Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTham vọng quyền lực

Tham vọng quyền lực

Cầu thủ nào rời xa sân cỏ đúng lúc thì mãi lưu danh với phong độ và đẳng cấp của mình. Người làm chính trị cũng như vậy.

Ngày 9/1, The Guardian đưa tin cựu Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi đang lập kế hoạch để đảng Tiến lên Italia (Forza Italia) của ông và Liên minh Trung hữu lật đổ chính phủ của vị Thủ tướng trẻ tuổi Matteo Renzi của đảng Dân chủ Italia.

Việc Berlusconi tính quay trở lại chính trường làm cho dư luận nghi ngại và đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến sự kiện này. Ông cũng đã 80 tuổi, ba lần ngồi ghế Thủ tướng Italia và dính vào nhiều scandal liên quan đến trốn thuế và tình ái.

Berlusconi tham gia vào chính trường và đã từng nắm giữ quyền lực từ những năm 1990 của thế kỷ trước. Và việc ông bước vào chính trường hay bị gạt khỏi quyền lực đều luôn là một sự kiện đặc biệt trên chính trường nước Ý.

Berlusconi là người đã nắm giữ quyển lực với tổng thời gian dài thứ ba trong lịch sử chính trị nước Ý từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II đến nay. Ông cũng đã nếm đủ mùi cay đắng của một chính trị gia có nhiều đố kỵ, ganh ghét trong cuộc đời làm chính  trị của mình.

Hiện tại, Berlusconi và chính đảng của ông đang gặp khó khăn trong việc trở lại chính trường do bị hạn chế bởi luật mới quy định việc đóng góp tài chính của cá nhân cho các đảng phái chính trị, để tránh những người giàu có như ông dùng tiền để lũng đoạn chính trường, theo The Guardian.

Điều đó cho thấy sự nghiệp chính trị của Berlusconi không thể thuận buồm xuôi gió nếu ông quyết định trở lại với cuộc đua tranh giành quyền lực thêm một lần nữa. Vậy tại sao ông Berlusconi không về vui thú điền viên mà vẫn mơ tới chốn quan trường, điều gì cuốn hút ông như vậy?

Muốn lịch sử tạc tên người anh hùng

Có lẽ người dân Italia và dư luận thế giới không quên tên tuổi và dấu ấn của cố Thủ tướng Italia Giulio Andreotti, người đã từng bảy lần nắm giữ chức vụ Thủ tướng nước Ý – một kỷ lục vô tiền khoáng hậu. Cùng với những thành quả đạt được, ông đã tạo nên huyền thoại trong lịch sử chính trị Italia thời hậu chiến, theo The Time.

Phải chăng ông Berlusconi muốn thay thế hình ảnh của vị cố Thủ tướng huyền thoại trong lòng người dân Italia hay ông cũng muốn được giống như cố Thủ tướng là được lịch sử khắc ghi như người anh hùng? Có lẽ đó mới là lý do thuyết phục nhất lý giải cho việc ông Berlusconi quyết không từ giã chính trường khi tuổi đã bát tuần.

Tuy nhiên, người làm chính trị thì không được quên hai mệnh đề làm nên quyền lực và làm nền cho quyền lực, đó là: Thời thế tạo anh hùng và anh hùng theo thời thế. Đây là thể hiện mối quan hệ giữa ý muốn chủ quan và quy luật khách quan, giữa ngẫu nhiên và tất nhiên, giữa cá nhân và tập thể.

Cố Thủ tướng Italia Giulio Andreotti – Huyền thoại trong lịch sử chính trị Italia. Ảnh: Reuters.

Thời thế đó chính là quy luật của lịch sử. Ý muốn chủ quan không thể làm khác được quy luật khách quan mà chỉ thể hiện phù hợp với tính khách quan của quy luật, nghĩa là hành động tuân theo thời thế. Khi thời thế chưa tới hay đã qua – tức là hết thời – thì cá nhân sẽ không thể đóng vai trò của vị thế đó trong lịch sử.

