Wednesday, April 24, 2024
Trang chủThâm cung bí sửNgộ nhận về “chống can thiệp” của Trung Quốc (kỳ 1)

Ngộ nhận về “chống can thiệp” của Trung Quốc (kỳ 1)

Giáo sư M. Taylor Fravel, tác giả của bài viết này, một chuyên gia về Trung Quốc của Đại học M.I.T, Mỹ, người có nghiên cứu nhiều về về sự kiện giàn khoan dầu HD 981 của Trung Quốc, xung đột ngoài biển Đông gần Hoàng Sa và sự gây hấn của Trung Quốc với các nước trong khu vực.

Ngày 25/9: Trung Quốc tập bắn đạn thật gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Trong các phân tích về vấn đề hiện đại hoá quân sự của Trung Quốc, các học giả đã ngày càng đề cập nhiều đến việc Trung Quốc theo đuổi chiến lược “chống can thiệp” ở Đông nam Á. Một chiến lược như vậy nhằm mục đích đẩy lùi Mỹ ra khỏi vùng duyên hải của Trung Quốc, ngăn chặn sớm khả năng can thiệp của Mỹ vào xung đột Đài Loan hay các tranh chấp ở Biển Đông và Hoa Đông. Ngoài ra, chiến lược quân sự này còn phù hợp với mục tiêu lớn của Trung Quốc là đánh bật vai trò truyền thống của Mỹ ở khu vực, bao gồm bảo vệ các quy tắc toàn cầu như tự do hàng hàng trong khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) và các mối quan hệ đồng mình lâu đời.

Việc miêu tả chiến lược quân sự của Trung Quốc là “chống can thiệp” không xuất phát từ những đánh giá của các nhà quan sát bên ngoài mà thay vào đó còn tham khảo cả các bài viết của nhiều nhà hoạch định chiến lược Trung Quốc. Nói một cách đơn giản, theo nhiều nghiên cứu, Trung Quốc đã đặt tên cho chiến lược quân sự của mình là chống can thiệp. Trong báo cáo thường niên 2012 của Lầu Năm Góc về sức mạnh quân sự của Trung Quốc có đoạn nêu, “đối với Trung Quốc, “chống can thiệp” dùng để chỉ một tập hợp các nhiệm vụ hoạt động xác định được thiết lập để ngăn chặn các lực lượng quân sự nước ngoài (ví dụ Mỹ) can thiệp vào một cuộc xung đột… Trung Quốc sử dụng vũ khí chống tiếp cận và chống thâm nhập khu vực (A2/AD) nhằm hỗ trợ cho chiến lược chống can thiệp lớn hơn này – một chiến lược không giới hạn trong một khu vực hay vùng địa lý nhất định nào”. Tương tự, một nhà báo quân sự nổi tiếng đã miêu tả quá trình hiện đại hoá hải quân của Trung Quốc là một phần của chiến lược mà Trung Quốc gọi là “chống can thiệp” và Mỹ thì gọi là “chống tiếp cận và chống thâm nhập khu vực”. Theo nhà phân tích quốc phòng Jim Thomas, Trung Quốc đã có thể tập trung phòng thủ gần như trên toàn phạm vi hàng hải trực tiếp của mình nhằm hỗ trợ chiến lược “chống can thiệp”. Ngoài ra nhiều học giả và nhà phân tích khác về vấn đề quân sự của Trung Quốc cũng đang có xu hướng miêu tả chiến lược của Trung Quốc tương tự như vậy. Một số đi xa hơn và nhìn nhận “chống can thiệp” là thứ gần giống như một chiến lược tổng thể hướng đến mục tiêu thách thức Mỹ trong khắp các vùng duyên hải châu Á.

