Monday, November 18, 2024
Trang chủThâm cung bí sửNhật ký Diên An: Sức mạnh của Mao Trạch Đông (Kỳ 3)

Nhật ký Diên An: Sức mạnh của Mao Trạch Đông (Kỳ 3)

Đối với Mao Trạch Đông:Quyền lực là tất yếu. Thêm vào đó, ông ta lẫn lộn một cách nguy hiểm khái niệm có ích về mặt cá nhân cho ông ta và cho cuộc cách mạng “của ông ta”, ông ta không hình dung cách mạng một cách nào khác hơn là của riêng của ông ta.

Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch

13 tháng 9

Trong chiến dịch I-a-xcơ – Ki-si-nhốp, Hồng quân bao vây quân đội Đức, đã giết và bắt làm tù binh 256.000 quân địch. Trong số những tên bị chết, có 7 đại tướng Đức, còn trong số tù binh: trên một tá.

Như thế là trong chiến dịch mùa hè, trên mặt trận Xô-Đức đã bắt làm tù binh 44 đại tướng Đức.

Đờ Gôn chính thức làm Thủ tướng Pháp.

Quân đội đồng minh đã vượt qua biên giới Đức.

Chiến tranh du kích đang diễn ra ở Nam Tư và Tiệp Khắc.

Ở Ý, tài sản của bọn phát-xít đầu sỏ bị tịch thu.

La-van trốn sang Đức.

Ngày 11 tháng 9, bọn Nhật đã mở mặt trận tấn công mới vào Mãn-châu quốc.

Ở Diên An, người ta đón tiếp khách cao cấp. Đó là ngài Mắc-phi-sơ, phụ trách phòng thông tin quân sự Mỹ ở Trung Quốc.

Trong thâm thâm của người Mỹ, thì Mỹ không muốn để các nhân viên ngoại giao của mình ở Diên An, sợ Tưởng Giới Thạch không bằng lòng. Giôn Xéc-vi-xơ và Rây-men-đơ Lút-đơn là những nhân viên chính thức của tòa lãnh sự Mỹ ở Trùng Khánh. Việc họ đến Diên An có thể đánh giá là một hành động thực tế thừa nhận Diên An, điều mà Tưởng Giới Thạch, nhân vật chủ yếu được Đồng minh che chở không thể tán thành.

Chính vì thế, Xéc-vi-xơ tỏ thái độ hoàn toàn im lặng trước những đề nghị của các đồng chí Trung Quốc về việc mở tại Diên An một cơ quan đại diện của Mỹ. Rõ ràng ông ta đã nhận được những chỉ thị nghiêm ngặt về vấn đề này, tuy có thể cảm thấy rằng ông ta không tán thành những chỉ thị đó.

Thông báo mới đây của Xéc-vi-xơ về lập trường mới của Washington (yêu cầu Tưởng Giới Thạch thành lập Chính phủ liên hiệp) đã gây ấn tượng lớn cho ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc. Chủ tịch Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc đã chỉ thị cho các đại diện của mình ở Trùng Khánh tích cực thành lập một khối đối lập trong Chính phủ Quốc dân đảng.

Đổng Tất Vũ (một trong số những người thành lập Đảng cộng sản) và Lâm Bá Cừ đại diện cho Đảng cộng sản ở Trùng Khánh. Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc đã điện lần thứ hai cho họ để không chậm trễ tổ chức những cuộc biểu dương lực lượng của tất cả những người ở trong khối đối lập đối với Chính phủ. Những cuộc biểu dương đó được tiến hành cả trên báo chí và cả trong những phiên họp lúc này của Hội nghị chính trị toàn quốc. Mao yêu cầu phê phán toàn diện Chính phủ bằng toàn bộ sức mạnh của xã hội.

Hàng loạt thất bại quân sự và tình hình kinh tế khủng hoảng đã góp phần phát triển tâm trạng đối lập trong xã hội Trung Quốc. Mao hướng các đại biểu của mình vào việc sử dụng khôn khéo hơn những hoàn cảnh thuận lợi.

Và căn cứ vào các sự kiện thì các đại biểu Đảng cộng sản đã hoạt động tích cực trong cuộc tấn công Tưởng Giới Thạch và cánh hữu Quốc dân Đảng.

Cuộc đi thăm bất ngờ của một nhà báo và một nhà chính trị nối tiếng Hồ Trấn Chi đã xác nhận điều đó. Vị này đứng đầu Ban biên tập của tờ Đại công báo ở Trùng Khánh. Mới đây ông ta đã tới thăm Đổng và Lâm là những đại biểu chính thức của Đảng cộng sản bên cạnh Quốc dân đảng. Tổng biên tập tờ báo tự do ấy chỉ trích rất gay gắt phương pháp cai trị của Tưởng Giới Thạch, thóa mạ kịch liệt Chính phủ và ca tụng Đảng cộng sản. Viên tổng biên tập tuyên bố rằng Đảng cộng sản được ủng hộ của nhân dân Trung Hoa và nhiều người nước ngoài.