Thời thế mang tính tất nhiên, nhưng cá nhân xuất hiện thì mang tính ngẫu nhiên. Nghĩa là với thời và thế đó thì sẽ có những con người phù hợp với vị thế và vai trò do thời và thế đó tạo ra. Còn ai xuất hiện thì đó là ngẫu nhiên, nghĩa là không có người này thì sẽ có người khác đảm nhận.

Do đó, không có việc cá nhân xuất hiện mang tính tất nhiên và không có anh hùng tạo nên thời thế.

Vậy làm sao tìm được cá nhân nào sẽ phù hợp với vị thế và vai trò mà thời thế đã tạo ra? Đó là hệ quả của mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể, qua đó hình thành nên cơ chế tìm nhân tài. Trong cơ chế tìm người tài thì đề cử, ứng cử, tranh cử và bầu cử là hình thức khoa học và chính xác nhất trong việc tìm ra cá nhân xứng đáng lãnh đạo tập thể, lãnh đạo đất nước.

Từ nguyên tắc trong hoạt động chính trị đối chiếu với thời thế của Berlusconi, cho thấy, hiện tại trên chính trường nước Ý ông không hợp thời – đây không phải là thời thế của ông. Việc ông Berlusconi quyết tâm để có bằng được vị thế trên chính trường nước Ý sẽ không thể mang lại thành công. Ông không phải là anh hùng của thời thế.

Có thể ông Berlusconi dùng tiền bạc của mình, vì ông là tỷ phú, và những thủ đoạn chính trị để có được chỗ đứng trên chính trường Italia, nghĩa là kéo dài cuộc đời làm chính trị của mình – thì ông cũng không thể có được kết quả mà một người làm chính trị hợp thời phải có được – đó là chỗ đứng trong lòng dân.

Gương sáng gương mờ và bài học quý giá

Làm chính trị phải theo thời thế, phải nắm vững nguyên lý và phải đoán biết những hậu quả khôn lường khi hành động không thuận theo quy luật. Nhưng có lẽ Berlusconi đã say quyền lực, mê chính trường hơn cả cuộc sống và thanh danh. Việc ông tham gia, hoạt động và rời xa chính trường đủ cả hỉ nộ ái ố rồi mà sao ông vẫn không nguôi giấc mộng chính trường?

Berlusconi là ông chủ của đội bóng AC Milan lừng danh cả thế giới những năm cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, theo The Telegraph. Như vậy chẳc ông phải hiểu cuộc đời cầu thủ chơi bóng đá đỉnh cao cũng như chính trị gia hợp thời sung sức.

Cầu thủ nào rời xa sân cỏ đúng lúc thì mãi lưu danh với phong độ và đẳng cấp của mình. Người làm chính trị cũng như vậy.

Berlusconi không chỉ là ông chủ của câu lạc bộ bóng đá, chỉ có tiền và dùng tiến làm chính trị, mà ông còn là ông trùm truyền thông – một ngành kinh doanh công nghệ cao. Nghĩa là ông Berlusconi có cả thực tiễn lẫn lý luận làm nền tảng cho hoạt động chính trị của mình. Vậy mà ông vẫn say mê quyền lực mà quên đi nguyên lý.

Tuy nhiên, thành công của ông Berlusconi khi quay trở lại chính trường lần này nằm ở xác suất thấp nhất, nhưng hậu quả do nó gây nên sẽ không nhỏ chút nào.

Có rất nhiều bài học cho ông trong đời sống chính trị trên toàn thế giới. Mà người có tình thế gần giống với ông nhất là cựu Tổng thống của xứ Argentina Carlos Menem.

Cựu Tổng thống Italia Giorgio Napolitano. Ảnh: Aliance/DPA.

Menem là một trong những người chịu trách nhiệm chính gây ra vỡ nợ quốc gia cho Argentina và may mắn là ông không phải ngồi tù vì trách nhiệm ấy. Thay vì nghỉ ngơi sau những năm dài vật lộn trên chính trường, ông Menem lại không chịu như vậy.

Ông đã quay lại chính trường và phải đón nhận thất bại ê chề. Không những vậy, những đối thủ của ông còn khơi lại chuyên xưa và quyết cho ông vào vòng lao lý, theo AP, ngày 27/4/2004.

