Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị Đức tăng cường quân sự tại Syria nhằm ngăn chặn các lực lượng Syria và Nga ném bom phe đối lập tại đây.
Thổ Nhĩ Kỳ hối thúc Đức tăng cường quân sự tại Syria
Ngày 16/1, phát biểu với nhật báo Die Welt (Đức), Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Simsek cho rằng Đức cần phải tăng cường sự can dự quân sự của nước này ở Syria nếu Berlin muốn ngăn chặn dòng người tị nạn vào châu Âu.
Ông Simsek nêu rõ: “Nếu Đức và các nước khác muốn ngăn chặn dòng người tị nạn, họ cần phải ngăn chặn các lực lượng Syria và Nga ném bom phe đối lập Syria.”
Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng Mehmet Simsek, Thổ Nhĩ Kì đang nỗ lực hỗ trợ châu Âu giải quyết cuộc khủng hoảng.
“Thổ Nhĩ Kì có biên giới với Syria, đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn tại châu Âu. Chúng tôi đang xây dựng một hàng rào dọc đường biên giới với Syria. Hàng rào đầu tiên dài 150 km sẽ hoàn thành vào tháng 3 tới.”, ông Mehmet Simsek nhấn mạnh thêm.
Tuyên bố của phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra vài ngày sau vụ đánh bom ở thành phố Istanbul của nước này làm 10 du khách Đức thiệt mạng. Sau vụ việc, Bộ Ngoại giao Đức đã có thông báo khuyên các du khách ở Thổ Nhĩ Kỳ tạm thời tránh những khu vực công cộng có đông người qua lại hoặc các địa điểm du lịch ở nước này.
Trong một động thái khác, Thủ tướng nước này, ông Ahmet Davutoglu cũng sẽ có chuyến thăm Đức vào tuần tới. Dự kiến ông Davutoglu sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel, mà nội dung chính tập trung vào tình hình an ninh tại Istanbul và dòng người di cư tới châu Âu.
Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ muốn nhiều nước tham chiến ở Syria?
Giới chuyên gia và quân sự cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi Đức gia tăng thêm các hoạt động quân sự tại Syria đang thể hiện rõ mục đích chính trị của nước này. Ankara dường như muốn tranh thủ chuyến thăm của Thủ tướng Ahmet Davutoglu vào tuần tới đến Đức để tìm thêm sự đồng tình, ủng hộ từ Berlin để đối phó với Mosvka.
Thực tế hiện nay Thổ Nhĩ Kỳ đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế khi bị chính quyền Tổng thống Putin liên tiếp gia tăng các lệnh trừng phạt. Giới chức Ankara đã lên tiếng thừa nhận việc đối đầu căng thẳng giữa 2 nước có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ thiệt hại đến 12 tỷ USD mỗi năm.
Để đối phó với những nguy cơ đó, chính quyền Tổng thống Erdogan đã dùng nhiều biện pháp từ cứng rắn đến mềm mỏng nhưng cũng không thể lay chuyển được ý định của Moskva. Khi mà việc đối thoại song phương đang gặp bế tắc và nguy cơ có thể nhận thêm những đòn trừng phạt mới, Ankara chuyển hướng sang tố cáo điện Kremlin đang “thanh lọc sắc tộc” ở Syria.
“Nga đang cố gắng tiến hành cuộc thanh lọc sắc tộc ở phía bắc Latakia, nhằm vào tất cả người Turk và cộng đồng người Hồi giáo theo dòng Sunni – những người không ủng hộ chế độ chính phủ Syria hiện thời.
Họ muốn những người đó sạch bóng khỏi khu vực, vì vậy, chế độ của Tổng thống Assad và các căn cứ Nga ở Latakia và Tartus mới vững chắc”, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Dvutoglu tuyên bố trước các phóng viên ở Istanbul hôm 9/12/2015.
Ankara muốn việc các nước tăng cường tham chiến tại Syria để gây thêm sức ép cho Nga và tự tìm đường thoát cho chính mình. |
Chưa dừng lại ở đó, trong bài phát biểu hôm 22/12, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã lên án các cuộc không kích của Nga hôm 21/12 nhằm vào trung tâm của phiến quân ở tỉnh Idlib, tây bắc Syria đã khiến 200 dân thường thiệt mạng.
“Kể từ bắt đầu chiến dịch không kích ở Syria hôm 30/9, Nga chủ yếu nhằm vào phe đối lập ôn hòa ở đây. Các khu vực dân cư sinh sống cũng ngày càng bị tấn công nhiều hơn.
Tổng số dân thường thiệt mạng trong các cuộc không kích của Nga đã lên tới hơn 600 người. Thậm chí một vài tổ chức cho biết con số này vào khoảng 800 người. Chúng tôi muốn thế giới biết rằng hơn 150 nạn nhân trong đó là trẻ em” – Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố.
Mặc dù luôn cố gắng đưa ra những lập luận và bằng chứng cáo buộc điện Kremlin nhưng đáp trả lại Ankara là sự thờ ơ và lạnh lùng từ các nước. Chính vì thế, Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn nhân chuyến thăm của Thủ tướng Ahmet Davutoglu tới Berlin để hâm nóng lại sự việc, tìm kiếm thêm những nước ủng hộ mình.
Việc các nước tăng cường tham chiến tại Syria sẽ gây thêm những áp lực mới cho điện Kremlin, buộc Moskva phải chú tâm hơn trên mặt trận này để không bị tuộc mất vị trí tiên phong dẫn đầu. Và rõ ràng khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có thêm thời gian và các biện pháp để giải quyết tình hình trong nước cũng như tìm kế hoạch để đối phó với điện Kremlin.