Monday, November 18, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiPTT Phạm Bình Minh: 'Khác biệt lớn nhất giữa Việt Nam và...

PTT Phạm Bình Minh: ‘Khác biệt lớn nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc là vấn đề Biển Đông’

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, khác biệt lớn nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc là việc giải quyết các vấn đề liên quan đến Biển Đông, chủ quyền của chúng ta ở Trường Sa, Hoàng Sa và vùng đặc quyền kinh tế.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trả lời báo chí bên lề Đại hội Đảng XII. (Ảnh: Quang Tùng)

Bên lề Đại hội Đảng XII, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã chia sẻ với báo chí nhiều vấn đề quan trọng trong công tác đối nội, đối ngoại của đất nước với các quốc gia trên thế giới.

– Một trong những thách thức hiện nay là cuộc cạnh tranh về chiến lược với các nước lớn trong khu vực, điều này ảnh hưởng như thế nào với công tác đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới?

Vấn đề tình hình khu vực, thế giới biến động phức tạp có nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố là các nước lớn có sự cạnh tranh ảnh hưởng, mà đã cạnh tranh ảnh hưởng, các nước sẽ xảy ra tình hình có cọ xát chiến lược, về an ninh, về kinh tế.

Nếu các nước không giữ được độc lập tự chủ để phát huy độc lập tự chủ, mà nghiêng bên này, nghiêng bên kia, sẽ ảnh hưởng đến môi trường an ninh. Nên trong kỳ Đại hội Đảng XII đã nêu rất rõ, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ.

Nghĩa là chúng ta quan hệ với tất cả các nước. Một trong những vấn đề rất lớn là chúng ta xây dựng đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với tất cả các nước quan trọng nhất trên thế giới. Không phải nước nào cũng xây dựng được như Việt Nam.

Điều đó thể hiện chúng ta có chiến lược đúng đắn, và vị thế Việt Nam ngày càng tăng nên các nước mới thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.

– Liên quan đến cam kết quốc tế, việc hội nhập tạo ra động lực đổi mới, phát triển kinh tế, tăng sức cạnh tranh. Nhưng bản thân cạnh tranh không chỉ đến từ áp lực, mà còn đến từ sự thay đổi thể chế kinh tế?

Đương nhiên ta đã tham gia vào hội nhập quốc tế, nghĩa là ta tham gia vào tiêu chuẩn chung thế giới, mà đáp ứng được tiêu chuẩn chung thế giới, chúng ta phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng khả năng cạnh tranh của chúng ta trong lĩnh vực kinh tế trước những đòi hỏi chung của thị trường thế giới.

Nếu như không cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển dịch nền kinh tế, tăng hàm lượng công nghệ lên thì chúng ta không cạnh tranh được.

Và những cơ hội mà các hiệp định thương mại chúng ta không đáp ứng được thì cuối cùng chúng ta bị thách thức.

– Chính sách đối ngoại là sự kéo dài của chính sách đối nội, bản thân câu chuyện phát triển của Việt Nam trong thời gian tới, trước tình hình khu vực và thế giới như thế, đòi hỏi chính sách đối nội như thế nào?

Đương nhiên chính sách của một đất nước bao gồm chính sách phát triển kinh tế trong đất nước, chính sách đối ngoại là việc tạo dựng môi trường cho phát triển trong nước, mở rộng quan hệ với các nước để tăng cường quan hệ chính trị, tạo  nền tảng cho quan hệ kinh tế thương mại đầu tư, đó là việc giúp phát triển nội lực của đất nước.

Người ta hay nói chính sách đối ngoại là nối dài chính sách đối nội, nói như vậy cũng chưa hoàn toàn chính xác. Chính sách đối ngoại là một phần trong chính sách đường lối phát triển đất nước.

– Nhắc nhiều đến hiệp định đối tác chiến lược, có dư luận cho rằng việc ký kết diễn ra rất nhiều, nhưng lợi ích thực sự và mối liên hệ với những đối tác đó thực chất như thế nào, ông có thể nói rõ hơn?

Hiện nay chúng ta thiết lập được 15 đối tác chiến lược và 10 đối tác toàn diện. Nếu muốn nhìn mà thấy ngay lợi ích cụ thể mà đối tác này đối tác kia mang lại, chúng ta có thể không thấy được.

Nhưng nhìn lại tổng thể chính sách đối ngoại của một đất nước, chúng ta xây dựng được nhiều bạn bè, mà bạn bè mang tính tin cậy cao về chính trị, hợp tác tốt về quân sự, quốc phòng, an ninh, rồi quan hệ kinh tế thương mại được mở rộng, thì tổng hòa các mối quan hệ đó sẽ tạo cho đất nước đó có được môi trường tốt.

Vì bất cứ quốc gia nào, dù lớn hay nhỏ, bên cạnh những thách thức bên trong còn có thách thức bên ngoài liên quan đến chủ quyền, lãnh thổ, liên quan đến vị thế quan hệ của từng nước.

– Trong quan hệ đối tác chiến lược, có nước mình đã ký từ rất lâu rồi nhưng chưa đi vào thực chất, ví dụ như quan hệ với Trung Quốc?

Chúng ta đã xây dựng đối tác chiến lược với Trung Quốc, vừa qua chúng ta còn đưa quan hệ với Trung Quốc từ quan hệ chiến lược lên quan hệ toàn diện. Chúng ta xây dựng được quan hệ về kinh tế, chính trị, thương mại. Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất về mặt thương mại của chúng ta cho đến ngày nay .

Nếu chúng ta nói mối quan hệ với Trung Quốc không thúc đẩy được quan hệ kinh tế là không đúng, vì quan hệ trên các lĩnh vực đều phát triển.

Nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả các quan hệ giữa chúng ta và Trung Quốc không có sự khác biệt. Khác biệt lớn nhất chính là việc giải quyết các vấn đề liên quan đến Biển Đông, chủ quyền của chúng ta ở Trường Sa, Hoàng Sa và vùng đặc quyền kinh tế.

Trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược, chúng ta giải quyết những vấn đề trong đó có vấn đề Biển Đông thông qua thương lượng, giải quyết hòa bình.

– Xin cảm ơn ông!

RELATED ARTICLES

Tin mới