“Việt Nam phải có công thư không chỉ dừng lại ở Cục quản lý chuyên ngành, cần văn bản cấp nhà nước có ý kiến chính thức”.
Yêu cầu ICAO chỉnh sửa tên sân bay trên bản đồ
Trung Quốc đã nhanh hơn một bước
Trước sự việc Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã đăng bản đồ hàng không về Vùng thông báo bay (FIR) Tam Á, trong đó có ghi dòng chữ tiếng Trung “thành phố Tam Sa – Trung Quốc” và có biểu tượng sân bay trên bãi đá Chữ Thập với dòng chữ tiếng Anh “Sân bay Vĩnh Thử – Tam Sa”, ngày 21/1, ông Lê Việt Trường – Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban quốc phòng, an ninh Quốc hội cho biết: “Trước những sự việc trên, Việt Nam phải có văn bản công thư chính thức của nhà nước, cấp chính phủ, chứ không phải chỉ có công thư của Cục hàng không, để thể hiện một động thái mạnh mẽ hơn.
Yêu cầu ICAO phải xem xét lại, vì đây là chỉ dẫn trên bản đồ về một sân bay, nhưng vùng đó đang tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ thì không hợp pháp.
Theo quy định khi đang tranh chấp chưa có văn bản pháp lý nào để Luật pháp và cộng đồng quốc tế công nhận khu vực đó là thuộc chủ quyền của Trung Quốc thì không thể ghi tên chỉ dẫn địa lý như vậy.
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, tổ chức quốc tế gián tiếp thừa nhận sân bay đó thuộc lãnh thổ Trung Quốc, như vậy là rất nguy hiểm. Cho nên, Việt Nam phải có công thư không chỉ dừng lại ở Cục quản lý chuyên ngành, cần văn bản cấp nhà nước có ý kiến chính thức”.
Về quy trình thay đổi tên sân bay trên bản đồ hàng không dân dụng quốc tế, theo ông Trường, tất cả các sân bay trên thế giới, nằm trong chỉ dẫn của ICAO, bắt buộc phải nằm trên lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền, để đảm bảo đầy đủ các điều kiện về an ninh, an toàn.
Nhưng nếu sân bay đó nằm trong vùng tranh chấp lãnh thổ, chưa rõ chủ quyền, thì không được để tên chỉ dẫn địa lý mà phải ghi rõ đây là khu vực đang tranh chấp, nếu không sẽ uy hiếp đến yếu tố an toàn hàng không.
Ở đây, Trung Quốc đã nhanh chân hơn một bước khi đăng ký được tên sân bay lên ICAO. Nhưng điều quan trọng nhất ở đây, là ICAO cũng thiếu sót khi không xem xét tất cả các điều kiện đảm bảo của một sân bay dân dụng.
“Theo tôi, sân bay này nằm trong vùng FIR TPHCM, nếu như xác định thuộc Trung Quốc, rất có khi ICAO sẽ cung cấp thông tin nhầm, uy hiếp an toàn bay”, ông Trường nói.
Cần thiết thì đưa ra tòa án quốc tế
Nhìn nhận vấn đề ở góc độ khác, theo ông Trường, nếu Trung Quốc làm sai, tổ chức ICAO nhầm lẫn, nhưng Việt Nam có chủ quyền, phải tận dụng lợi thế để kiên trì phản đối, gửi yêu cầu sửa chữa, một lần không được thì nhiều lần.
Ngoài ra, tận dụng sự ủng hộ và đồng hành của dư luận cộng đồng quốc tế cũng là một yếu tố quan trọng.
“Trước đây, Việt Nam cũng đã từng có rất nhiều kinh nghiệm, từng đấu tranh kiên trì, lấy lại được FIR TPHCM, rồi FIR Hà Nội, tức là chúng ta đã chuyển giao về cho Việt Nam.
Bản đồ hàng không quốc tế không những có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn ý nghĩa về mặt chủ quyền quốc gia, nên tôi khó hiểu khi thấy Trung Quốc âm thầm làm mà chúng ta không biết.
Về tên phải ghi rõ vùng tranh chấp lãnh thổ, chứ không sử dụng tên thành phố chỉ dẫn địa lý như vậy. Hoặc phải yêu cầu xóa bỏ tên thành phố do Trung Quốc trình lên, chỉ rõ nó thuộc lãnh thổ Việt Nam”, ông Trường phân tích.
Đặc biệt, ông Trường cho rằng, phải chuẩn bị về mặt pháp lý, đầy đủ cơ sở nếu cần thiết thì đưa vấn đề ra tòa án quốc tế, trọng tài quốc tế phán xử lý việc này.
Còn về lâu dài chắc chắn sẽ có sự chồng lấn trong việc quản lý FIR bay, cung cấp dịch vụ bay rất dễ xảy ra tai nạn, mất an toàn hàng không.
Thế nhưng, cũng có thể dễ hiểu khi ICAO chỉ là một tổ chức chuyên ngành, mang tính thuần túy kỹ thuật, nên cấp bản đồ thì cũng chỉ dựa vào hồ sơ các nước gửi lên, mà không quan tâm yếu tố chủ quyền lãnh thổ.
ICAO chỉ xét các yếu tố như sân bay có đủ các điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật hay không? Xét về các yếu tố để cấu thành một sân bay, khi làm một sân bay bao giờ cũng phải thuyết minh sân bay này ra đời làm gì, tọa độ bao nhiêu, thông số kỹ thuật ra sao.