Phải có hành động phản đối dứt khoát, tranh thủ sự lên tiếng của cộng đồng quốc tế, để có văn bản chính thức gửi lên ICAO sửa tên sân bay.
Trung Quốc cố tình gây hiểu lầm
Trang mạng chính thức của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã đăng bản đồ hàng không về Vùng thông báo bay (FIR) Tam Á, trong đó có ghi dòng chữ tiếng Trung “thành phố Tam Sa – Trung Quốc” và có biểu tượng sân bay trên bãi đá Chữ Thập với dòng chữ tiếng Anh “Sân bay Vĩnh Thử – Tam Sa”.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao cho biết các cơ quan chức năng Việt Nam đã gửi công thư tới ICAO, khẳng định rõ chủ quyền của Việt Nam, lưu ý việc Trung Quốc mở đường bay ra đá Chữ Thập vi phạm các quy định của ICAO về an toàn hàng không.
“Việt Nam quan ngại sâu sắc trước những sự việc này, đồng thời đề nghị ICAO chỉnh sửa lại bản đồ hàng không về FIR Tam Á cho phù hợp”, thông cáo viết.
Trao đổi với Đất Việt, ngày 20/1, Thạc sỹ Luật học Hoàng Việt, thành viên Quỹ Nghiên cứu biển Đông cho biết: “Trong trường hợp này, ICAO cũng giống như một số tổ chức khác đã từng vướng phải một số vụ tương tự, khi bản đồ đều ghi tên thành phố của Trung Quốc, không ghi rõ đây là vùng lãnh thổ đang tranh chấp”.
Thế nhưng, theo ông Việt, tuy không phải ràng buộc về mặt quốc tế, nhưng nếu Trung Quốc đưa ra vấn đề này cũng dễ gây hiểu lầm cho dư luận.
Họ sẽ lợi dụng thời điểm, nếu dư luận quốc tế không tỉnh táo, sau một thời gian, Trung Quốc sẽ tự khẳng định vấn đề này đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Vì thế, chỉ khi chúng ta có luồng dư luận mạnh mẽ, chuyển lên ICAO thì họ sẽ phải xem xét.
Về việc làm thế nào để đưa được tên một sân bay hay thành phố vào bản đồ hàng không của ICAO, ông Việt cho hay: “ICAO là tổ chức hàng không dân dụng quốc tế, nếu muốn có đường bay, lộ trình bay, trong lộ trình đó có những điểm nào, sân bay nào, nước đó sẽ phải gửi toàn bộ hồ sơ lên ICAO.
Cũng chính vì, ICAO không phải tổ chức như Liên Hiệp Quốc, chỉ là chuyên về tổ chức hàng không dân dụng, xem xét về mặt kỹ thuật, nên khi cấp bản đồ họ chỉ dựa vào hồ sơ các nước gửi lên, chứ không kiểm soát chặt chẽ.
Trong khi, Trung Quốc rất giỏi trong việc lợi dụng những kẽ hở mà quốc tế không để ý, hay luật pháp quốc tế không quy định chặt chẽ để thực hiện”.
Việt Nam cần làm gì?
Một thông tin quan trọng khác được ông Việt cung cấp, đó là phía Việt Nam cũng đã gửi văn bản chính thức đưa ra quan điểm không thừa nhận tên sân bay cũng như thành phố được ghi tên trên bản đồ của ICAO.
Bởi đối với khu vực này, tất cả các tuyên bố chỉ mang tính chất đơn phương, muốn hợp pháp hay không hợp pháp thì phải phụ thuộc vào quy định của Luật quốc tế trong lĩnh vực này.
Về việc Việt Nam muốn thay đổi tên sân bay, bản thân ICAO sẽ tự xác định được phải ghi sao cho đúng. Đối với sự việc trên, không nhất thiết phải bỏ tên thành phố đó trên bản đồ, nhưng phải ghi rõ đây là vùng tranh chấp lãnh thổ.
Theo ông Việt, chúng ta cũng cần có những hành động cụ thể: “Một là, phải có hành động dứt khoát, tranh thủ sự lên tiếng của người dân, của nhiều người, có văn bản chính thức gửi lên ICAO.
Hai là, không chỉ dừng lại ở việc phản đối của chính phủ Việt Nam, mà phải tổ chức buổi lên tiếng thu thập chữ ký trên mạng, gửi văn bản trong đó có ý kiến của người dân, học giả,Việt kiều…gửi trên mạng Internet.
Chỉ khi có những hành động quyết liệt như vậy thì ICAO sẽ buộc phải xem xét, vì tổ chức này làm gì cũng cần phải có sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế.
Ba là, không chỉ có Việt Nam, mà người dân của Chính phủ khác, bị ảnh hưởng cũng phải lên tiếng, cùng tham gia, tranh thủ sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế. Có như vậy, ICAO sẽ phải xem xét”.
Đặc biệt, ông nhận định: “Chiến lược truyền thông của nước ta phải mạnh mẽ hơn, đưa ra phản đối thì phải có lý lẽ, lập luận. Vì bất cứ dự án nào trình ra ICAO thuyết phục, có hồ sơ cụ thể, có lập luận, thì mới được xem xét.
Với các tổ chức phương Tây như ICAO thì phải chỉ rõ, vi phạm bởi cái gì, ảnh hưởng bởi cái gì, muốn cái gì, dựa trên căn cứ nào… Nghĩa là, phải đưa ra lập luận thuyết phục”.