Tuy nhiên, cho dù Trung Quốc hiển nhiên đang phát triển các khả năng quân sự có thể gây khó khăn cho sự can thiệp của mỹ vào một cuộc xung đột lớn trong khu vực liên quan đến Trung Quốc, các nghiên cứu của Trung Quốc về chiến lược và hoạt động quân sự rất hiếm khi đề cập đến khái niệm chống can thiệp. Mặc dù khái niệm này thường xuyên được các nhà quan sát bên ngoài sử dụng dựa trên các nguồn tài liệu từ Trung Quốc – quân đội Trung Quốc không sử dụng thuật ngữ đó để miêu tả chiến lược của mình. Khi thảo luận về các khái niệm có liên quan đến “đối phó với” hoặc “chống” can thiệp quân sự của bên thứ ba, quân đội Trung Quốc đề cập đến chúng như một bộ phận nhỏ của một trong những chiến dịch cốt lõi hoặc các kịch bản ảnh hưởng đến kế hoạch của Trung Quốc, chẳng hạn như xung đột vũ trang Đài Loan, chứ không phải là chiến lược tổng thể. Các tài liệu nếu có dùng thuật ngữ và khái niệm liên quan đến “chống can thiệp” nếu có được nhắc đến thường liên quan đến các chủ đề nhạy cảm hơn nhiều.

Vậy tại sao Trung Quốc lại không sử dụng khái niệm này? Nếu xác định “chống can thiệp” là trọng tâm chiến lược quân sự của Trung Quốc, dù dẫn nguồn từ tài liệu Trung Quốc, sẽ dẫn đến đánh giá sai về quá trình hiện đại hoá quân sự của Trung Quốc, nhầm lẫn một khái niệm quen dùng với một chiến lược quân sự hay thậm chí là một chiến lược lớn nhằm đẩy lùi Mỹ ra khỏi các khu vực ven biển Châu Á. Trung Quốc hiện đại hoá quân sự nhằm một số mục tiêu khác nhau, một trong đó có thể là để đáp ứng yêu cầu đối phó với khả năng can thiệp quân sự của Mỹ và những mục tiêu còn lại thì có thể không. Ngay cả trong kịch bản Đài Loan, việc chống lại sự can thiệp của Mỹ chỉ là một trong một loạt các hoạt động mà Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tin rằng sẽ cần phải thực hiện trong một chiến dịch như vậy. Nói chung, việc nhấn mạnh vào “chống can thiệp” đã phóng đại vai trò của Mỹ trong các kế hoạch quân sự của Trung Quốc và góp phần dẫn tới thế lưỡng nan an ninh cũng như cạnh tranh an ninh ngày càng gay gắt trong khu vực.

Tiềm lực và chiến lược quân sự của Trung Quốc

Rõ ràng, Trung Quốc đang triển khai một loạt các hệ thống quân sự để có thể ngăn chặn việc sử dụng cái được gọi là “vùng biển gần bờ” (Jinhai) của các đối thủ tiềm năng. Nổi bật nhất trong số này là DF-21D, một loại tên lửa linh hoạt với nhiên liệu rắn, có thể điều chỉnh trong giai đoạn cuối của hành trình để nhắm vào tàu thuyền đang di chuyển; thường được ví là “Hung thần diệt hạm”. Cũng có thể cho rằng, bộ phận quan trọng hơn là hàng chục tàu ngầm diesel hiện đại và ít ồn ào. Ngoài phạm vi hoạt động tương đối hạn chế do chuyển động bằng động cơ đẩy, các tàu này có khả năng ngăn chặn các ngư lôi dẫn đường và tên lửa hành trình chống tàu tốc độ cao, tầm xa (YJ-82). Các tàu ngầm lớp Yuan mới nhất được cho là sở hữu động cơ đẩy công nghệ không khí tuần hoàn độc lập, tốt hơn và chạy êm hơn. Nhiều tên lửa tương tự có thể được phóng đi từ một loạt các bệ phóng trên không, bao gồm cả phiên bản dành cho hải quân của các biến thể SU-27 (J-11B hiện nay, và J-16 trong tương lai gần) và chiếc máy bay ném bom cũ hơn nhưng cũng nhanh hơn Tu-16 (H-6, theo cách nói của người Trung Quốc, cho phép phóng tên lửa DH-10). Đó là chưa kể đến việc Trung Quốc còn đang nắm giữ số lượng đáng kể tên lửa hành trình trên bờ chống hạm và pháo binh ven biển. Thành phần cuối cùng của lực lượng tối ưu cho việc chống tiếp cận vùng biển gần bờ là một đội khá lớn tàu tên lửa nhỏ Hồ Bắc (Houbei-Type 22). Con số các tàu ven bờ này trong hạm đội Hải quân PLA lên đến hơn 60 chiếc và cũng có thể sử dụng cho các tên lửa hành trình chống tàu.

