Saturday, July 27, 2024
Trang chủBiển nóngTQ uy hiếp an toàn bay:Việt Nam cần cứng rắn hơn

TQ uy hiếp an toàn bay:Việt Nam cần cứng rắn hơn

Không dừng ở những tuyên bố phản đối, Việt Nam cần sẵn sàng những phương án nghiêm khắc để khẳng định chủ quyền.

Ngang ngược, nguy hiểm

Liên quan đến việc các tàu bay Trung Quốc bay cắt ngang các đường hàng không trong vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR Hồ Chí Minh) mà không liên lạc với cơ quan không lưu phụ trách, trao đổi với Đất Việt ngày 11/1, ĐBQH Nguyễn Anh Sơn, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khẳng định đây là hành động rất ngang ngược của Trung Quốc.

“Chúng ta đã lường trước việc này. Trong các phát biểu trước đây ở Quốc hội và báo chí, tôi đã nói rằng: Sau khi Trung Quốc hoàn thành việc xây dựng, bồi lấp các đảo nhân tạo trái phép ở Trường Sa của Việt Nam, chắc chắn họ sẽ tiếp tục tiến hành những hoạt động nằm trong kế hoạch lâu dài, bài bản và có chuẩn bị từ trước.

Việc Trung Quốc cho máy bay bay vào FIR Hồ Chí Minh mà không có bất kỳ thông báo nào với cơ quan không lưu phụ trách theo đúng quy định của quốc tế chứng tỏ họ rất ngang ngược.

Tôi cũng đã dự đoán rằng, sau khi Trung Quốc hoàn thành việc xây dựng các đảo, các đường băng mà tất cả các loại máy bay dân sự và quân sự đều có thể hạ/cất cánh được, một ngày nào đó Trung Quốc sẽ thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, lập ra những quy định về vùng cấm bay, những quy định về việc không cho phép tàu thuyền của các nước giao thương, đi lại. Đây là hành động rất nguy hiểm, đe dọa trực tiếp không chỉ đến an toàn hàng hải trên Biển Đông mà còn đe dọa tự do, quyền của tất cả các quốc gia trên thế giới trong việc lưu hành tàu, thuyền, máy bay trên các vùng biển, vùng trời”.

Bởi vậy, ông Nguyễn Anh Sơn cho rằng, Việt Nam cần bày tỏ quan điểm phản đối mạnh mẽ những việc làm ngang ngược của Trung Quốc bất chấp quy định của luật pháp quốc tế, quy định về hàng không, hàng hải.

Phải cứng rắn hơn

Đáp lại hành động ngang ngược của Trung Quốc, ngày 8/1, Cục Hàng không Việt Nam cũng gửi thư đến Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC), nhắc lại Công hàm chính thức của Bộ Ngoại giao nước ta phản đối Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, đồng thời phản đối mạnh mẽ hoạt động bay của các tàu bay Trung Quốc đe dọa đến an ninh, an toàn; Tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không có thêm các hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam và không lặp lại hành động tương tự, tôn trọng các quy định liên quan của luật pháp quốc tế.

Cùng với thư thông báo gửi đến ICAO, Cục Hàng không Việt Nam đã gửi thư thông báo đến nhà chức trách hàng không của các quốc gia thành viên ICAO, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), Liên đoàn quốc tế các hiệp hội người lái tàu bay (IFALPA), Tổ chức các Nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay quốc tế (CANSO), Liên đoàn quốc tế các hiệp hội kiểm soát viên không lưu (IFATCA), Hiệp hội các nhà khai thác hàng không tại Việt Nam (AOC), hơn 100 hãng hàng không quốc tế có các chuyến bay thường lệ trong FIR Hồ Chí Minh, đề nghị phối hợp phản đối hoạt động bay của tàu bay Trung Quốc đã uy hiếp an toàn hàng không.

Cũng liên quan đến hoạt động bay của các tàu bay Trung Quốc bay qua vùng FIR Hồ Chí Minh do Việt Nam quản lý đáp xuống đá Chữ Thập (Trường Sa) ngoài Biển Đông, ngày 7/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành động này và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động tương tự, không có thêm những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, tôn trọng các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, không có những hành động làm mở rộng và phức tạp hơn tranh chấp.

Ngoài ra, theo ĐBQH Nguyễn Anh Sơn, một trong những biện pháp Việt Nam cần sớm thực hiện và thực hiện một cách mạnh mẽ là đưa vấn đề trên ra công luận quốc tế để phản đối việc làm phi pháp của Trung Quốc.

“Việt Nam phải đưa ra những cảnh báo cần thiết trên cơ sở bám sát luật pháp quốc tế để bảo vệ quyền, chủ quyền Việt Nam tại vùng biển, vùng trời thuộc lãnh thổ thiêng liêng của mình. Một khi những quy định của quốc tế còn bị Trung Quốc bỏ qua như vậy, chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc ứng xử như vậy thì không thể chấp nhận được.

RELATED ARTICLES

Tin mới