Trong thời điểm chuyển giao bước vào năm 2016, liên tục xảy ra nhiều sự cố gây bất ổn trong xã hội Trung Quốc, có phân tích cho rằng ba sự kiện nghiêm trọng nhất gần đây là: Thị dân Hồng Kông bị cảnh sát Trung Quốc bắt cóc về Đại Lục; tai nạn thị trường chứng khoán; thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên.
Trong thời điểm chuyển giao bước vào năm 2016, Trung Quốc liên tục xảy ra ba vấn đề lớn gây trở ngại cho ông Tập Cận Bình. (Ảnh: Internet)
Ngày 14/1 vừa qua có bài viết của người tên Vương Côn chia sẻ trên mạng và cho rằng ba sự cố này gây tổn hại không nhỏ cho uy tín của ôngTập Cận Bình.
Ông Lý Ba (Hồng Kông) bị mất tích
Vào ngày 30/12 năm ngoái, cổ đông 65 tuổi Lý Ba (Li Bo) của một nhà xuất bản ở Hồng Kông bị mất tích sau khi đi đến kho hàng lấy sách. Chỉ trong thời gian 2 tháng, 4 đồng nghiệp khác của nhà xuất bản này cũng mất tích một cách kỳ lạ. Do nhà xuất bản này chuyên xuất bản thể loại sách lên án Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nên nhiều người nghi ngờ họ bị cảnh sát Trung Quốc bắt cóc.
Điều lạ là sau khi ông Lý Ba mất tích, điện thoại của ông lại từ một nơi ở Thâm Quyến gọi về Hồng Kông và thông báo rằng ông vẫn “bình an”. Sau sự cố, cộng đồng quốc tế đồng loạt lên án ĐCSTQ chà đạp lên luật pháp cơ bản của Hồng Kông. Cho dù một tuần trước sự kiện này, ngày 23/12 ông Tập Cận Bình vừa có buổi gặp Trưởng đặc khu Hồng Kông và nhấn mạnh bảo đảm thực hiện “một nước hai chế độ” đối với Hồng Kông.
Tai nạn thị trường chứng khoán
Sự cố tiếp theo là vào ngày 4/1/2016 khi Trung Quốc khởi động “cơ chế ngắt mạch giao dịch tự động” đối với thị trường chứng khoán (Circuit Breaker) để bảo vệ cổ phiếu phổ thông RMB (cổ phiếu loại A). Kế hoạch này khiến trong 4 ngày thị trường mở cửa đã xảy ra 4 lần ngắt mạch giao dịch giữa chừng, đặc biệt là vào ngày 7/1 thị trường chỉ mở cửa trong 30 phút, tạo kỷ lục ngày giao dịch ngắn nhất trong lịch sử. Cuối cùng Ủy ban Giám sát Chứng khoán Trung Quốc bị buộc phải tuyên bố hủy bỏ cơ chế “ngắt mạch giao dịch tự động.” Ngoại giới cảm thấy hài hước vì cách quản lý của Trung Quốc khi không biết làm gì sau tai nạn thị trường chứng khoán năm 2015, để rồi mới vừa bước vào năm mới 2016 lại xuất hiện tai họa mới.
Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch
Sự cố nghiêm trọng thứ ba là vào ngày 6/1 vừa qua, Triều Tiên bất ngờ tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch. Vụ thử nghiệm đã tạo nên trận động đất cấp 5,1. Vụ thử nghiệm cho thấy Triều Tiên hiện không hề nể sợ Trung Quốc.
Tác giả Vương Côn cho rằng ba sự kiện này gây lúng túng và làm ảnh hưởng mạnh cho uy tín của ông Tập Cận Bình. Sau khi ông Tập Cận Bình nắm quyền đã tập trung vào kế hoạch “đả hổ” chống tham nhũng, quá trình thực hiện gặp rất nhiều trở ngại, mà nổi bật gần đây nhất là những sự cố nêu trên.
Cũng theo tác giả Vương Côn, điều gây ấn tượng mạnh nhất có lẽ là vấn đề Sách Trắng Hồng Kông năm 2014 dẫn đến hoạt động phản đối “chiếm trung tâm hành chính” của người dân Hồng Kông; năm 2015 lại xảy ra thảm họa nổ Thiên Tân và thị trường chứng khoán. Những tai nạn này liên quan chặt chẽ với thế cuộc chống tham nhũng hiện nay.
Năm 2016 được xem là năm ông Tập Cận Bình tập trung vào cải tổ hệ thống quân đội. Theo bài viết, thế lực chống đối ông Tập biết những nguy cơ đang cận kề bên mình nên sẽ tìm mọi cách phá rối, sẽ tiếp tục gây thêm những thảm họa để làm rối cục diện.
Ngoại giới đều cho rằng, không khó để nhận ra thế lực đối địch phía sau sự cố Sách Trắng ở Hồng Kông và thảm hỏa của thị trường chứng khoán. Còn về vấn đề Triều Tiên, ông Vương Côn phân tích cho rằng: “Giới lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ có nhiều phe phái, ở Triều Tiên cũng tương tự. Lãnh đạo cấp cao phái Giang ở Trung Quốc có quan hệ chặt chẽ với lãnh đạo cấp cao phái bảo thủ ở Triều Tiên, còn phe phái của ông Tập Cận Bình thì thân với phe phái cải lương ở Triều Tiên. Tiêu biểu nhất là sự kiện ông Jang Sung-taek, nhân vật số 2 của Triều Tiên thân Trung Quốc bị Kim Jong-un tử hình, cùng lúc ở Trung Quốc ông Tập Cận Bình cũng xử lý ông Chu Vĩnh Khang, người quan hệ thân với Kim Jong-un.” Tóm lại, theo ông Vương Côn thì ông Kim Jong-un có quan hệ thân với phái của ông Giang Trạch Dân.
Ông Vương Côn nhận xét: “Sau khi ông Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn lên nắm quyền đã dùng chính sách chống tham nhũng để xây dựng uy tín, cho dù gặp nhiều cản trở bởi những thảm họa của phe chống đối gây ra, nhưng họ sẽ không vì thế mà dừng lại. Tiêu biểu như sau sự cố chiếm trung tâm hành chính Hồng Kông năm 2014 thì ông Từ Tài Hậu bị xử lý; sau vụ nổ Thiên Tân và sụp đổ thị trường chứng khoán năm 2015 thì ông Quách Bá Hùng bị xử lý, tiếp theo là những sóng gió đánh vào hệ thống kinh tế – tài chính…”