Friday, May 3, 2024
Trang chủBiển nóngCSIS: Hơn chục năm nữa, Biển Đông sẽ chẳng khác gì cái...

CSIS: Hơn chục năm nữa, Biển Đông sẽ chẳng khác gì cái hồ của TQ

Đó là cảnh báo trong nghiên cứu mới đây của các chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), về sự bành trướng ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông hiện nay.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Ảnh: AP

Nghiên cứu của CSIS nhấn mạnh, đến năm 2030, Bắc Kinh sẽ sở hữu quá nhiều tàu sân bay đến mức Biển Đông sẽ chẳng khác nào “một cái hồ của Trung Quốc”.

Các chuyên gia của trung tâm nghiên cứu hàng đầu về Châu Á – Thái Bình Dương này cũng cảnh báo, nếu tình hình hiện tại tiếp diễn, cán cân quyền lực tại khu vực sẽ ngày một nghiêng về phía Trung Quốc và rời xa khỏi Mỹ.

Trong khi đó, theo nghiên cứu của CSIS, chiến lược “xoay trục” của Tổng thống Mỹ Barack Obama lại vẫn chưa được giải thích một cách cặn kẽ, cũng như không được đầu tư đủ để đáp trả những mối đe dọa ngày một gia tăng từ Trung Quốc.

Trung tâm này kêu gọi Mỹ cần tiếp tục duy trì và tăng cường sự hiện diện quân sự trên Biển Đông, song song với việc đẩy mạnh nỗ lực cải thiện năng lực quân sự của các đồng minh và đối tác trong khu vực.

Theo Washington Post, nghiên cứu của CSIS được thực hiện sau khi Quốc hội Mỹ đề nghị Lầu Năm Góc tham khảo một đánh giá độc lập về chiến lược của Mỹ tại Châu Á – Thái Bình Dương.

Nguy cơ Biển Đông trở thành “hồ của Trung Quốc”

Nghiên cứu của CSIS dự đoán, từ giờ đến năm 2030, Liêu Ninh sẽ không còn là tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc. Với lượng tàu sân bay gia tăng, Trung Quốc sẽ được thể gây áp lực lên các nước khác mà không cần phải gây hấn một cách quá quắt.

Cuối năm 2015 vừa qua, Trung Quốc tuyên bố sẽ đóng tàu sân bay thứ hai, và dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng đội tàu sân bay trong những năm tới.

“Với các bên tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, đây là một sự thay đổi mang tính quyết định. Gần như lúc nào cũng sẽ có một đội tàu sân bay tấn công (carrier strike group) của Trung Quốc lảng vảng ở các khu vực tranh chấp” – nghiên cứu cho biết.

Theo CSIS, dù Trung Quốc có ngang ngược chiếm đóng trái phép đảo đá thuộc chủ quyền nước khác hay thỏa thuận chia sẻ nguồn lợi, thì với tiến độ bành trướng quân sự phi pháp như hiện nay của Bắc Kinh, “Biển Đông cũng sẽ chẳng khác nào một cái hồ của Trung Quốc”.

Thêm vào đó, việc Trung Quốc tăng cường bành trướng quân sự phi pháp trên Biển Đông cũng sẽ khiến các hoạt động của Hải quân Mỹ tại đây trở nên phức tạp hơn trước rất nhiều. Trừ tàu ngầm ra, bất kì tàu nào của Mỹ di chuyển tại các “điểm nóng” cũng gặp nhiều rủi ro,


Tàu Mỹ hoạt động tại châu Á - Thái Bình Dương sẽ đối mặt rủi ro trước tình hình bành trướng quân sự hiện nay của Trung Quốc. Ảnh: Navy.mil

Tàu Mỹ hoạt động tại châu Á – Thái Bình Dương sẽ đối mặt rủi ro trước tình hình bành trướng quân sự hiện nay của Trung Quốc. Ảnh: Navy.mil

Mỹ phải làm gì?

Xoay trục châu Á đáng ra phải là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của ông Obama.

Tuy nhiên, theo CSIS, các vấn đề quốc tế khác, trong đó nổi bật là mối hiểm họa từ Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nói riêng và tình hình Trung Đông bất ổn nói chung, đã tiêu tốn quá nhiều nguồn lực của chính phủ Mỹ. Đó là chưa kể căng thẳng với Nga vẫn tiếp diễn.

CSIS liệt kê 3 mục tiêu chính của Mỹ tại Châu Á – Thái Bình Dương: bảo vệ công dân Mỹ và các nước đồng minh; thúc đẩy giao thương và phát triển kinh tế; và đẩy mạnh các giá trị dân chủ. Tuy nhiên, theo đánh giá của họ, chiến lược Mỹ đang áp dụng “chưa đủ để đạt được các mục tiêu trên”.

Với những giới hạn chi tiêu quân sự mà Điều luật Kiểm soát Ngân sách (BCA) do Quốc hội thông qua đã và đang áp đặt lên Lầu Năm Góc, thì theo CSIS, về tương quan lực lượng trên Biển Đông mà nói, chính phủ Obama khó lòng thực hiện chiến lược xoay trục như mong muốn.


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đang bị làm khó tại châu Á - Thái Bình Dương bởi những giới hạn chi tiêu quân sự. Ảnh: AP

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đang bị làm khó tại châu Á – Thái Bình Dương bởi những giới hạn chi tiêu quân sự. Ảnh: AP

Do đó, các chuyên gia kêu gọi nếu Mỹ thực sự nghiêm túc trong việc hạn chế sự bành trướng của Trung Quốc tại châu Á – Thái Bình Dương, hai đảng cần sớm “đạt được một thỏa thuận chung để đáp ứng chi tiêu quân sự ở mức cao hơn”.

Một lỗ hổng khác trong chiến lược xoay trục của Mỹ, theo CSIS, là việc xuyên suốt khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng như ngay chính tại Washington, hiện vẫn chưa có một sự đồng nhất xung quanh việc chiến lược xoay trục của Mỹ thực chất bao gồm những gì.

Bên cạnh đó, rất nhiều đồng minh của Mỹ trong khu vực cũng quan ngại về cái cách mà Washington sẽ xoay trục, một phần bởi không hề có một văn bản hay tuyên bố cụ thể nào giải thích tường tận về chiến lược này của Mỹ.

Do đó, nhóm các nhà nghiên cứu tại CSIS kêu gọi chính phủ Obama cần thảo luận thẳng thắn với Quốc hội cũng như các đồng minh và đối tác của Mỹ về bản chất của việc xoay trục, cũng như cách thức áp dụng chiến lược này.

Họ kết luận, chiến lược xoay trục của Mỹ cần được chú tâm và đầu tư nhiều hơn, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh tiến độ các hành vi bành trướng phi pháp trên Biển Đông, cũng như các hành động gây hấn tại biển Hoa Đông.

Và với vị thế cường quốc số một thế giới về quân sự và những lợi ích quốc gia to lớn tại châu Á – Thái Bình Dương, chắc chắn Mỹ sẽ không thể để yên cho Trung Quốc ngang ngược biến Biển Đông thành “một cái hồ” của riêng mình.

RELATED ARTICLES

Tin mới