Berlusconi cũng không phải là chính trị gia trong sạch mà đã mang trên mình những án hình sự chẳng mấy hay ho. Vậy nhưng ông vẫn không xem đó là điểm dừng hợp lý, để yên cho những người được lịch sử Italia trao trọng trách – hiện nay là Thủ tướng Matteo Renzi –  thực hiện quyền lực của mình. Hay ông không có tấm gương nào nhìn vào để học tập?

Có lẽ lịch sử chính trị Thái Lan không ghi tên cựu Thủ tướng Anand Panyarachun vào danh sách những người quyền lực nhất sau thời kỳ dân chủ được vãn hồi từ năm 1988 tại nước này, nhưng người dân Thái Lan thì có thể trả lời ngay tên của ông nếu được hỏi ai là Thủ tướng trong sạch nhất Thái Lan trong 30 năm qua.

Ông Anand hai lần làm thủ tướng Thái Lan. Lần thứ nhất là sau khi Tướng Sunthorn Kongsompong làm đảo chính lật đổ chính phủ của Thủ tướng Chatichai Choonhavan năm 1991. Lần thứ hai là sau khi Thủ tướng Suchinda Kraprayoon từ chức do người dân biểu tình phản đối, bạo lực xảy ra và Quốc vương Adulyadej phải can thiệp năm 1992, theo tài liệu của Đại học Cambridge.

Khi các cuộc bầu cử tự do được tổ chức và có kết quả thì ông Anand trao quyền lại cho người được bầu. Nghĩa là ông Anand chỉ tham gia chính trường khi thời thế đưa ông vào vị thế “anh hùng”. Đến giờ này tiếng thơm của ông mãi được lưu giữ trong lòng người dân Thái Lan, có lẽ chỉ sau vị Quốc vương đáng kính của họ.

Mà cũng cần đâu xa, ngay tại đất nước Italia, ông Berlusconi cũng có tấm gương cực sáng cho ông soi vào để nhận ra mình. Đó là cựu Tổng thống Giorgio Napolitano.

Ông Napolitano làm hết nhiệm kỳ Tổng thống thứ nhất là muốn nghỉ ngơi, nhưng chính trường Ý lúc đó không tìm được ai uy tín thay thế ông. Thế là ông phải ngồi ghế Tổng thống thêm một thời gian của nhiệm kỳ hai, theo Reuters ngày 20/4/2013. 

Nhiều người chứng kiến ông Napolitano đau khổ khi “phải” nắm quyền lực thêm lần nữa đã có nhiều ý kiến khác nhau. Có người lý giải rằng vì ông già rồi nên không muốn làm nữa. Những người khác thì cho rằng chức vị Tổng thống Ý thì không có quyền lực nhiều nên ông không ham nữa. Thực ra sự việc không hẳn như vậy. 

Có nhiều chính trị gia, trong đó có cựu Thủ tướng Romano Prodi, muốn ra tranh cử chức Tổng thống Ý nhưng thất bại, chứng tỏ không phải người ta chê chức vị Tổng thống ít quyền lực. Còn việc ông Napolitano được tín nhiệm bầu thêm một nhiệm kỳ nữa chứng tỏ các nghĩ sĩ quốc hội Italia vẫn nhận ra ông còn đủ khả năng làm việc, trong đó bao gồm cả sức khỏe và sự minh mẫn.

Với kinh nghiệm của một chính trị gia lão luyện, ông Napolitano chắc chắn hiểu rằng dù ông có thế nhưng thời của ông đã qua. Ông Napolitano hối thúc Quốc hội tìm người thay thế và ông quyết tâm từ bỏ chính trường.

Con người và sự nghiệp chính trị của Tổng thống Napolitano có thể xem là một bài học rất quý cho ông Berlusconi.

Ham hố gì nữa khi thời qua thế hết? Ăn thua chi nữa khi thành công không có đợi chờ? Sao là anh hùng thời thế được khi cứ quyết tấm làm kẻ lỗi thời mãi mãi? Có lẽ ông Silvio Berlusconi không hiểu hay cố tình không hiều nỗi đắng cay của kẻ sĩ hết thời.

RELATED ARTICLES

Tin mới