Hồ Trấn Chi, Tổng biên tập tờ Đại công báo, một trong những tờ báo tự do nhất ở Trùng Khánh được phổ biến rộng rãi chủ yếu trong giới trí thức. Chính phủ Tưởng Giới Thạch đã nhiều lần phạt đi phạt lại tờ báo này, với đủ mọi loại phạt, thậm chí tạm thời đình chỉ phát hành.

14 tháng 9

Trong những cuộc hiệp thương với ban lãnh đạo Đảng cộng sản, Mắc-phi-sơ đưa ra ý kiến thành lập tại Diên An một bộ phận thông tin quân sự, chi nhánh của Cục thông tin trung ương. Song Mắc-phi-sơ không tỏ ra đặc biệt sốt sắng.

Đa-vít Ba-rét là người cầm đầu “Phái bộ quan sát Đồng minh”. Trong những tuần lễ đầu tiên, viên đại tá Mỹ tỏ ra thận trọng, tránh những vấn đề quan trọng, không hứa hẹn gì hết, và không phát biểu ý kiến riêng của mình. Thái độ của ông bây giờ thay đổi đột ngột. Cũng như Giôn Xéc-vi-xơ, người cầm đầu phái bộ phê phán gay gắt “chế độ Tưởng Giới Thạch”, tình trạng bất lực của Chính phủ trung ương trong việc kiểm soát tình thế, tính chất vô hy vọng của quân đội Quốc dân đảng. Viên đại tá lên án Tưởng Giới Thạch về việc hắn chống Đảng cộng sản và nhấn mạnh thái độ hữu nghị của ông ta đối với Đặc khu và chính sách của Đảng cộng sản.

Rồi lại đến Mắc-phi-sơ, ông ta khẩn khoản xin phép ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc cho người của ông ta làm việc tại Đặc khu. Bây giờ, người ta nêu vấn đề cho cả một nhóm quân báo Mỹ – các chuyên gia hoạt động chống quân đội thù địch – tới Diên An. Căn cứ vào những ý kiến của Mắc-phi-sơ, thì nhóm này sẽ hoạt động tiêu diệt các đơn vị cơ động và hậu phương của kẻ thù. Trụ sở của ban chỉ huy sẽ đưa về Diên An.

Chu Ân Lai là trợ thủ chính của Mao trong các cuộc hiệp thương với đồng minh. Diệp Kiếm Anh phối hợp chặt chẽ với Chu, Lưu Thiếu Kỳ làm công việc chuẩn bị đại hội và các công việc khác thuộc nội bộ Đảng.

Cứ mỗi lúc có điều kiện thuận tiện, Kô-li-a lại nói chuyện về Li-đi-a vợ của anh và Xéc-gây con nhỏ của anh. Tôi hiểu anh cần nói cho đỡ nhờ, nhưng tôi rất buồn khi nghĩ về những kỷ niệm ấy; ở đấy, Ma-ri-a, các con tôi như thế nào?…

15 tháng 9

Đa-vít Ba-rét người to béo. Ông ta trạc 45, 50 tuổi, rất giỏi tiếng Bắc Kinh. Sống giản dị. Cổ tay táo bờ-lu-dông đồng phục của ông ta thường mở cúc và dễ xắn lên. Cà-vạt nhét một cách cẩu thả vào trong áo sơ-mi. Đôi giày đi là đôi giày lính, đã vẹt đế. Tuy nét mặt có hơi nhăn nhưng niềm nở.

Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc không có bạn. Chỉ có những người mà ông ta cần đến, còn thì không có bạn. Đối với ông ta, chỉ người nào mà ông ta hiện đang cần đến thì mới đáng quý mà thôi. Tất cả những cái gì không có ích cho ông ta, đều không có nghĩa lý vì hoặc là có hại. Thêm vào đó, ông ta lẫn lộn một cách nguy hiểm khái niệm có ích về mặt cá nhân cho ông ta và cho cuộc cách mạng “của ông ta”, ông ta không hình dung cách mạng một cách nào khác hơn là của riêng của ông ta. Ngoài những lĩnh vực lợi ích cá nhân cho ông ta thì không có ý nghĩa gì cả. Kể cả cách mạng cũng thế…

Đó là một tính hiếu danh đặc biệt. Mao tương đối thờ ơ đối với các tiện nghi sinh hoạt. Tất cả đều là hiện thân cho quyền lực. Những con đường dẫn tới quyền lực cao nhất đều là những con đường duy nhất đúng đắn. Phong cách Mao, lối sống của Mao là miệt thị tất cả mọi cái hạn chế quyền lực. Tất cả đều là cát bụi, ngoài quyền lực. Cuộc đời của các nhân vật vĩ đại trong lịch sử đối với Mao là tấm gương về chính lập trường đó.

Những người khổng lồ của quá khứ đã có sức thu hút Mao, chính ở chỗ họ không phân chia quyền lực với ai cả. Theo Mao Trạch Đông, quyền lực đó là ý nghĩa duy nhất đứng vững được của cuộc sống, nó biện hộ cho tất cả, nó là ngày hội, nó là tất cả và tất cả…

Đảng và nhân dân chỉ là những hư cấu (những đại lượng trừu tượng nhất định) phục vụ cho mục đích của Mao.

Mao có liên hệ với nhiều người, nhưng thật lạ lùng là ông ta không được người ta mến. Về thực chất thì Mao cô độc. Cô độc một cách tàn nhẫn. Hoàn toàn cô độc. Cô độc một cách nguy hiểm.

Sức mạnh của Mao là ở trực giác. Ông ta cảm giác thấy hơn là hiểu rõ tính chất bất khả chiến thắng của chủ nghĩa Mác trong những chấn động cách mạng của thế kỷ chúng ta. Mao khéo đưa ra cái “chủ nghĩa Mác hiện thực” để dọn đường đi tới chính quyền. Ông ta đạt được chính quyền dựa vào những trận bão táp cách mạng; ông ta làm què quặt chủ nghĩa Mác mỗi khi triết học của học thuyết Mác mâu thuẫn với các quan điểm riêng của ông ta. Ông ta tự che đậy bằng cách mị dân và làm què quặt…

Hoạt động chủ yếu của Mao là hăm hở chọn lọc những sách lược thích hợp nhất để tiến lên nắm quyền lực. Các nguyên tắc đối với Mao chỉ có nghĩa là những nhiệm vụ cách mạng của những người khác. Điều đó rất tiện lợi cho Mao. Nó làm cho người ta phải phục tùng ý chí của Mao. Nguyên tắc kết hợp hàng triệu người lại với nhau, còn Mao thì xuất hiện nhân danh nguyên tắc, nhưng lại tự cảm thấy rằng mình được thoát ra khỏi các nguyên tắc đó.

“Chủ nghĩa Mác hiện thực” là triết học của Mao. Triết học về sự nghèo nàn tinh thần và về những dục vọng quá lớn…

16 tháng 9

Sớc-sin và Ru-dơ-ven họp với nhau tại Kê-béc.

Tây Ban Nha và Argentina ủng hộ chế độ Hít-le đến cùng. Thụy Điển cũng không khách khí…

Mặt trận Trung Quốc ngày càng bị chọc thủng sâu hơn nhiều. Những trận chiến đấu đã xảy ra ngay ở khu vực Quý Dương. Ngày 14 tháng 9, căn cứ không quân ở Quế Lâm đã vội vã rút chạy. Số binh lính Nhật tham gia tấn công: 150 nghìn.

Các báo Diên An đã đăng một bài xã luận đáng chú ý. Phái bộ Mỹ đã được biết trước nội dung của nó. Nhưng phần kết luận của bài báo hoàn toàn bất ngờ đối với người Mỹ.

Mục đích của bước này là buộc đồng minh phải phân phối vũ khí theo nguyên tắc bình đẳng sao cho phần của Chính phủ trung ương và Đặc khu đều bằng nhau, và đó là yêu sách nghiêm túc về vũ khí Mỹ.

Một mục đích khác là thúc đẩy hiệp thương, đưa hiệp thương đi đến những kết quả cụ thể.

Và sau nữa: làm yếu Tưởng Giới Thạch, hạn chế viện trợ của Mỹ.

Xã luận thông báo tỉ mỉ về viện trợ của Mỹ đối với Trung Quốc, về sự phân phối bom đạn, vũ khí, thực phẩm.

Hội nghị Trùng Khánh là lý do để giải quyết triệt để vấn đề cung cấp vũ khí cho Đặc khu. Vấn đề đã được đặt ra trước người Mỹ.

17 tháng 9

Cuối cùng sau khi kiểm tra một lữ đoàn, đại tá Ba-rét đã kết luận: việc thu hút Bát lộ quân và Tân Tứ quân vào những chiến dịch tương lai của Đồng minh chống Nhật là có ích.

Người đứng đầu “Phái bộ quan sát Đồng minh” đã thông báo cho ban lãnh đạo quân sự và chính trị của Đảng cộng sản biết những kết luận quan trọng nhất của bản báo cáo của ông ta. Bản báo cáo đó là tổng kết đầu tiên chuyến đi thăm gần hai tháng của phái bộ tại Đặc khu.

Tại Diên An, người ta rất hài lòng với những kết luận của Ba-rét.

Người đứng đầu Phái bộ gửi báo cáo về Trùng Khánh cho bộ chỉ huy của ông ta.

Đôi khi ban đêm, tôi chỉ nghĩ đến một điều: Cục trưởng Cục tình báo thanh toán tôi dễ như bỡn. Tôi biết quá nhiều về các công việc của ông ta và công việc của người bảo trợ ông ta.

Những bệnh tật nhiễm trùng hiểm nghèo, những con đường mòn dựng đứng trên núi cao, hơn nữa nào có ít gì những “cơ hội” khác có thể giúp họ thoát khỏi tôi…

Không, họ không thể đi con đường ấy được, Mát-cơ-va giữ một vị trí lớn trong các kế hoạch của họ… Có thể họ sẵn sàng thanh toán tôi, nhưng không thể được.

RELATED ARTICLES

Tin mới