Việc sở hữu tiềm lực như vậy và các mối đe doạ mà chúng gây ra đối với các tài sản hải quân của Mỹ là không thể phủ nhận. Bất kỳ chỉ huy lực lượng đặc nhiệm của Mỹ trong khu vực, chỉ huy Bộ tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM), hoặc nhà chiến lược nào của Lầu Năm Góc hẳn đều coi đây là những tiềm lực cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng. Các nhà chiến lược Mỹ miêu tả đây là những năng lực “chống tiếp cận và chống thâm nhập khu vực”. Thuật ngữ chống tiếp cận và chống thâm nhập khu vực (A2/AD) là một cụm từ chuyên ngành của quân đội Mỹ và đề cập đến các hoạt động quân sự của đối thủ để hoặc nhằm làm chậm triển khai lực lượng đến một khu vực tham chiến – chống tiếp cận – hoặc làm gián đoạn khả năng để tiến hành các hoạt động trong vùng chiến đấu nếu các lực lượng này đã xuất hiện – chống xâm nhập khu vực. Có một điều được công nhận rộng rãi là PLA không đề cập đến các khả năng ấy của mình theo thuật ngữ như vậy. Điều này, do đó, đặt ra vấn đề để cần phải tìm hiểu chính xác Trung Quốc dự định sử dụng những khả năng của mình phục vụ cho các mục tiêu hoạt động cụ thể như thế nào. Nghĩa là, trong cấu trúc phương thức – mục tiêu của mỗi chiến lược, các hệ thống quân sự này là những “phương tiện” hiệu quả; nhưng chúng sẽ phục vụ theo “phương thức” nào cho các “mục tiêu” của Trung Quốc?

Cách tiếp cận của Trung Quốc đối với các vấn đề quân sự thông thường bao gồm ba cấp độ: chiến lược, chiến dịch và chiến thuật quân sự. Ở Trung Quốc, chiến lược quân sự đề ra các định hướng hướng dẫn chung về tiến hành chiến tranh trong tương lai. Cụ thể, chiến lược quân sự tại bất kỳ điểm nào cũng đều được nêu trong “đường lối chiến lược quân sự” (Junshi zhanlue Fangzhen) do Quân ủy Trung ương, cơ quan quyết sách quân sự của ĐCSTQ công bố. Lần điều chỉnh cuối cùng bản đường hướng quân sự này diễn ra vào năm 2004, trong đó có kêu gọi PLA cần chuẩn bị để chiến đấu và giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh cục bộ ở khu vực ngoại vi đặc trưng bởi điều kiện công nghệ thông tin hoặc ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các khía cạnh chiến tranh.

