà Trung Quốc đang thực hiện ở các khu vực tranh chấp thuộc Biển Đông”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Peter Cook cho các phóng viên biết.

Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan.

Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Trung Quốc gần đây đã và đang đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo và các công trình trái phép trên Biển Đông. Hoạt động bồi đắp làm thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông của Trung Quốc hiện nay đang gây ra sự lo ngại, bất bình rất lớn trong khu vực nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung. Trong thời gian qua, Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối, đối phó và đáp trả một cách quyết liệt và mạnh mẽ chưa từng có của các nước láng giềng cũng như của các cường quốc lớn trên thế giới.

Điều gây quan ngại hơn nữa là những công trình mà Trung Quốc đang cấp tập xây dựng trái phép ở Biển Đông có khả năng được dùng cho mục đích quân sự. Động thái của Trung Quốc được tin là một bước tiến dài táo tợn để nước này thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới