Nếu chống can thiệp là một yếu tố chi phối hoặc cốt lõi trong chiến lược quân sự của Trung Quốc ngày nay, ta có thể thấy thuật ngữ xuất hiện thường xuyên trong một loạt các ấn phẩm xuất bản của PLA. Các khái niệm chống can thiệp có thể được diễn tả bằng tiếng Trung Quốc theo 3 cách: “fan Ganyu”, “fan ganshe” và “fan Jieru”, tất cả có thể dịch ra là “chống” hoặc “phản” can thiệp.
Vì sao không phải là “chống can thiệp” ?
Mặc dù “chống can thiệp” xuất hiện phổ biến trong phân tích của phương Tây về PLA, các nghiên cứu quân sự của Trung Quốc hiếm khi sử dụng thuật ngữ này và không bao giờ sử dụng nó để miêu tả một chiến lược. Nếu có xuất hiện, nó thường dùng để chỉ một số hoạt động của PLA cần tiến hành trong một cuộc xung đột tiềm tàng ở Đài Loan. Nó không xuất hiện trong gần như tất cả mọi bài viết về chiến dịch khác trong các kế hoạch của PLA. Hơn nữa, việc không nhắc đến thuật ngữ này không phản ánh một nỗ lực cố ý che giấu chiến lược của Trung Quốc. Trong khi đó, các chủ đề có mức độ nhạy cảm tương tự ở Trung Quốc vẫn được thảo luận thường xuyên trong các nghiên cứu quân sự của PLA.
Nếu chống can thiệp là một yếu tố chi phối hoặc cốt lõi trong chiến lược quân sự của Trung Quốc ngày nay, ta có thể thấy thuật ngữ xuất hiện thường xuyên trong một loạt các ấn phẩm xuất bản của PLA. Các khái niệm chống can thiệp có thể được diễn tả bằng tiếng Trung Quốc theo 3 cách: “fan Ganyu”, “fan ganshe” và “fan Jieru”, tất cả có thể dịch ra là “chống” hoặc “phản” can thiệp. Tuy nhiên, những bài viết đáng tin cậy nhất về chính sách quốc phòng, chiến lược quân sự và các chiến dịch quân sự của các nhà chiến lược Trung Quốc đều không sử dụng bất kỳ thuật ngữ nào trên đây. Các từ này không hề xuất hiện trong bất kỳ sách trắng quốc phòng nào được AMS soạn thảo trình Bộ Quốc phòng và được công bố hai năm một lần kể từ năm 1998. Sách thuật ngữ quân sự chính thức năm 2011 của PLA cũng không có mục nào ghi các từ này. Tạp chí Khoa học Chiến lược quân sự 2013 của AMS cũng không dùng từ nào như vậy, mặc dù có viết về các chủ đề nhạy cảm như hợp tác liên quân, chiến lược bất đối xứng, và chiến tranh quân sự trong không gian mạng. Ngay cả những tập sách nổi tiếng khác của các sĩ quan Lực lượng pháo binh thứ hai (SAF) – Ngăn chặn và Chiến tranh và Khoa học của các Chiến dịch pháo binh thứ hai – cũng không hề nhắc đến chống can thiệp. Điều này là đặc biệt thú vị bởi lẽ trong hầu hết các bài viết của Mỹ về chiến lược này của Trung Quốc, tấn công tên lửa đóng một vai trò trung tâm và cả hai cuốn sách đều là những tài liệu được phân loại “mật” trong phạm vi Trung Quốc lại được sao chép bán ở Đài Loan và phương Tây. Rộng hơn, một cuộc khảo sát đối với hơn chục cuốn sách về học thuyết và chiến lược từ AMS và Đại học Quốc phòng của PLA (và các cơ quan báo chí quân sự và an ninh liên quan) cũng hầu như không có đề cập đến hai thuật ngữ nổi bật nhất.
Tương tự như vậy, các thuật ngữ này không xuất hiện trong các phương tiện truyền thông với tần suất quá cao, ngay cả trên các kênh truyền thông quân sự của Trung Quốc. Nhật báo Giải phóng Nhân dân là tờ báo chính thức (hàng ngày) của quân đội Trung Quốc. Không từ nào về “chống can thiệp” xuất hiện với tần suất bất kỳ trên cơ sở dữ liệu lưu trữ trực tuyến của mình. Một số lượng không nhiều các tài liệu tham khảo sử dụng một trong ba biến thể của thuật ngữ trên để miêu tả nhận thức của Mỹ (và Nhật Bản) về chiến lược của Trung Quốc. Đơn cử, nguyên thiếu tướng La Viện sử dụng thuật ngữ “fan Jieru”, nhưng chỉ là để diễn tả quan điểm của Mỹ về Trung Quốc. Thuật ngữ này cũng là từ được ưa dùng nhất trong giới chiến lược Trung Quốc khi dịch các khái niệm của Mỹ về “chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực” (A2/AD), nhưng cũng chỉ để nêu quan điểm của Mỹ. Điều đáng ngại là, một số nhà phân tích Mỹ lại cho răng “fan Jieru” bắt nguồn từ các tài liệu Trung Quốc, mặc dù đó chỉ làm một bản dịch các khái niệm của Mỹ chứ không nằm trong các thuật ngữ của quân đội Trung Quốc. Một cơ sở dữ liệu đa phương tiện hữu ích là “Trung tâm Nguồn mở” của Chính phủ Mỹ, nơi đã dịch vô số các bài báo tiếng Trung Quốc mỗi ngày. Do cơ sở dữ liệu đó được duy trì bởi một cộng đồng tình báo, nên có thể hy vọng sẽ có nhiều bài được dịch đề cập chiến lược của Trung Quốc hơn những trang khác. Tuy nhiên từ 2004 đến tháng 9/2014, thuật ngữ ấy chỉ xuất hiện ít ỏi trong một số bài báo.
Cuối cùng một cuộc khảo sát về các ấn phẩm học thuật Trung Quốc cũng hầu như không tìm thấy trường hợp nào sử dụng các cụm từ này. Chỉ số tri thức quốc gia Trung Quốc (The China National Knowledge Index) là một kho lưu trữ học thuật được sử dụng rộng rãi cho gần như tất cả các bài báo công khai xuất bản ở Trung Quốc. Cơ sở dữ liệu này cho ra khoảng 20 bài báo, hầu hết trong số đó không phải là về chiến lược. Mười sáu bài khác sử dụng thuật ngữ này để miêu tả lịch sử. Một bài viết có lẽ là ngoại lệ của nguyên Thiếu tướng AMS Bành Quang Khiêm đi sâu phân tích hơn bởi vì nó tập trung vào vấn đề can thiệp chính trị của nước ngoài vào Trung Quốc và đây không phải là một phân tích chiến lược không quân. Trường hợp duy nhất liên quan được viết từ năm 1996 và chỉ tập trung vào vấn đề Đài Loan.
Nói chung, khái niệm “chống can thiệp” và các thuật ngữ tương tự về chiến lược không được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc. Đáng chú ý là một số bài viết nửa chính thống khá hiếm hoi sử dụng được viết bởi các quan chức quân sự có nhiều liên hệ với người nước ngoài. Hai tướng La Viện và Bành Quang Khiêm là gương mặt quen thuộc trong nhiều hội nghị, được Đảng tin cậy trong các hoạt động quốc tế. Không có gì quá ngạc nhiên khi họ dễ có xu hướng để sử dụng thuật ngữ có nguồn gốc từ phương Tây để miêu tả chiến lược của Trung Quốc.
Cuộc chơi lừa dối ?
Liệu “chống can thiệp” có thể thực sự là một chiến lược quân sự trung tâm của Trung Quốc, nhưng – do tính nhạy cảm của nó – đã được che giấu trước công chúng và là một “bí mật”? Không thể loại trừ khả năng này, nhưng nó sẽ rất khó trở thành một chiến lược quân sự Trung Quốc vì một số lý do.
Thứ nhất, như đã nói trên, một số tài liệu mật của Trung Quốc bị rò rỉ ra ngoài theo như được biết thì chúng không sử dụng thuật ngữ này. Thường xuyên có các văn bản như vậy xuất hiện thông qua Đài Loan và Hồng Kông, sau đó được phổ biến thông qua các thư viện Đại học. Các học giả Mỹ (và nước khác) chỉ tìm hiểu tư tưởng chiến lược của Trung Quốc thông qua những ấn phẩm như vậy. Thật kỳ lạ khi các loại tài liệu này cũng không chưa các tham chiếu đến khái niệm này.
Thứ hai, ở Trung Quốc vẫn diễn ra các thảo luận về nhiều chủ đề khác với độ nhạy cảm tương tự. Ví dụ, có thể tìm thấy các thảo luận về chiến tranh thông tin, hệ thống của các hệ thống trong những vấn đề quân sự, tấn công hoả lực chung và môi trường điện tử phức tạp trong một loạt các nguồn truyền thông và học thuật tại Trung Quốc. Sự phát triển liên tục các khái niệm chiến lược của Trung Quốc được ghi nhận ở mức độ rộng lớn cũng bao gồm cả chiến tranh nhân dân, phòng vệ chủ động và chiến tranh cục bộ trong bối cảnh hiện đại.
Cuối cùng, một tổ chức quân sự cần giữ một mức độ công khai tương đối đối với các tham số rộng của học thuyết cơ bản phù hợp với một loạt các lựa chọn và chính sách phải thực hiện. Cần công tác đào tạo để phục vụ cho mục tiêu đó. Mua sắm và thậm chí thay đổi bộ máy tổ chức cũng có thể gắn với các mục tiêu chiến lược. Ngay cả đối với một quốc gia độc tài, việc kết hợp các mục tiêu quân sự với mục tiêu lãnh đạo cũng có thể là một thách thức (xét thấy các vụ bê bối tham những đang diễn ra ở Trung Quốc không ít lần liên quan đến các nhà lãnh đạo quân sự). Tất nhiên, sự kết hợp nào đó giữa chiến lược, đào tạo, mua sắm, và tổ chức có thể được thực hiện một cách bí mật. Nhưng với kho tài liệu đồ sộ được xuất bản ở Trung Quốc về chính những vấn đề này, nhiều trong số đó sẽ đến được với bên ngoài. Kết quả là rất khó để “chống can thiệp” có thể bị cố ý che giấu như một chiến lược quân sự.
Lựa chọn ngoại lệ: Nông cạn và hiếm có
Trong một vài ấn phẩm quân sự của Trung Quốc, có thể tìm được tài liệu tham khảo dẫn chiếu đến điều gì đó liên quan đến chống can thiệp. Những từ này có thể là “chống” (diyu), “bảo vệ” (Fangyu) hoặc “đối phó” (yingdui) sự can thiệp quân sự (Gangyu Junshi) của một kẻ thù tưởng tượng trong hầu hết các trường hợp, các tham khảo này xuất hiện hẹp trong bối cảnh các hoạt động quân sự ở Đài Loan. Ví dụ, một cuốn sách năm 2009 của Đại học Quốc phòng của PLA đã thảo luận hoạt động tấn công chống lại một “hòn đảo lớn” và xác định “chống can thiệp quân sự của kẻ thù bên ngoài” (diyu waidi Junshi Ganyu) như một trong những nhiệm vụ mà PLA sẽ cần phải thực hiện. Nhưng chống can thiệp là một phần trong danh sách các nhiệm vụ khác bao gồm tấn công và phòng thủ thông tin chung, tấn công hỏa lực chung, phong tỏa biển, tấn công đổ bộ trên không và trên biển chung, hợp tác tấn công đảo, đột kích trên không và các hoạt động chống hạ cánh. Danh sách này không nhấn mạnh “chống can thiệp” hơn so với các hoạt động khác. Tương tự như vậy, ấn bản năm 2013 cuốn Khoa học Chiến lược quân sự nhấn mạnh sự cần thiết phải “chuẩn bị cho một cuộc can thiệp của kẻ thù bên ngoài” (fangbei waidi Junshi Ganyu) như là một phần của “cuộc chiến chống ly khai” ở Đài Loan.
Bài phát biểu duy nhất công bố vào tháng 7/2014 của Tổng bí thư Tập Cận Bình là lần duy nhất một nhà lãnh đạo cấp cao đề cập đến vấn đề chống can thiệp. Nằm trong chủ đề rộng hơn về xây dựng một “đội quân hùng mạnh”, Tập Cận Bình kêu gọi PLA tăng cường sự tập trung và hiệu quả của các định hướng chiến lược (zhanlue zhidao) bằng việc thúc đẩy nghiên cứu về tất cả các chỉ đạo định hướng chiến lược, xác định các đối thủ tiềm tàng và “phải tính đến những hoàn cảnh khó khăn và phức tạp nhất để thực hiện kế hoạch chiến lược và chuẩn bị đối phó với sự can thiệp quân sự của một kẻ thù mạnh”. Tuy nhiên cần lưu ý là, bối cảnh trong bình luận của Tập Cận Bình là tăng cường hiệu quả chiến đấu tổng thể của PLA, chứ không chú trọng cụ thể vào nhiệm vụ đặc biệt này.
Bài chi tết duy nhất mà chúng tôi tìm thấy có đề cập thuật ngữ tương đương với “chống can thiệp” là một giáo trình thạc sĩ xuất bản năm 2012 về chỉ huy các chiến dịch chung do AMS xuất bản. Ngoài việc miêu tả các đặc điểm của chỉ huy chiến dịch chung trong sáu loại chiến dịch chính, cuốn sách cũng đánh giá bốn loại “hành động chiến dịch” (Zhanyi Xingdong). Hoạt động chiến dịch ở cấp thấp hơn kịch bản chiến dịch bởi chúng xảy ra trong bối cảnh của một chiến dịch. Một trong bốn hành động chiến dịch là “Ứng phó với hành động can thiệp quân sự của một kẻ thù mạnh” (yingdui qiangdi Junshi Ganyu Xingdong). Mặc dù các thảo luận trong sách nêu ra một loạt khả năng “can thiệp” của một kẻ thù mạnh, có một số cũng xem xét cụ thể việc chống lại kẻ thù này. Theo giáo trình này, các nhiệm vụ chính bao gồm ngăn chặn (zuzhi) hoặc phản công (fanji) can thiệp quân sự của một kẻ thù mạnh, chế ngự (ezhi) sự leo thang can thiệp của kẻ thù, làm giảm hiệu quả can thiệp của kẻ thù, đảm bảo ổn định môi trường chiến lược của Trung Quốc và triển khai chiến dịch chung. Các hành động để đạt được những nhiệm vụ này bao gồm răn đe, tấn công và phòng thủ thông tin, đuổi bắt (qubixianzhi), tấn công từng căn cứ hoạt động nhỏ của kẻ thù ở trên biển và trên không, tấn công phá các đội hình lớn và các căn cứ ở nước ngoài, bảo vệ chống lại các cuộc tấn công chính xác…
Mặc dù cuốn sách này có nêu về chiến lược chống can thiệp, thì nó cũng đóng vai trò nhỏ: chỉ là một trong bốn hành động chiến dịch, và bốn hành động này lần lược phục vụ cho một thập hợp con của các kịch bản được coi là xung đột có khả năng xảy ra trong tương lai. Hơn nữa, việc đối phó, phản ứng, hay chuẩn bị cho sự can thiệp đều là cách tiếp cận mang tính bị động hơn nhiều so với việc chủ động chống xâm nhập của Mỹ vào khu vực Tây Thái Bình Dương. Nó cho thấy một sự chấp nhận hiện trạng can thiệp quân sự của nước thứ ba vào cuộc xung đột liên quan đến Trung Quốc, và điều cần làm hiện nay là quản lý nó. Điều này trái ngược với các cuộc thảo luận của Mỹ về A2/AD, trong đó nhấn mạnh các hành động ngăn chặn trước sự can thiệp của kẻ thù.
(Còn tiếp)