Với cách tiếp cận chung này về chiến lược, PLA muốn chuẩn bị sẵn sàng cho một loạt các cuộc chiến tranh hay xung đột vũ trang. Phiên bản 2013 tác phẩm Khoa học chiến lược quân sự, của nhóm học giả thuộc Viện hàn lâm Khoa học Quân sự (AMS) nhiều ảnh hưởng của PLA, liệt kê bốn loại chiến tranh mà Trung Quốc có thể phải đối mặt trong tương lai, nêu rõ phạm vi, mức độ, nguy cơ, và xác suất mà mỗi loại chiến tranh có thể xảy ra. Điều đáng nói là không loại nào trong số này được gắn với tên gọi “chống can thiệp”. Các kiểu chiến tranh này gồm: 1) Chiến tranh phòng vệ quy mô lớn, cường độ cao trên đất liền Trung Quốc (xác suất thấp và rủi ro cao); 2) chiến tranh “chống ly khai” quy mô tương đối lớn” ở Đài Loan và cường độ tương đối cao (xác suất tương đối cao và nguy cơ cao); 3) chiến tranh quy mô vừa và nhỏ trên các lãnh thổ và vùng biển tranh chấp (xác suất và rủi ro vừa); 4) chiến tranh chống khủng bố, duy trì ổn định và các hành động bảo vệ quyền lợi quốc gia quy mô nhỏ và cường độ thấp (không có xác suất xảy ra hoặc rủi ro gắn với những hành động này). Loại thứ nhất chỉ có thể được coi là “chống can thiệp” nếu có khả năng Mỹ tấn công xâm lược Trung Quốc. Ngay cả các nguồn tài liệu Trung Quốc cũng đánh giá khả năng xảy ra là một kịch bản như vậy là “rất nhỏ”. Thay vào đó, như phần này của cuốn sách kết luận, “nguy cơ chiến tranh lớn nhất là cuộc xung đột quân sự hạn chế trên biển, trong khi một cuộc chiến tranh quy mô tương đối lớn, cường độ tương đối cao trên biển trong điều kiện có sự răn đe hạt nhân là cuộc chiến quan trọng nhất cần chuẩn bị. Tuy nhiên, không xung đột tiềm tàng nào trong số này có mục đích chủ yếu là “chống can thiệp”, mặc dù như thảo luận dưới đây, đối phó với Mỹ là một phần quan trọng đối với PLA trong chiến tranh Đài Loan, và có thể trong các xung đột tranh chấp biển đảo.

Ở mức độ chiến dịch và chiến thuật, nghiên cứu quân sự của PLA có trình bày nhiều loại hoạt động mà PLA cần tiến hành trong các loại kịch bản cụ thể của từng chiến dịch. Các bài viết về chiến dịch và hoạt động gần giống với học thuyết thường áp dụng của Mỹ, nêu ra phương pháp thực hiện các nhiệm vụ cụ thể để đạt được, một mục tiêu quân sự cụ thể. Sáu loại chiến dịch chính có xu hướng xuất hiện liên tục trong các nghiên cứu của PLA. Ví dụ, một cuốn sách Viện Hàn lâm Khoa học quân sự Trung Quốc 2012 nêu ra cả chiến dịch tấn công hoả lực, chiến dịch phong tỏa đảo, chiến dịch tấn công đảo, chiến dịch phòng không, chiến dịch bảo vệ biên giới và chiến dịch chống đổ bộ. Nói cách khác, những chiến dịch này liên quan tới các kịch bản xung đột ở Đài Loan hoặc trên biên giới với Ấn độ bên cạnh việc bảo vệ đại lục. Khó có thể dùng khái niệm trên đây để chỉ một chiến lược tổng thể “chống can thiệp”, mặc dù các loại vũ khí vừa nêu cũng có thể được sử dụng cho mục đích chiến thuật tấn công quân đội Mỹ trong một số trường hợp. Ở hầu hết các kịch bản, mục tiêu quân sự chính không phải là chống lại khả năng can thiệp của Mỹ. Thay vào đó, các kịch bản có mục tiêu hoạt động rõ ràng, như bảo vệ biển đảo, biên giới đất liên cũng như đe dọa Đài Loan hay quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. (Có người cho rằng các chiến dịch “phòng không” là để đối phó với Mỹ, nhưng nó cũng có thể được sử dụng để giải quyết vấn đề Nhật Bản, Nga, Ấn Độ). Điều đáng nói là, các nhiệm vụ như “chống tiếp cận biển” và “tấn công căn cứ không quân từ xa”, bộ phận quan trọng trong chiến lược chống can thiệp, lại không nằm trong danh sách này.

(còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới